Hủy
Kinh Doanh

Sân chơi cho trẻ em: Thị trường 3 tỉ USD

Huy Vũ Thứ Tư | 10/08/2016 09:00

 
 
Đây là ngành kinh doanh hấp dẫn với mức sinh lời 30%/năm nhưng đòi hỏi vốn lớn và đổi mới liên tục

Đầu tư rầm rộ từ 2 năm trước với nhiều tên tuổi lớn nhưng đến nay, thị trường sân chơi cho trẻ em, đặc biệt là ở khu vực nội thành, dường như chững lại.

Báo cáo năm 2015 của Bộ phận Thống kê ASEAN (ASEAN Stats) thuộc Ban Thư ký ASEAN, tỉ lệ trẻ dưới 15 tuổi ở Việt Nam chiếm 23,5% dân số. Chỉ tính riêng ở TP.HCM, số trẻ dưới 16 tuổi cũng lên tới 1,7 triệu và chiếm trên 1/4 dân số của Thành phố. Thế nhưng số điểm vui chơi cho trẻ chỉ mới đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu này. Do đó, TP.HCM có chủ trương kêu gọi tư nhân đầu tư xây dựng theo hình thức xã hội hóa.

Độ lớn thị trường các dịch vụ vui chơi dành cho trẻ em ước tính vào khoảng 3,1 tỉ USD/năm, mức sinh lợi theo các doanh nghiệp vào khoảng 30%. Nhu cầu cao, lợi nhuận cao nên thị trường đón sóng đầu tư nhộn nhịp vào lĩnh vực này từ năm 2014, với những cái tên nổi bật như Vietopia của Him Lam, KizCiti đi theo mô hình khu vui chơi hướng nghiệp, Vin Kids Center của VinGroup, tiNiWorld của Công ty Thiếu Nhi Mới đi theo mô hình khu vui chơi, mua sắm cho trẻ.

Nhưng đến nay, thị trường lại trở nên khá im ắng khi đa phần doanh nghiệp đều không có ý định mở rộng ra quy mô lớn. Theo đánh giá,  dù thị trường vẫn rất hấp dẫn nhưng đòi hỏi nhà đầu tư phải có nguồn lực tài chính vững mạnh, đổi mới liên tục. Tùy theo quy mô, cách tổ chức, mô hình, chi phí vận hành các trung tâm sẽ khác nhau, từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỉ đồng mỗi tháng.

Thời điểm hiện tại, chỉ còn tiNiWorld vẫn đưa ra các công bố mở rộng chuỗi khu vui chơi. Cụ thể, cuối tháng 7 vừa qua, tiNiWorld khai trương trung tâm mới ở Saigon Centre, Q.1, TP.HCM. Như vậy, sau gần 7 năm tham gia thị trường, tiNiWorld có tổng cộng 25 chi nhánh trên toàn quốc. Theo kế hoạch, tiNiWorld sẽ tăng gấp đôi số lượng khu vui chơi hiện có bằng cách đi theo các trung tâm thương mại vào năm sau và trung thành với chiến lược tự đầu tư. Đâu là nguyên nhân khiến tiNiWorld, một cái tên ít được chú ý lại nổi trội so với các đối thủ?

Không khó để nhận ra 2 trường phái được chia ra khá rõ trong mô hình kinh doanh này. Nhóm thứ nhất tận dụng lợi thế bất động sản của các công ty mẹ để có các vị trí đẹp như Vietopia của Him Lam hay đi theo chuỗi trung tâm thương mại như Vin Kids Center của Vingroup. Tuy nhiên, đây là mô hình chỉ dành cho các thành phố hoặc tỉnh lớn do giá vé cao, vì có đầu tư ban đầu lớn để đảm bảo các yếu tố về cơ sở vật chất và dịch vụ chuyên nghiệp. Chính vì thế, nhóm này gặp khó trong việc mở rộng vì quỹ đất có vị trí tốt đang ngày càng hiếm ở các khu vực nội thành.

Bên cạnh đó, thời gian hoàn vốn của dự án khá lâu, như Vietopia của Him Lam, đầu tư hơn 500 tỉ đồng, thời gian hoàn vốn là 8 năm. Hiện doanh nghiệp này chỉ mới đi được gần một nửa đoạn đường. Trong khi đó, để có một khu phức hợp vui chơi trên tổng diện tích gần 20.000 m2 tại trung tâm quận 4, TP.HCM, KizCiti đã rót vốn đầu tư ban đầu 40 tỉ đồng, chưa kể tiền mặt bằng được Ủy ban Nhân dân TP.HCM tài trợ.

San choi cho tre em: Thi truong 3 ti USD
Ảnh: picssr.com

Nhóm thứ 2 chọn hướng theo các trung tâm thương mại như tiNiWorld. Cách này sẽ giảm chi phí đầu tư ban đầu, mức giá cũng vì thế mà cạnh tranh hơn. Hiện nay, tiNiWorld có giá vé từ 40.000-120.000 đồng (tùy vị trí), mức giá thấp hơn rất nhiều so với mức giá từ 180.000-190.000 đồng (chưa kèm người lớn) của KizCiti hay Vietopia. Để tăng doanh thu, Vietopia còn mở rộng kinh doanh bằng mô hình phục vụ cả cha mẹ và chia sẻ không gian với các nhà tài trợ.

Nhưng điều đó không có nghĩa là các doanh nghiệp như tiNiWorld không gặp rủi ro. Đầu tiên là nằm ở độ nóng của trung tâm thương mại mà doanh nghiệp đã ký kết. Trên thực tế, trong vòng 6 năm qua, Công ty đã phải đóng cửa khu vui chơi đặt ở những trung tâm không có lượng khách hàng như mong đợi. Áp lực thứ 2 đến từ thị hiếu khách hàng nhí thay đổi theo thời gian. Theo ông Thomas Ngô, Tổng Giám đốc Công ty, nếu như cách đây 6 năm, một khu vui chơi chỉ cần 300 m2, tiện nghi vừa phải thì chuẩn hiện nay phải hơn 1.000 m2 và nhiều tiện ích hơn. Điển hình như tiNiWorld vừa mới mở, diện tích xấp xỉ 1.000 m2, ở trung tâm Sài Gòn, nhiều dịch vụ mới, thiết bị mới nhưng giá vé chỉ 120.000 đồng. Trong khi các khu có diện tích nhỏ hơn, đầu tư trước như tiNiWorld Parkson C&T, tiNiWorld NowZone hay tiNiWorld Lý Thường Kiệt giá vé đã là 80.000-100.000 đồng.

Có thể nói các khu vui chơi mới đang là đối thủ của chính khu vui chơi cũ hơn trong cùng hệ thống. Tuy nhiên, ông Thomas Ngô lại cho rằng, đây không phải là trở ngại lớn, bởi Công ty đã tính toán mức giá phù hợp với thu nhập của khách hàng ở từng khu vực. Trở ngại lớn nhất mà ông chủ tiNiWorld thừa nhận là mô hình kinh doanh khu vui chơi trẻ em ở Việt Nam chưa có một chuẩn chung, cũng chưa có doanh nghiệp nào đi trước nên Công ty phải tự mày mò tìm đường phát triển.

Với chiều cao hơn 1,8 mét, áo sơ-mi kẻ sọc gọn gàng, ông chủ tiNiWorld lặng lẽ quan sát từng khu vực ở khu vui chơi mới mở tại Sài Gòn Centre. Lâu lâu, ông lại bắt chuyện hỏi thăm các phụ huynh đi ngang qua. Ông cho rằng, mô hình kinh doanh khu vui chơi giải trí cho trẻ em rất kén chọn nhà đầu tư, vì chủ doanh nghiệp phải cân bằng giữa lợi ích kinh doanh và trách nhiệm xã hội. Có lẽ vì thế mà cho đến nay, tiNiWorld vẫn tự đầu tư và chưa có ý định nhượng quyền hay gọi vốn bên ngoài.

Huy Vũ


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới