Tăng nhiệt chuỗi cung ứng lạnh
Ảnh: TL
Dự kiến vào đầu tháng 9, ABA Cooltrans, doanh nghiệp dẫn đầu trong chuỗi cung ứng lạnh ở Việt Nam, sẽ mở thêm 1 trung tâm phân phối lạnh (DC) ở Thủ Đức, TP.HCM.
Đây là DC thứ 3 của ABA, tiếp sau 2 DC ở TP.HCM và Hà Nội. Ông Lương Quang Thi, Tổng Giám đốc ABA Cooltrans, cho biết: “DC mới đánh dấu bước phát triển chiến lược của ABA ở khu vực TP.HCM và miền Đông nhằm đáp ứng tốc độ tăng trưởng của đối tác là các nhà bán lẻ hiện đại, các chuỗi thực phẩm và đồ uống, nhà sản xuất... Giai đoạn này ABA sẽ hỗ trợ chính sách giá phù hợp để tạo điều kiện cho các khách hàng có thể mở rộng kinh doanh, từng bước phục hồi và phát triển sau dịch”.
Từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, hoạt động chuỗi cung ứng lạnh trên thế giới đã thay đổi. Một khảo sát tháng 5 vừa qua của PwC cho thấy, các nhà lãnh đạo toàn cầu đang có kế hoạch thay đổi chiến lược. Chuỗi cung ứng trong tương lai sẽ không chỉ xoay quanh hiệu suất và quản lý chi phí mà sẽ dựa trên mức độ an toàn và khả năng thích ứng của chuỗi cung ứng đó.
Ảnh: TL |
Ở Việt Nam, dịch COVID-19 đã khiến tình hình tiêu thụ thực phẩm, hàng hóa xuất khẩu bị ngừng trệ. Vì thế, nhu cầu trữ hàng tại các kho lạnh tăng cao. Năm ngoái, một báo cáo của Euromonitor cho biết, độ lớn của riêng thị trường thực phẩm cần vận chuyển lạnh trong ngành bán lẻ Việt Nam, không tính mảng thủy sản, ước đạt 1,2 tỉ USD. Nếu tính luôn các loại dược phẩm chăm sóc sức khỏe phụ thuộc vào chuỗi cung ứng lạnh thì quy mô này có thể lên đến gần 10 tỉ USD vào năm 2020.
Thực tế, theo Bộ Công Thương, tỉ lệ khai thác ở các kho lạnh hiện rất cao, trên 90%. Dẫn đầu thị trường dịch vụ kho lạnh là hàng chục tên tuổi nước ngoài bên cạnh các tên tuổi nội địa như ABA Cooltrans, Transimex, Hùng Vương, Mekong Logistics, MP Logistics, Vinafco Vietnam, PanaSato, Phan Duy, Quang Minh, Satra...
Dư địa vẫn còn lớn vì tăng trưởng của chuỗi cung ứng lạnh thường ăn theo sự tăng trưởng của các chuỗi bán lẻ, sản xuất thực phẩm và đồ uống. Đây đều là những ngành ghi nhận tăng trưởng 2 con số. Chẳng hạn, quý II vừa qua, bất chấp tình hình dịch bệnh tác động, doanh thu của ABA vẫn ghi nhận tăng trưởng 35%.
Cơ hội cho chuỗi cung ứng lạnh còn đến từ đặc điểm thị trường đang khá phân mảnh. Theo Bộ Công Thương, ngay các nhà cung cấp dịch vụ chuỗi cung ứng lạnh, có thị phần khá lớn như ABA Cooltrans, Emergent Cold, Minh Phú Gemadept, Hoàng Phi Quân, Lotte, An Việt Cold Storage, Phan Duy, Satra, Meto, Alpha, Transimex cũng chỉ mới đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của thị trường. Chính phủ Việt Nam cũng ngày càng chú trọng đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ cho lĩnh vực logistics. Trong 5 năm tới, khi thị trường bán lẻ tiếp tục tăng trưởng trung bình 7,3%/năm, theo McKinsey, các hãng đều cần đến dịch vụ kho lạnh, vận chuyển lạnh để giữ thực phẩm tươi ngon, chất lượng.
Lâu nay, Việt Nam chưa chú ý đến chuỗi cung ứng lạnh. Theo khảo sát của CEL Consulting, chỉ 8,2% nhà sản xuất cho thị trường nội địa áp dụng chuỗi lạnh, thấp hơn rất nhiều so với con số 66,7% của nhà xuất khẩu. Vì thế, tình trạng hư hỏng trong sản phẩm nông sản của Việt Nam khá cao, chiếm tới 25,4%, khiến rác thải sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam cũng cao hơn 5,3% so với tiêu chuẩn do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) đặt ra. Bản thân nhà sản xuất, bán lẻ cũng bị thiệt hại, giảm sức cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh vì thiếu bảo quản lạnh theo đúng chuẩn.
Chuỗi cung ứng lạnh chính là phương thức giúp nhà sản xuất, bán lẻ chủ động trong giao dịch quốc tế, nâng cao giá trị cho nông sản, thực phẩm. Cơ hội phát triển, nhất là trong mảng xuất nhập khẩu, đang rộng mở với các công ty logistics có năng lực tổ chức DC lớn. Đơn cử, với sức chứa 50.000 pallet, Mekong Logistics của Minh Phú Gemadept hướng tới phục vụ xuất khẩu thủy sản.
Tuy nhiên, chuỗi cung ứng lạnh là lĩnh vực có nhiều rào cản gia nhập. Thứ nhất, chi phí đầu tư thường khá lớn. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) từng đề xuất Nhà nước giảm lãi suất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản vay dài hạn đầu tư kho lạnh. Thứ 2, ngành này đòi hỏi bên tham gia phải có chuyên môn về bảo quản nhiệt độ. Vì mỗi loại hoa quả, rau củ, thịt cá... đều có những quy định riêng về nhiệt độ, cần điều chỉnh phù hợp. Ngoài ra, để tạo lợi thế cạnh tranh, cung cấp giải pháp trọn vẹn, khép kín, các công ty phải đầu tư mạnh về kho lạnh, xe lạnh và những hệ thống thiết bị khác.
Điều này lý giải vì sao trong hàng ngàn công ty tham gia lĩnh vực logistics, chỉ một số ít hãng nhảy vào chuỗi cung ứng lạnh. Ông Julien Brun, chuyên gia của CEL Consulting, từng nhận định, chỉ những doanh nghiệp nào có chiến lược kinh doanh dài hạn, đầu tư bài bản mới có khả năng chiếm lĩnh thị trường và dẫn đầu ngành cung ứng lạnh - mát tại Việt Nam.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Trực Thanh
-
Vân Nguyễn
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Hải Đăng