'Sóng ngầm' thị trường vàng
Tròn 3 năm kể từ ngày Chính phủ ban hành Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (3/4/2012), thị trường vàng trong nước đã đổi thay đáng kể. Không còn những cơn sóng đầu cơ làm giá, cũng biến mất cảnh người dân xếp hàng mua bán hỗn độn… Và như thế, thay vì chạy theo thị trường, cơ quan quản lý nay đã giành quyền chủ động. Tuy nhiên, ý chí của giới buôn vàng vốn là dòng chảy xiết, dẫu be đắp kỹ càng, nhưng các mạch ngầm len lỏi.
Bị “bịt” hẳn cửa trong đầu cơ kinh doanh vàng miếng, hết thời làm mưa làm gió, doanh nghiệp vàng miếng than ngày càng khó sống. Trong khi đại diện cơ quan quản lý thì ví von: “Giờ, nuôi lợn còn lãi hơn đi kinh doanh vàng”. Hư thực thế nào?
Chia tay hoàng kim
“Đối với thị trường Việt Nam, trong ngắn hạn, việc để giá vàng trong nước chênh, chủ yếu là cao hơn so với giá vàng thế giới là việc cần làm để hạn chế đầu cơ, tích trữ vàng. Với mức chênh lệch này giới đầu cơ có thể kiếm được chút lợi nhưng họ luôn phải tính đến rủi ro lỗ nặng nếu NHNN đấu thầu bán vàng ra”. Thống đốc Nguyễn Văn Bình |
Hơn 11 giờ trưa ngày cuối tháng 3/2015, tại trụ sở của một công ty kinh doanh vàng bạc đá quý nằm trên con phố không thuộc trung tâm Hà Nội, đa số cánh cửa đều đóng kín. Trong căn phòng nhỏ tuềnh toàng chưa đầy hai chục mét vuông gắn tên “Phòng kinh doanh”, tôi ngồi trò chuyện với một người quen từng có kinh nghiệm hơn chục năm làm trong lĩnh vực vàng. Vừa nhắc đến thị trường vàng miếng, anh lập tức xua tay: “Thôi, đừng nhắc nữa, thời hoàng kim qua rồi. Ngày xưa lương chúng tôi lĩnh 14-15 triệu/tháng giờ chỉ còn vài ba triệu, hẻo lắm”. Thấy vẻ mặt tỏ ý khó tin của người viết, anh khoát tay quanh căn phòng nơi mấy nhân viên đang ngồi mà rằng: “Bằng giờ này vài năm trước lúc thị trường sốt sìn sịt lúc nào cũng bận túi bụi. Còn giờ chả có việc gì làm, chủ yếu đọc báo và chơi điện tử. Phòng tôi bây giờ thay vì đi ăn ngoài, nhiều chị em trong phòng còn tiết kiệm mang cơm trưa đi”. Theo lời anh, giá vàng SJC chênh lệch mua vào - bán ra giờ chỉ còn 40 ngàn đồng/lượng, bán buôn còn thấp hơn có khi chỉ chênh 20 ngàn đồng/lượng, nhiều khi 100 cây mới kiếm lời được chưa đầy 2 triệu. “Cả ngày mua bán không được nổi vài trăm cây vàng, thử hỏi lãi thế, lấy đâu trả lương cao”- Anh kết luận.
Phố Hàng Bạc (Hà Nội) ngay cả trong ngày Thần Tài (9/1 âm lịch vừa qua), ngoại trừ một vài địa chỉ vốn có tiếng tấp nập, còn đa phần các cửa hàng chỉ lác đác khách. Trong cửa hàng nhỏ chỉ vài mét vuông, anh Ngọc Bình đã hơn 20 năm gắn với nghề kinh doanh vàng nói: “Ngày xưa giới buôn vàng phố này chả mấy khi phải trông vào ngày Thần Tài mới bán được vàng. Cách đây vài năm, bất cứ lúc nào giá vàng cứ nhảy múa là khách gọi lấy vàng tới tấp. Có ngày cửa hàng tôi bán đến cả trăm cây”. Không được kinh doanh vàng miếng, 2 năm nay, anh Bình trông vào mua đi bán lại vàng cũ rồi bán lại cho doanh nghiệp to hơn gia công. Còn lại, cửa hàng chủ yếu bán vàng nữ trang hưởng chênh lấy công làm lãi.
Nói về câu chuyện kinh doanh vàng, ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ, kim hoàn đá quý TPHCM thừa nhận: Năm 2014, hoạt động kinh doanh vàng rất ế ẩm. Nhiều doanh nghiệp (DN) kinh doanh vàng không tồn tại được vì không còn được kinh doanh vàng miếng, nữ trang thì nhu cầu không lớn. Thậm chí, ông Dưng còn kể lại việc rất bất ngờ vào cuối năm 2014 khi đến thăm một cơ sở sản xuất vàng lâu năm với hơn 150 nhân công lao động mới biết họ giải tán tự lúc nào.
Doanh nghiệp vàng tụt hạng
Trước năm 2013, khi bảng xếp hạng VNR500 (500 DN tư nhân lớn nhất Việt Nam) được công bố, người ta nhận thấy có sự thắng thế của nhóm DN vàng bạc nhờ sự góp mặt của nhiều DN trong top 50 và sự thăng hạng liên tục. Thời điểm đó, trùng với những năm (từ 2009 - 2012) cả nước “sôi” lên cùng các cơn sốt vàng. Tuy nhiên, tại bảng VNR500 năm 2014, Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (VBĐQ) - SJC chỉ còn đứng ở vị trí số 29 - mức tụt hạng thấp nhất trong 8 năm qua, bởi trước đó Công ty SJC liên tục ở ngôi đầu bảng Top 10. Cũng theo bảng xếp hạng, Công ty CP VBĐQ Phú Nhuận lùi xuống vị trí 104 cách xa tít nhiều bậc so với trước kia.
Phân tích về trường hợp SJC, một chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán chỉ ra: Năm 2011, nhờ sự sôi động của thị trường vàng, Cty VBĐQ SJC đã đứng trong Top 10 DN có doanh thu lớn nhất Việt Nam với doanh thu đạt hơn 111 nghìn tỷ đồng. Nhưng kể từ mức đỉnh này, doanh thu của SJC đã giảm rất nhanh: còn 72 nghìn tỷ vào năm 2012 và chưa đến 28 nghìn tỷ (1,3 tỷ USD) vào năm 2013. Về tỷ suất lợi nhuận doanh thu của SJC năm 2013 cũng thấp khi cứ 150 đồng mới có 1 đồng lãi. “Việc SJC rời xa khỏi Top 10 cũng như các DN kinh doanh vàng bạc khác tụt hạng về quy mô, tăng trưởng cho thấy sức kinh doanh của DN cũng như hấp dẫn của thị trường vàng miếng kém đi rất nhiều”- chuyên gia này nhận định.
Cũng nhắc đến SJC, một lãnh đạo NHNN vốn phụ trách lĩnh vực vàng khi đó, thấy dư luận “ồn” lên về lợi ích nhóm trong việc để SJC gia công vàng, đã khẳng định: “Ở đây chẳng có lợi ích nhóm nào hết. Bản thân doanh nghiệp SJC không sung sướng gì bởi thay cho tự do sản xuất theo thị trường nay họ phải dập vàng dưới sự giám sát chặt chẽ của NHNN. Với chính sách không cho nhập vàng mới, SJC chỉ còn thực hiện gia công lại, cho nên kết quả kinh doanh tất yếu bị ảnh hưởng”. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN TPHCM, đơn vị giám sát hoạt động sản xuất vàng miếng tại SJC cũng khẳng định: Cả năm 2014, xưởng gia công vàng của Công ty VBĐQ SJC chỉ làm một việc duy nhất là dập lại vàng móp méo đang lưu hành trên thị trường, không có đợt dập vàng mới nào.
Trong câu chuyện với một vị nhà có thâm niên mấy đời buôn vàng ở phố cổ (công ty của ông cũng được phép kinh doanh vàng miếng), vị này tỏ ý mệt mỏi khi nhắc đến chính sách siết quản lý vàng của NHNN. “Cả năm không có tí sóng sánh nào trên thị trường; chẳng có đợt sốt giá khiến dân tình đổ xô đi mua vàng, thế nên giới buôn vàng Hà Nội từ thu tiền chẵn nay sang nhặt tiền lẻ. “Ông” nhà nước cứ độc quyền về cung vàng và ép giá chênh cao thế này, chúng tôi hết muốn làm vàng miếng luôn” - vị này nói.
Tiếp tục thu hẹp
Các điểm kinh doanh vàng như thế này đang có xu hướng thu hẹp lại. Ảnh: Như Ý
Thống kê của Vụ Quản lý ngoại hối NHNN, tính đến hết thời điểm 31/12/2014, mạng lưới kinh doanh mua bán vàng miếng được thiết lập có quản lý bao gồm 38 tổ chức tín dụng (TCTD) và DN với các địa điểm giao dịch ở 63 tỉnh, thành phố. Với xu hướng cho thu hẹp các điểm kinh doanh không hiệu quả, đến nay, tổng số địa điểm kinh doanh vàng miếng được cấp phép đã giảm đi 171 điểm; hiện chỉ còn 2.325 điểm.
Về thông tin Hội đồng Vàng thế giới (WGC) công bố năm 2014 Việt Nam tiêu thụ hết 69,1 tấn vàng khiến dư luận “giật” mình vừa qua, trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Vụ trưởng Vụ quản lý ngoại hối cho biết: “Năm 2014, NHNN không cấp quota nhập bất cứ tấn vàng nào. Vàng lậu có về qua biên giới cũng chỉ là một số lượng nhỏ. Vàng trong nước thì cũng gia công loanh quanh mua đi bán lại. Vậy thì lấy đâu ra từng ấy? Tôi cho là số liệu đó chưa chuẩn xác”- ông Cảnh nói. Theo ông Cảnh, hồi tháng 4/2013, ông Huỳnh Trung Khánh đại diện Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam từng có thư phúc đáp NHNN về số liệu vàng của Việt Nam trong các năm 2011, 2012 mà tổ chức này đưa ra và nêu rõ số liệu Hội đồng Vàng thế giới nêu trong báo cáo thường niên và nhấn mạnh số liệu về “Consumer Demand” có nghĩa là số liệu về nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng bao gồm cả: vàng nữ trang sản xuất, vàng miếng từng quý và năm vàng do NHTM mua vào bán ra, vàng nguyên liệu nhập khẩu chính thức và cả không chính thức. “Số liệu này dễ gây hiểu nhầm là vàng nhập trong khi nó tổng hợp gồm từ rất nhiều nguồn, cộng cả mua đi bán lại”- ông Cảnh nhìn nhận. Còn nhận định về thị trường vàng miếng thời gian này, Vụ trưởng Vụ quản lý ngoại hối tự tin cho biết, với mức chênh lệch hiện tại chỉ vài chục ngàn đồng/lượng mua vào - bán ra, kinh doanh vàng miếng thực sự không còn sự hấp dẫn và NHNN đang làm rất tốt vai trò điều tiết thị trường. “Tôi nói thật, nếu so sánh thì nuôi lợn bây giờ còn lãi hơn đi kinh doanh vàng”- ông Cảnh ví von.
Về câu chuyện giá và độc quyền nhập vàng, đến giờ này giới buôn vàng miếng lâu năm đều tỏ ý bất bình khi cơ quan quản lý cứ một mình một chợ “găm” giá vàng trong nước “đắt” hơn giá thế giới tới 5 triệu đồng/lượng. “Làm như thế đúng là tiền vào “túi” nhà nước (toàn bộ tiền lãi từ đấu thầu vàng NHNN đều nộp vào ngân sách- PV), nhưng tôi cứ thấy thế nào ấy khi NHNN lại đi “buôn” vàng. Vàng miếng bị chặn thì chúng tôi tính cửa khác để lách thôi”- một nhà buôn khẳng định.
Vụ Quản lý ngoại hối cho biết: nếu như giai đoạn năm 2013, NHNN đã phải can thiệp bán 68,25 tấn vàng miếng thì trong năm 2014 cơ quan này không tổ chức bất cứ một phiên đấu thầu và không nhập thêm tấn vàng nào. |
Nguồn TPO
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Trực Thanh
-
Nguyễn Mai
-
Minh Đức