Hủy
Kinh Doanh

SK Group bất ngờ tuyên bố đầu tư 410 triệu USD vào VinCommerce, định giá 2,5 tỉ USD

Sơn Mai Thứ Tư | 07/04/2021 09:42

SK Group sẽ tận dụng để khai thác phân khúc thương mại điện tử đang phát triển mạnh tại thị trường Đông Nam Á. Ảnh: Bnews.vn.

Theo thông tin mới nhất, SK Group cho biết họ sẽ đầu tư chiến lược vào VinCommerce, công ty con của Masan Group.
 

Theo đó, SK Group sẽ tận dụng để khai thác phân khúc thương mại điện tử đang phát triển mạnh tại thị trường Đông Nam Á. SK Group tiết lộ chi nhánh đầu tư tại Đông Nam Á đã ký thỏa thuận mua 16,3% cổ phần VCM (công ty nắm giữ VinCommerce) với giá 460 tỉ Won (410 triệu USD). Với giao dịch này, VCM được định giá khoảng 2,5 tỉ USD.

VinCommerce hiện điều hành khoảng 2.300 cửa hàng tiện ích và siêu thị dưới tên VinMart (trong năm nay sẽ đổi thành WinMart). Công ty có kế hoạch tăng lên con số 3.000 điểm bán vào cuối năm 2021. Được thành lập năm 2018, SK Southeast Asia Investment đã mua 9,6% cổ phần Masan Group vào tháng 10.2018 và mua lại 6,1% cổ phần Vingroup vào tháng 5.2019 nhằm mở rộng sự hiện diện của mình tại thị trường trọng điểm châu Á.

VCM đã đạt EBITDA hòa vốn vào quý IV/2020, sau khi đóng cửa mạnh tay 700 cửa hàng không đạt hiệu quả. Trong quý I/2021, VCM đạt EBITDA dương, ban điều hành Masan Group đặt kỳ vọng chỉ tiêu này dương cho cả năm nay.

Ảnh: vietstock
Năm 2021, VCM đặt mục tiêu cải thiện biên lợi nhuận thương mại lên mức 2% thông qua ký kết hợp đồng với các nhà cung cấp chiến lược và tìm nguồn hàng tươi sống trực tiếp. Ảnh: laodong.

Năm 2021, VCM đặt mục tiêu cải thiện biên lợi nhuận thương mại lên mức 2% thông qua ký kết hợp đồng với các nhà cung cấp chiến lược và tìm nguồn hàng tươi sống trực tiếp, triển khai mô hình cửa hàng kiểu mẫu trên quy mô toàn quốc trước quý II/2021 và nâng cấp mô hình chuỗi cung ứng châm hàng tự động.

Masan có kế hoạch sử dụng một phần khoản đầu tư này (xấp xỉ 225 triệu USD) để củng cố bảng cân đối kế toán và tăng vốn cho các sáng kiến thúc đẩy ​​tăng trưởng trong tương lai.

Hành trình 2020 – 2030 của Masan đã bắt đầu với việc sáp nhập VinCommerce để thành lập The CrownX – (Tập đoàn Tiêu dùng – Bán lẻ của Việt Nam). Nếu không phải là bước đi đó, có lẽ Masan đã để tương lai của chính mình rơi vào vị thế vô cùng thử thách", ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch HĐQT Masan Group viết trong báo cáo thường niên 2020.

 

Cũng trong Đại hội Cổ đông, CEO Danny Le cho hay khi VinCommerce hợp tác độc quyền với Techcombank, ngân hàng này có thể sử dụng mạng lưới 3.000 cửa hàng bán lẻ hiện tại của Masan để mở rộng mạng lưới, đặc biệt là hướng đến khách hàng ở nông thôn thay vì tự mở mới chi nhánh, phòng giao dịch. Mục tiêu trong năm nay của tập đoàn là sẽ triển khai dịch vụ tài chính tại 1.800 cửa hàng.

Trong tầm nhìn đến năm 2025 nếu thành công trong việc đưa hệ thống siêu thị mini trở thành điểm giao dịch tài chính, Masan và Techcombank có thể thu hút 2 tỉ USD tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của 50 triệu khách hàng. Sau chiến lược phục vụ nhu cầu tài chính, Masan hướng đến việc kết hợp các nhà mạng viễn thông để triển khai các dịch vụ số tại hệ thống bán lẻ của mình.

Song song đó, Masan sẽ bắt đầu thử nghiệm việc nhượng quyền thương hiệu VinMart+. Theo ông Danny Le, nếu không nhượng quyền, tập đoàn không thể tự mình vươn tới mục tiêu có 30.000 cửa hàng vào năm 2025. Masan kỳ vọng sẽ có 20.000 điểm bán lẻ ở kênh truyền thống theo hình thức nhượng quyền và tự vận hành 10.000 cửa hàng hiện đại trong 5 năm tới.

►Sau “cải tổ”, đại gia bán lẻ Thái tiếp tục chơi lớn tại thị trường Việt Nam


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới