Thị trường tôn mạ: Lợi trong lợi ngoài
Ảnh: TL.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Mirae Asset, ngành thép - tôn mạ đang giao dịch ở mức thấp hơn trung bình toàn cầu, mở ra cơ hội mua có chọn lọc khi kết quả kinh doanh cả ngành kỳ vọng hồi phục.
Lợi trong, lợi ngoài
Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19, Mirae Asset cho rằng thị trường nội địa và dòng vốn FDI tiếp tục là động lực chính giúp nhu cầu tôn mạ không bị suy giảm trong năm 2020.
Từ giữa năm 2018, thị trường bất động sản chững lại do sự siết chặt về quy định xây dựng, đặc biệt trong thị trường phía Nam khi các dự án chung cư đang triển khai rất chậm. Trong khi đó, nhu cầu xây dựng, đặc biệt là mảng xây dựng dân dụng và công nghiệp ở thị trường phía Bắc vẫn rất lớn.
Nhu cầu nội địa chưa có dấu hiệu suy thoái. Nguồn: Mirae Asset. |
Trong năm 2020, thị trường có sự chững lại trong giai đoạn cách ly vào tháng 3 và 4.2020. Do đó Mirae Asset dự phóng tổng diện tích sàn năm này đạt 107 triệu m2, giảm 2% so với năm 2019 và tăng trưởng trở lại vào năm 2021, với dự phóng tổng diện tích tổng diện tích sàn ngành xây dựng đạt 11,1 triệu m2, tương đương với giá trị ngành xây dựng ước đạt 15,2 tỉ USD, tăng 6,2% so với năm trước.
Bên cạnh nhu cầu trong nước thì dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam cũng trở thành điểm nhấn thúc đẩy tăng trưởng thị trường tôn mạ.
Cụ thể, dòng vốn FDI sẽ giúp nhu cầu mảng tôn mạ nội địa ổn định, trong bối cảnh nhu cầu tôn mạ cho nhà xưởng khu công nghiệp chiếm hơn 40% thị trường nội địa mảng tôn mạ.
Quan điểm Việt Nam sẽ là nước được lợi từ xu hướng dịch chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc, nhưng việc các đường bay quốc tế chưa mở cửa trở lại cũng như cần thời gian để di dời chuỗi cung ứng sẽ khiến xu hướng này diễn ra trong giai đoạn từ 5-10 năm.
Do đó, Mirae Asset dự phóng vốn FDI đăng ký và FDI giải ngân năm 2020 sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, đạt 33 tỉ USD và 18,5 tỉ USD, tương ứng giảm lần lượt 14,2% và 9,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trường hợp nếu các đường bay quốc tế được mở lại, Mirae Asset dự phóng vốn FDI sẽ được đầu tư vào Việt Nam tăng trưởng trở lại, đạt mức 39,4 tỉ USD trong năm 2021.
Áp lực cạnh tranh giảm
Mirae Asset cho biết thị trường tôn mạ Việt Nam có xu hướng tự chủ sản xuất nhiều hơn, đồng thời hạn chế sử dụng tôn nhập khẩu từ Trung Quốc. Công ty chứng khoán này đánh giá đây là tín hiệu lạc quan khi hàng rào thuế quan đã có tác dụng.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê Việt Nam, sản lượng thép nhập khẩu của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2020 sụt giảm về mức 5,5 triệu tấn, giảm 9,9% so với cùng kỳ năm 2019 và ở mức thấp nhất giai đoạn từ 2016-2020.
Trung Quốc đang giảm mạnh sản lượng xuất khẩu, đặc biệt từ năm 2017 quốc gia này đã chủ trương hạn chế xuất khẩu tài nguyên và cắt giảm lò BOF, do đó sản lượng thép xuất khẩu từ Trung Quốc có sự sụt giảm mạnh.
Trong quý I/2020 sản lượng thép Trung Quốc xuất khẩu chỉ còn 6,48 triệu tấn, giảm 62% so với cùng kỳ năm trước.
Mirae Asset cho rằng nguyên nhân suy giảm do tác động của dịch COVID-19, hàng rào thuế quan các nước và mức thuế Mỹ áp lên sản phẩm thép từ Trung Quốc. “Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại khi cung thép nhiều hơn nhu cầu, đây lại là điểm tích cực áp lực cạnh tranh với ngành tôn mạ cũng đồng thời giảm xuống, tạo điều kiện cho kết quả kinh doanh hồi phục”, Mirae Asset nhận định.
Như vậy, ngành thép - tôn mạ của Việt Nam đang được đặt trong bối cảnh có nhiều tiềm năng tăng trưởng nhờ sự thúc đẩy của dòng vốn FDI, nhu cầu nội địa và áp lực cạnh tranh suy giảm.
Ước tính của Mirae Asset vào cuối tháng 6.2020, ngành thép Việt Nam định giá ở mức PE và EBITDA lần lượt là 8,1x và 5,4x, thấp hơn trung bình của ngành thép toàn cầu. Với mức độ đô thị hóa chỉ đạt 35% của Việt Nam, Mirae Asset đánh giá nhu cầu thép còn nhiều dư địa phát triển. Trong bối cảnh này, Mirae Asset cho rằng ngành thép - tôn mạ Việt Nam đang được định giá thấp hơn tiềm năng hiện tại và là cơ hội tốt để đầu tư.
* Có thể bạn quan tâm
►Việt Nam tìm chỗ đứng trong "Tứ giác kim cương"
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Hải Vân
-
La Quang Trí - CEO Công ty SHIPOFFER GROUP
-
Lam Hồng