Soi lãi lỗ của 6 công ty quản lý đã nộp báo cáo
Tính đến ngày 18/3/2014, Quản lý quỹ An Bình, Quản lý quỹ Đối tác toàn cầu, Quản lý quỹ VAM Việt Nam, Quản lý quỹ Manulife Việt Nam, Vinawealth và Quản lý quỹ MB là 6 công ty quản lý quỹ đầu tiên công bố báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán 2013. 4 trong số 6 DN này báo lãi, trong đó, ngoại trừ Quản lý quỹ MB là có lãi hàng chục tỷ đồng, các DN còn lại có lãi rất thấp, thậm chí lãi chủ yếu do “cơ cấu” tạo nên.
Quản lý quỹ An Bình báo cáo sụt giảm 9 lần lợi nhuận sau thuế xuống chỉ còn chưa đầy 600 triệu đồng - ngay cả con số lãi nhỏ này cũng lại nhờ một khoản hoàn nhập 2,8 tỷ đồng dự phòng giảm giá các khoản đầu tư. Trong khi đó, doanh thu của Công ty giảm rất mạnh: doanh thu từ hoạt động tư vấn đầu tư chứng khoán đã không còn trong năm 2013, trong khi doanh thu của hoạt động này trong năm 2012 lên tới 15,6 tỷ đồng.
Quản lý quỹ An Bình cũng là công ty có biến động lớn về sở hữu trong năm 2013, khi mà hai cổ đông lớn là CTCP XNK Tổng hợp Hà nội đã thoái toàn bộ 59% vốn và Ngân hàng TMCP An Bình thoái toàn bộ 9,9% vốn. Một cổ đông lớn cá nhân khác cũng thoát hết 30,7% vốn tại Công ty này.
Quản lý quỹ Đối tác toàn cầu (GPA) - công ty thua lỗ lớn và được bán lại cho chủ mới trong năm 2013 - vẫn đang phải ghi nhận các con số kinh doanh xấu trong giai đoạn tái cấu trúc. Tính đến ngày 31/12/2013, Công ty có lỗ lũy kế 41,9 tỷ đồng, “ăn” gần hết vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Doanh thu kinh doanh trong năm sụt rất mạnh xuống chỉ còn 368 triệu đồng và doanh thu hoạt động tài chính là 91 triệu đồng, tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí hoạt động tài chính cũng giảm tương ứng. Năm 2013, Công ty lỗ 721 triệu đồng.
Cũng trong quá trình tái cấu trúc, Quản lý quỹ VAM Việt Nam đã bắt đầu ghi nhận lãi từ năm 2013. Trong năm, Công ty có lợi nhuận 193 triệu đồng, giúp lỗ lũy kế giảm nhẹ xuống 20,5 tỷ đồng. Công ty cũng bắt đầu có những khoản doanh thu nhỏ từ phí quản lý tài sản và phí thưởng. Tuy nhiên, khoản lợi nhuận này lại không đến từ cải thiện hoạt động kinh doanh, mà chủ yếu nhờ một khoản xóa nợ 1,2 tỷ đồng từ công ty liên quan là Vietnam Asset Management - một công ty quản lý quỹ nước ngoài tham gia chặt chẽ vào việc tái cấu trúc Công ty. Cũng trong năm, VAM Việt Nam được tăng vốn điều lệ từ 33 tỷ đồng lên 46 tỷ đồng.
Ngược lại, doanh thu kinh doanh tăng khá tốt ở khối các công ty có tiếng trong hoạt động quản lý quỹ. Quản lý quỹ Manulife Việt Nam báo cáo doanh thu kinh doanh tăng gần 24% lên 17,7 tỷ đồng, trong đó, cả phí quản lý quỹ từ Công ty TNHH Manulife (Việt Nam) lẫn phí quản lý từ Quỹ đầu tư tăng trưởng Manulife đều tăng tốt. Quản lý quỹ Vinawealth ghi nhận doanh thu từ hoạt động kinh doanh tăng hơn 3 lần lên 1,1 tỷ đồng, chủ yếu nhờ phí quản lý quỹ đầu tư trái phiếu dạng mở VFF.
Nhưng những công ty này lại phải chịu chi phí rất lớn, dẫn tới kết quả chung của Công ty vẫn thua lỗ hoặc phải nhờ sự hỗ trợ tài chính từ công ty mẹ. Quản lý quỹ Manulife Việt Nam báo cáo chi phí quản lý doanh nghiệp tăng hơn 30%, trong đó cao nhất là chi phí nhân viên, tăng 37% lên 20 tỷ đồng. Tính chung cho cả năm 2013, Công ty đã lỗ 12 tỷ đồng, khiến lỗ lũy kế của công ty này tiếp tục nặng thêm, lên 31,4 tỷ đồng trên vốn điều lệ 53 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2013.
Chi phí nhân viên của Vinawealth thậm chí tăng 44% lên 17,9 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty phát sinh thêm chi phí quảng cáo 639 triệu đồng, sau khi đưa quỹ mở VFF vào vận hành hồi đầu năm 2013.
Vinawealth, trong khi đó, nhờ sự hỗ trợ từ tập đoàn mẹ nên đã thoát lỗ trong năm 2013. Công ty ghi nhận lợi nhuận 46,6 triệu đồng trong năm, sau khi lỗ 13 tỷ đồng năm 2012. VinaCapital Corporate Finance Ltd đã hỗ trợ tài chính 18,2 tỷ đồng cho Công ty, căn cứ trên khoản lỗ từ hoạt động kinh doanh trong năm, cộng với khoản 3,7 tỷ đồng được VinaCapital Investment Management Ltd bù đắp chi phí lương của nhân viên đang quản lý VFF. Vốn điều lệ của Vinawealth cũng được tăng rất mạnh từ 39 tỷ đồng đầu năm lên 62 tỷ đồng cuối năm. Tính đến 31/12/2013, Công ty lỗ lũy kế 17,2 tỷ đồng.
Duy trì được kết quả lợi nhuận năm 2013 có MBCapital, với lợi nhuận trước thuế 27,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, cũng theo tình hình chung thị trường, doanh thu kinh doanh của Công ty đã giảm một nửa so với năm trước đó, xuống còn gần 19 tỷ đồng - do doanh thu từ hoạt động tư vấn đầu tư chứng khoán và doanh thu từ hoạt động quản lý danh mục đầu tư giảm mạnh. Doanh thu hoạt động tài chính của Công ty tăng gấp 3 lần lên 20 tỷ đồng, chủ yếu nhờ thu nhập cổ tức, trái tức và lãi tiền gửi ngân hàng tăng vọt 4 lần lên 18,4 tỷ đồng.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Trực Thanh
-
Nguyễn Mai
-
Minh Đức