Tháng 9 giá tiêu dùng sẽ tăng nhẹ
Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, ngoài các nguyên nhân nói trên, chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 còn có thể bị tác động bởi các yếu tố như giá lúa, gạo trong thời gian tới có thể tiếp tục xu hướng tăng nhẹ do các doanh nghiệp thực hiện các hợp đồng xuất khẩu gạo; nhu cầu đi lại, vui chơi, giải trí vào dịp Tết Độc lập; mùa mưa bão tiếp diễn...
Tuy nhiên, trong tháng 9/2014 cũng có nhiều yếu tố giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá như giá nhiều hàng hoá nguyên nhiên vật liệu thiết yếu trên thị trường thế giới nhìn chung vẫn trong xu hướng giảm.
Trong nước, cân đối cung-cầu hàng hóa, dịch vụ tiếp tục được giữ vững; giá một số hàng hóa thiết yếu dự báo tiếp tục ổn định hoặc giảm như thực phẩm, đường, sữa, LPG... tác động theo độ trễ của việc điều chỉnh giảm giá xăng dầu gần đây nhóm nhiên liệu và các hàng hóa khác.
Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp tăng cường quản lý, kiểm soát, bình ổn thị trường, giá cả theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 2/1/2014 của Chính phủ; chương trình bình ổn thị trường, tháng khuyến mại tại các thành phố lớn tiếp tục được thực hiện góp phần bình ổn thị trường giá cả...
Trong nhóm các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu được dự báo tăng giá đó là mặt hàng lúa, gạo. Dự báo, giá chào bán gạo thế giới tháng 9/2014 có thể tiếp tục xu hướng tăng do nguồn cung hạn chế trong khi nhu cầu gia tăng, điều này cũng sẽ tác động đến giá lúa, gạo trong nước.
Cùng nhóm các mặt hàng tăng nhẹ trong tháng 9 được dự báo là phân bón Urê; thép và xi măng.
Giá các mặt hàng được dự báo sẽ ổn định đó là các loại thực phẩm tươi sống; muối; sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Đáng chú ý, 2 mặt hàng có ảnh hưởng lớn đến "sức khỏe” của nền kinh tế là xăng dầu và LPG (gas) được dự báo sẽ ổn định hoặc giảm. Trên cơ sở phân tích tình hình kinh tế, xã hội và nguồn cung dầu mỏ trên thế giới, Cục Quản lý giá cho biết, trong tháng 9 dự báo giá xăng, dầu thành phẩm thế giới ổn định so với tháng 8/2014.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng cả nước tháng 8/2014 tăng 0,22% so với tháng 7/2014, tốc độ tăng thấp hơn so với 2 tháng trước, đồng thời cũng thấp hơn so với cùng kỳ một số năm gần đây.Trong đó, xét theo cơ cấu nhóm hàng thì có 8 nhóm hàng cấp I có chỉ số giá tăng và 3 nhóm có chỉ số giá giảm. Hai nhóm có đóng góp lớn nhất vào mức tăng chỉ số giá tháng 8 là hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,45%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,32% (bằng khoảng 92,3% mức tăng chung). |
Nguồn Chinhphu.vn
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư