Hủy
Kinh Doanh

Thâm hụt ngân sách cao nhất khu vực

Hoàng Hạnh Thứ Hai | 01/04/2019 07:30

Ảnh: nguoiduatin.vn.

 
 
Quy mô chi tiêu công của Việt Nam luôn ở mức cao trong khi nguồn thu ngân sách không đủ để bù đắp.

Kết quả là một mặt khả năng tiếp cận vốn trong tình huống đặc biệt của Việt Nam bị giảm sút, hay nói như một vị chuyên gia, “sẽ không còn nhiều không gian tài khóa cho việc thực hiện các biện pháp kích cầu cần thiết khi nền kinh tế gặp khó khăn”.

Tính toán có nhiều phần mơ mộng về việc đáp ứng nhu cầu việc làm cũng như cải thiện thu nhập của người dân dù có hay không sự tăng tiến trong lao động của họ cũng như tăng trưởng thực của toàn nền kinh tế khiến chúng ta phải trả một cái giá không hề rẻ.

Khoảng 20 năm trở lại đây, thâm hụt ngân sách gần như được coi là chuyện dĩ nhiên tới mức Quốc hội đã đặt ra ngưỡng 5% GDP để giới hạn mức thâm hụt ngân sách hằng năm. Đáng buồn hơn, chi thường xuyên duy trì trên 70% chi ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2011-2015 và tình hình không cải thiện nhiều khi năm 2018, tỉ trọng chi đầu tư phát triển cũng chỉ đạt trên 27%.

Năm 2019, bội chi ngân sách nhà nước dự toán là 222.000 tỉ đồng, tương đương 3,6% GDP trong khi  mức lương cơ sở được điều chỉnh lên 1,49 triệu đồng. Trong bối cảnh này, nghiên cứu chỉ rõ tốc độ tăng lương trung bình năm 6,7% trong khi năng suất lao động là 5%, trong giai đoạn 2004-2015 và nhận định đưa ra vào cuối năm 2017, hai năm thực hiện tinh giản biên chế đã... tăng thêm 96.000 người và chi thường xuyên tăng 16,25% là những thứ gia vị đắng chát.

Dẫu vậy, vẫn còn nữa những sự thật chỉ muốn làm ngơ. Trong phần khiêm tốn dành cho chi đầu tư phát triển, rất nhiều ngàn tỉ đồng đã lọt qua kẽ tay ở 12 đại dự án thua lỗ ngành Công Thương hay hoài bão Vinashin, Vinalines khiến nhiều quan chức vào vòng lao lý vài năm về trước.

Chưa hết, tại cuộc hội thảo tổ chức tại Đại học Kinh tế Quốc dân cuối tháng 3.2018, thực trạng nước nghèo nhưng chưa tiết kiệm được chuyên gia kinh tế từ World Bank chỉ ra bằng những dẫn chứng rõ ràng. Theo đó, 79% đầu tư giao thông dành cho đường bộ, chi xây dựng và chi phí giao thông đường bộ vẫn cao hơn trung bình khu vực...

Tham hut ngan sach cao nhat khu vuc
 

Vòng luẩn quẩn vay để bù đắp bội chi, đảo nợ và trả nợ gốc đã bắt đầu từ nhiều năm nay và dự kiến khó có thể chấm dứt khi khoảng 50% nợ trong nước của Việt Nam sẽ đáo hạn trong 2-3 năm tới rồi sau khoảng thời gian tương tự là nghĩa vụ trả cả khoản vay ODA.

Đối với Việt Nam, bỏ qua hệ lụy nợ công đã đề cập ở trên, mắc kẹt trong tình trạng vay để đảm bảo chi tiêu buộc chúng ta phải đối diện với việc khó tìm nguồn vay hơn và phải vay với lãi suất cao hơn. Kết quả là một mặt khả năng tiếp cận vốn trong tình huống đặc biệt của Việt Nam bị giảm sút, hay nói như một vị chuyên gia, “sẽ không còn nhiều không gian tài khóa cho việc thực hiện các biện pháp kích cầu cần thiết khi nền kinh tế gặp khó khăn”.

Mặt khác, chúng ta phải chấp nhận điều chỉnh lãi suất trên thị trường tín dụng lên cao hơn, gây khó cho khu vực sản xuất kinh doanh. Đáng lo hơn, nếu khoản vay được lấy từ các quỹ an sinh xã hội, nó còn dẫn tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối quỹ, gây bất ổn nhất định trong đời sống xã hội.

Trong mối quan hệ với tăng trưởng, rất khó phân định ai là tội đồ và ai là nạn nhân. Trong suốt giai đoạn 2006-2017, tăng cường độ vốn luôn đóng góp tới trên 60% vào tăng năng suất lao động; quy mô vốn của nền kinh tế tăng mỗi năm trung bình xấp xỉ 10%. Không thể bao biện về việc phải đầu tư mới mong nhận trái ngọt, bởi tính tới nay, ngoài những con số đẹp, chúng ta vẫn chưa nhận được gì nhiều. Nhiều người cho rằng, đây chính là căn nguyên sâu xa của tình trạng thâm hụt ngân sách.

Tham hut ngan sach cao nhat khu vuc
 

Ở chiều ngược lại, thâm hụt ngân sách đang khiến các khoản chi cho đầu tư phát triển ngày càng eo hẹp. Từ đó, sự chủ động của Nhà nước trong điều tiết tăng trưởng sẽ giảm hiệu lực. Đặc biệt, việc chi thường xuyên không giúp môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi, thông thoáng thì đá tảng của nền kinh tế, rào cản tăng trưởng GDP vẫn còn.

Tréo ngoe hơn, không thể ngay lập tức từ bỏ các mục tiêu tăng trưởng kỳ vọng bởi lẽ khi quy mô nền kinh tế tăng lên, các chỉ tiêu về nợ công, thâm hụt ngân sách sẽ yên ổn trong giới hạn cho phép theo thông lệ quốc tế. Ngoài ra, đây vẫn được coi là thước đo đánh giá độ tin cậy và ổn định của kinh tế Việt Nam, điều chắc chắn khiến các chủ nợ yên lòng. Lựa chọn tăng trưởng nhờ khu vực đầu tư nước ngoài đã chứng minh được tính hiệu quả nhưng liệu chúng ta có nên duy trì? Thu ngân sách từ mức gần 30% GDP trong nhiều năm đã hạ xuống khoảng 26-28% trong giai đoạn 2006-2009 và có xu hướng giảm đi còn khoảng hơn 23% GDP giai đoạn 2015-2018 liên quan chặt chẽ tới thảm đỏ đầy rẫy những ưu đãi cho khối FDI còn việc chuyển giá ở nhóm doanh nghiệp này chưa được quản lý chặt chẽ.

Hành xử “minh bạch” và “hiệu quả” là gợi ý của Giáo sư - Tiến sĩ Đặng Đình Đào, Đại học Kinh tế Quốc dân, khi trao đổi với NCĐT về vấn đề này. Chắc chắn, đó không thể là cây đũa thần hóa giải được quá nhiều khúc mắc trong chi tiêu ngân sách của Việt Nam hiện nay nhưng ít nhất, hãy bắt đầu bằng những việc tưởng như đơn giản như vậy.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới