Thị trường thịt thực vật: Tiềm năng ra sao?
Sử dụng thịt thực vật là xu thế của cả thế giới, là xu hướng tiêu dùng của tương lai. Ảnh: TL.
Kể từ sau đại dịch COVID-19, thị trường thịt thực vật tại khu vực Đông Nam Á được đánh thức, khi người tiêu dùng có xu hướng ngày càng quan tâm đến sức khoẻ. Nhu cầu về thực phẩm lành mạnh và bền vững đã giúp cho các sản phẩm từ thực vật được đánh giá là có nhiều tiềm năng để tăng trưởng.
Theo Euromonitor International, thị trường thịt thực vật ở Đông Nam Á đã đạt khoảng 1,5 tỉ USD vào năm 2020 và sẽ tăng trưởng hàng năm ước tính ở mức 9,8% từ năm 2021 đến năm 2026. Đà tăng trưởng này được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố, như nhận thức về ích lợi của chế độ ăn chay và ăn kiêng, tăng cường ý thức về vấn đề môi trường và đạo đức động vật.
Tại Việt Nam, một báo cáo cho biết thị trường của sản phẩm gọi là thịt thực vật đang có tốc độ tăng trưởng hơn 10% hàng năm và sẽ sớm đạt giá trị là 500 triệu USD trong một vài năm nữa.
“Đại dịch COVID-19 khiến người ta quan tâm đến xu hướng tiêu dùng xanh, nông nghiệp hữu cơ hơn vì mục đích cùng cũng là sức khoẻ”, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Vinamit, chia sẻ.
Sự gia tăng của các vấn đề môi trường như biến đổi khí hậu và ô nhiễm cũng làm cho việc tiêu thụ thịt thực vật trở nên hấp dẫn hơn. Thịt thực vật không chỉ không gây ra khí thải methane từ quá trình tiêu hóa của động vật mà còn sử dụng ít nước hơn so với việc nuôi chăn nuôi truyền thống.
Ông Lâm Viên cho biết, sử dụng thịt thực vật là xu thế của cả thế giới, là xu hướng tiêu dùng của tương lai. Mỹ là quốc gia tiên phong sử dụng thịt thực vật từ khoảng 5-6 năm trước và xu hướng này hiện đang lan rộng sang nhiều quốc gia ở khu vực châu Á. Việt Nam cũng đang dần nhận thức được giá trị của thực phẩm này và nhiều bạn trẻ, đặc biệt là những người có thu nhập khá/cao, đã ưa chuộng sử dụng thịt thực vật.
Bên cạnh đó, phân tích dữ liệu cũng cho thấy người tiêu dùng châu Á đánh giá cao và nhìn nhận rằng các sản phẩm thịt từ thực vật mang lại nhiều lợi ích tiềm năng. Khi được yêu cầu mô tả ấn tượng của họ về loại thịt này, câu trả lời nhận được nhiều nhất trong cuộc khảo sát là “tốt cho sức khỏe”, “dễ tiêu hóa” và “có vị ngon”.
Trong số các phân khúc người tiêu dùng bày tỏ sự quan tâm cao đến việc ăn thịt có nguồn gốc thực vật, có tới 3/4 cho biết sẵn lòng mua sản phẩm này với mức giá tương đương với thịt thông thường. Nghiên cứu gần đây của Viện Thực phẩm Tốt APAC cho thấy giá trung bình của sản phẩm thịt từ thực vật hiện đang cao hơn 35% so với giá thịt thông thường.
Ông Ryan Huling, Cựu chuyên gia quốc tế về dinh dưỡng và hệ thống thực phẩm bền vững thuộc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc, cho biết do hầu hết người tiêu dùng Đông Nam Á coi thịt có nguồn gốc thực vật là cơ hội để đa dạng hóa mức tiêu thụ protein thay vì thay thế trực tiếp cho thịt thông thường, nên họ quan tâm đến sản phẩm được gọi là “thịt trộn”, trộn thịt thực vật vào thịt thông thường. Hơn 93% người tiêu dùng đã được khảo sát bày tỏ quan tâm đến việc thử sản phẩm này, trong đó có hơn 3/4 số người còn hoài nghi về việc sử dụng hoàn toàn thịt từ thực vật.
Một số chuyên gia cho rằng, mặc dù người tiêu dùng vẫn còn do dự về việc chuyển đổi hoàn toàn sang thịt từ thực vật, nhưng vẫn có nhiều tiềm năng để sản phẩm này được chấp nhận rộng rãi hơn. Thay vì coi là một thay thế hoàn toàn cho loại thịt thông thường, thịt từ thực vật có thể được coi là một chất bổ sung lành mạnh cho chế độ ăn hiện tại hoặc được quảng cáo là một sản phẩm đậm đặc chất dinh dưỡng.
Điều này có thể thúc đẩy các nhà sản xuất thịt từ thực vật mở rộng quy mô sản xuất, mở rộng thị trường và giảm giá thành sản phẩm. Ông Huiling cho biết, thịt từ thực vật mang lại nhiều lợi ích khi cung cấp nhiều hương vị thịt quen thuộc và góp phần giảm thiểu tác động đến môi trường so với sản phẩm thông thường. Tuy nhiên, ít nhất là trong hiện tại, dữ liệu cho thấy người tiêu dùng chưa sẵn sàng thay thế các sản phẩm thông thường mà họ đã quen thuộc và yêu thích bằng các sản phẩm từ thực vật.
Theo giới chuyên gia, hiện 70% nguồn nguyên liệu làm thịt thực vật là từ đậu nành. Tuy nhiên, thế giới đang chứng kiến xu hướng sử dụng các nguyên liệu mới, và mít là một trong số đó. Điều này mở ra cơ hội phát triển ngành chế biến mít, đặc biệt là ở Việt Nam, nơi có nhiều khu vực trồng mít quy mô lớn.
“Đây là cơ hội cho các startup, đặc biệt là ở nông thôn Đồng bằng Sông Cửu Long. Cơ hội này cũng mở ra cho các tỉnh nông nghiệp như Hậu Giang, nơi có diện tích canh tác mít lớn. Như vậy, chúng ta có thể xây dựng một cộng đồng sản xuất mít, tạo ra việc làm và sinh lợi, tạo ra giá trị gia tăng trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp mới”, ông Trần Anh Tuấn, Viện Phó Viện Nghiên cứu, Ứng dụng và Đổi mới sáng tạo Doanh nghiệp, cho biết.
Có thể bạn quan tâm:
Phát triển nền kinh tế nhìn từ thành phố Thâm Quyến
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Công Sang
-
Hải Đăng
-
Trung Nam