Sàn giao dịch nông sản: Lực đẩy từ startup
Ảnh: FoodConnect.
Thông tin FoodMap gọi vốn thành công 500.000 USD cho thấy kết nối và tiêu thụ nông sản trên nền tảng công nghệ đang là hướng đi khả thi của nhiều startup Việt Nam.
Xu hướng chung của thế giới
FoodMap đang phát triển với tốc độ 20%/tháng về số lượng người bán, chủng loại nông sản cũng như đơn đặt hàng. Ra đời sau FoodMap ít lâu, FoodConnect cũng đã thu hút hơn 1.000 nông dân tham gia liên kết trên nền tảng công nghệ sau 3 tháng bắt đầu dự án. Thế mạnh của startup này là kết nối được với các hợp tác xã, trong đó có Liên minh hợp tác xã tỉnh Tiền Giang - nguồn cung cấp trái cây đa dạng và chất lượng.
Đầu năm nay, theo kế hoạch lẽ ra lô hàng 13 tấn cà phê đầu tiên mang thương hiệu Upta, được trồng theo chuẩn sản xuất châu Âu - GlobalGAP từ các nông trại ở huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) đã xuất sang Thụy Sĩ. Dịch COVID-19 bùng phát, kế hoạch xuất khẩu không thành. Chủ nhân của thương hiệu Upta tìm đến Dotata (Công ty Mộc Thiên Ân) đề nghị hỗ trợ.
Giám đốc Dotata sau khi kiểm tra lô cà phê đã chấp nhận thanh toán một phần giá trị và cam kết tìm đầu ra cho lô hàng. Thông qua mạng lưới đối tác từ Bắc vào Nam, chưa tới một tuần sau khi gửi mẫu sản phẩm để giới thiệu, Dotata đã nhận được yêu cầu nhập hàng từ 4 chủ quán kinh doanh cà phê và tiêu thụ hết 13 tấn chỉ sau hơn một tháng.
Hiện nay, không chỉ chuẩn bị đưa cà phê Upta đi Mỹ, Dotata còn gửi mẫu sản phẩm sang Singapore và Na Uy. Dotata hoạt động theo mô hình khá đơn giản, đó là liên kết giữa doanh nghiệp - nhà sản xuất - nhà khoa học, trong đó, Dotata đảm nhận khâu thương mại, kết nối nông sản Việt với thị trường trong nước và quốc tế. Các sản phẩm nông sản được phân phối bởi Dotata đều được quản lý thương hiệu, thực hiện chuỗi cung ứng khép kín, đạt chuẩn GlobalGAP và hữu cơ (organic)...
Song song với các startup, hơn một năm qua, nhiều tỉnh như Thanh Hóa, Bình Phước... cũng đã ra mắt sàn giao dịch nông sản được đầu tư hàng chục tỉ đồng. Dù hiện tại khả năng thành công của mỗi sàn hầu như chưa rõ ràng nhưng lĩnh vực này được đánh giá là tiềm năng, bởi vì Việt Nam sẽ phải theo xu hướng phát triển chung của thế giới.
Chủ nhân của một sàn giao dịch đang tạm ngưng hoạt động cho biết, sàn giao dịch nông sản tương tự mô hình chợ online ở chỗ muốn tồn tại và phát triển phải có người đến họp chợ. Ở giai đoạn các sàn chạy thử, miễn phí giao dịch thì có người mua bán, nhưng đến khi thu phí như tiền thuê gian hàng, phí quản lý..., tiểu thương lại hết mặn mà. Nhiều sàn vì vậy mà chết yểu.
Hiện tại, doanh nghiệp Việt đã tham gia các sàn quốc tế để bán hàng xuất khẩu và nhiều sàn lớn trên thế giới cũng đang phát triển cho thị trường Việt Nam. Điều này giúp phát triển chợ nông sản Việt online, đồng thời, các công ty nước ngoài cũng có được cơ sở dữ liệu lớn (Big Data) thông qua hành vi mua bán của người dùng. Do đó, để các sàn giao dịch nông sản Việt Nam phát triển, cần nhà đầu tư có khả năng chịu lỗ thời gian đầu, chờ được đến thời gian người dùng chấp nhận đóng phí để chợ tự sống được.
Địa phương hóa sàn giao dịch
Trong một hội thảo tại TP.HCM, ông Tony Yin, đại diện Tập đoàn Alibaba (Trung Quốc), cho rằng nông sản, trái cây là sản phẩm lợi thế của Việt Nam nhưng để bán tốt qua sàn giao dịch, cần phải có sự hỗ trợ của dịch vụ logistics. “Đối với trái cây, tại Việt Nam riêng khâu vận chuyển khiến hàng hư hỏng phải bỏ đến 60%, trong khi tỉ lệ toàn cầu là 40%. Nếu Việt Nam cải thiện logistics sẽ thúc đẩy bán hàng qua mạng, tăng lợi nhuận từ việc giảm hao hụt”, ông Tony Yin cho biết.
Khi đã đi vào chuyên nghiệp, ngoài chức năng kết nối, sàn giao dịch nông sản còn là nơi tập trung nguồn lực tài chính của xã hội cho ngành nông nghiệp. Vì vậy, các sàn giao dịch nông sản mở ra là cần thiết, ngay cả Singapore thời điểm mới đạt 3 triệu dân đã có sàn thủy sản, sàn thịt heo...
Sự chậm trễ của Việt Nam trong lĩnh vực này có nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến thiếu năng lực để xây dựng các sàn giao dịch hàng hóa phù hợp với đặc trưng sản xuất trong nước. Sau 10 năm hoạt động không hiệu quả, chính quyền tỉnh Đắk Lắk đã chính thức khai tử sàn giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột. Thực tế, không riêng gì tình trạng chết yểu của sàn giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột, nhiều sàn giao dịch nông sản khác cũng phải tạm ngừng giao dịch dù có ngân hàng hỗ trợ, bộ phận kiểm tra chất lượng sản phẩm, kho chứa hàng, cảng và nhiều công trình phụ trợ khác.
Nếu nhìn vào Ethiopia sẽ thấy trước năm 2008, thực trạng sản xuất và mua bán cà phê nước này manh mún y như Việt Nam. Tuy nhiên sàn giao dịch cà phê Ethiopia (ECX) đã nhanh chóng thành công, trong khi các nước xung quanh Ethiopia cũng xây dựng sàn giao dịch và hầu hết đều thất bại giống Việt Nam.
Nguyên nhân chính là sàn giao dịch cà phê Ethiopia hoàn toàn được nước này tự xây dựng, chính quyền không lấy bất cứ nguồn lực nào từ bên ngoài. Bản chất tự tạo dựng này là yếu tố quan trọng cho sự thành công của ECX. Nghiên cứu của Ecobank châu Phi cho rằng Ethiopia đã địa phương hóa thành công sàn giao dịch của mình khi đặt các nhà kho và chuỗi cung ứng ở trung tâm chiến lược phát triển. Theo nhận định của Ecobank, mỗi mô hình sàn giao dịch chỉ thích ứng với điều kiện cụ thể của riêng nó, nếu áp dụng cùng một mô hình cho những địa phương khác nhau thì rất khó thành công.
Đa số các nước, trong đó có Việt Nam muốn nhập khẩu một mô hình sàn giao dịch từ Mỹ hoặc châu Âu rồi áp dụng rập khuôn, chứ chưa chú trọng sáng tạo và địa phương hóa cho phù hợp với quốc gia mình như Ethiopia đã làm
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Trực Thanh
-
Nguyễn Mai
-
Minh Đức