Hủy
Kinh Doanh

Thị trường trái phiếu trầm lắng, chờ sửa đổi Nghị định

Kim Anh Thứ Ba | 21/02/2023 11:26

Đây là giai đoạn doanh nghiệp đang tập trung vào hoạt động mua lại trái phiếu cũng như xử lý các vấn đề thanh khoản vào cuối năm. Hình ảnh minh họa: Quý Hòa.

 
 
Kỳ vọng việc Nghị định 65 sửa đổi sẽ sớm được ban hành chính thức, giúp cho các công ty kéo giãn dòng tiền trả nợ.

Thị trường trái phiếu trầm lắng 

Trong báo cáo được công bố mới đây, Đơn vị Xếp hạng Tín nhiệm FiinRatings cho biết, trong tháng 1 ghi nhận duy nhất một lô trái phiếu được phát hành riêng lẻ thành công, thuộc về một đơn vị đầu ngành về nền móng cọc xây dựng: Công ty Cổ phần Đầu tư Phan Vũ. Lô trái phiếu riêng lẻ với giá trị 110 tỉ đồng và lãi suất danh nghĩa 10,5%/năm cho kỳ hạn 5 năm. Trái phiếu có quyền chuyển đổi thành cổ phần hoặc đáo hạn và cuối kỳ ở năm thứ 5 và không có tài sản đảm bảo. 

Về phía cầu, tâm lý nhà đầu tư, nhất là cá nhân vẫn ưu tiên lựa chọn kênh tiền gửi tiết kiệm có mức lãi suất cao 9-10%. Điều này cho thấy một số ngân hàng nhỏ hiện nay và niềm tin vào kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp vẫn cần thời gian để khôi phục sau các sự kiện vi phạm trong năm trước cũng như rủi ro vi phạm nghĩa vụ nợ đang gia tăng trong bối cảnh hiện nay, nhất là với trái phiếu bất động sản. 

Bên cạnh đó, các ngân hàng với vai trò là đơn vị mua và kinh doanh trái phiếu lớn nhất vẫn đang trong quá trình cân nhắc và đợi chờ những định hướng chính sách cụ thể trong việc giải ngân hạn mức tín dụng cho năm 2023, cũng như những thay đổi chính sách của Ngân hàng Nhà nước.

 

Về phía cung, nhu cầu vốn của doanh nghiệp rất lớn song yếu tố cầu yếu, trong khi Nghị định 65 vẫn đang trong tiến trình sửa đổi và nhà phát hành tiếp tục chờ quy định mới. Hơn nữa, đây là giai đoạn doanh nghiệp tập trung vào hoạt động mua lại trái phiếu cũng như xử lý các vấn đề thanh khoản vào cuối năm.

FiinRatings dự báo kênh huy động trái phiếu doanh nghiệp sẽ chưa thể hồi phục về quy mô một cách mạnh mẽ và sôi động cho đến hết nửa đầu năm 2023. Dự báo của đơn vị này được dựa trên 2 cơ sở chính: (i) Thứ nhất, môi trường lãi suất sẽ cần thời gian để giảm để kênh trái phiếu trở lên hấp dẫn trở lại so với các kênh đầu tư thay thế khác, đặc biệt so với lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng và các sản phẩm như chứng chỉ tiền gửi; (ii) Thứ 2, các biện pháp chính sách can thiệp qua tín dụng ngân hàng, tháo gỡ pháp lý bất động sản và trực tiếp cho trái phiếu doanh nghiệp hiện nay vẫn đang trong giai đoạn trao đổi và thiết kế. 

 

Thị trường “chờ” Nghị định

Sức nóng từ thị trường bất động sản vẫn đang là tâm điểm, đặc biệt là sau "Hội nghị tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh và bền vững" do Thủ tướng chủ trì diễn ra ngày 17/2 mới đây. Các thông tin liên quan tới gói 120.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội, hay nới lỏng các quy định cho thị trường trái phiếu, đang thu hút sự quan tâm của thị trường. 

Đối với thị trường trái phiếu, ông Ngô Minh Đức, Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển vốn và Đầu tư LCTV Investment vừa có những chia sẻ "nóng hổi" trong chương trình Khớp lệnh 20/2. 

Theo đó, ông Đức cho hay, trái phiếu chủ yếu đáo hạn sẽ rơi đâu đó vào cuối quý I và đầu quý II của năm nay. Đây là một áp lực rất lớn đối với các công ty đã phát hành trái phiếu và cần phải thu hồi. “Tôi vẫn kỳ vọng vào việc Nghị định 65 sửa đổi sẽ sớm được ban hành chính thức, giúp cho các công ty kinh doanh bất động sản nói riêng có thể kéo giãn dòng tiền trả nợ và giảm áp lực về tài chính trên thị trường. Và họ có thể định hướng dần dòng tiền tín dụng sang những kênh mà Nhà nước đang muốn thu hút đầu tư như là kênh nhà ở xã hội”, ông Đức nói. 

Giám đốc của LCTV Investment cũng cho biết thêm, có một số điểm đáng chú ý là trước đây trái phiếu bất động sản hoặc những trái phiếu doanh nghiệp phát hành sử dụng sai mục đích sẽ buộc phải mua lại thì hiện tại theo dự thảo thì có thể kéo giãn ra thời gian 2 năm, tức là tới đầu năm 2024. Như vậy, thay vì phải thanh toán ngay lập tức thì các giám đốc tài chính và ông chủ của các doanh nghiệp có thể có thời gian 2 năm để thu xếp nguồn vốn, giúp giảm tải áp lực trong ngắn hạn. 

Ngoài ra, thay vì trả bằng tiền thì các doanh nghiệp có thể đàm phán với trái chủ để trả bằng hiện vật hoặc trả bằng bất động sản cũng góp phần làm giảm tải áp lực xuống. 

“Tuy nhiên tôi cho rằng tác động của sửa đổi Nghị định 65 này không thay đổi hoàn toàn cục diện trên thị trường mà chỉ giúp một phần đối với việc các công ty sẽ có khoảng thời gian nhất định để cơ cấu dòng tiền. Còn bản chất thì các công ty vẫn phải phụ thuộc và dự báo được công tác thị trường và tình hình về chu kỳ của nền kinh tế để có thể định hướng tốt hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình”, ông Đức nói thêm. 

Có thể bạn quan tâm 

Vì sao cạn tiền, doanh nghiệp vẫn không giảm giá bất động sản?


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới