Thoát án thao túng tiền tệ, ai hưởng lợi?
Ảnh: Quý Hòa
Một trong những rủi ro vĩ mô lớn nhất đối với Việt Nam trong năm 2021 là khả năng Mỹ tiến hành điều tra và cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ. Nếu điều này xảy ra, hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ chịu bất lợi so với các đối thủ cạnh tranh khác.
Nhưng cuối cùng, rủi ro đó đã không xảy ra. Mới đây, Bộ Tài chính Mỹ đã rút cáo buộc thao túng tỉ giá đối với Việt Nam vì không tìm được đủ bằng chứng theo quy định của Đạo luật cạnh tranh và thương mại quốc tế Omnibus năm 1988. “Đây là một sự nhẹ nhõm lớn đối với Việt Nam khi nước này đang phải đối mặt với viễn cảnh bị Mỹ trừng phạt. Cả hai nước hiện có thể tiếp tục và tăng cường hợp tác trong thương mại và đầu tư”, Công ty cung cấp dịch vụ tài chính Mazars Vietnam nhận định.
Mỹ chính là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Chỉ trong quý I/2021, tổng giá trị xuất khẩu sang Mỹ lên tới 21,2 tỉ USD, tương ứng tăng 32,8% so với cùng kỳ năm trước. Với sự kiện không bị xếp vào danh sách các quốc gia thao túng tỉ giá, nhiều doanh nghiệp trong nước sẽ hưởng lợi lớn từ đây đến cuối năm khi có thể rộng đường kinh doanh ở Mỹ, đồng thời tránh nguy cơ bị đánh thêm các khoản thuế trừng phạt.
Đơn cử như lĩnh vực thủy sản, công ty chuyên xuất khẩu tôm là Minh Phú đã ghi nhận doanh thu năm ngoái giảm đến 15,7%. Mặc dù Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam trong năm 2020 với giá trị xuất khẩu tăng 33% lên 869,8 triệu USD, nhưng doanh thu xuất khẩu sang Bắc Mỹ của Minh Phú lại giảm 36%, chỉ còn 5.745 tỉ đồng. Lý do là chuỗi phân phối bị gián đoạn và bị điều tra về hành vi lẩn tránh thuế chống bán phá giá.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), nhờ điều kiện thuận lợi hơn trong năm nay, doanh thu xuất khẩu sang Mỹ của Minh Phú dự kiến đạt 7.755 tỉ đồng (tăng 35%), đồng thời chiếm tỉ trọng 46% doanh thu thuần năm 2021.
Một lĩnh vực khác dự kiến sẽ hưởng lợi là da giày và dệt may. Tại Công ty Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex), Amazon (Mỹ) cùng với IKEA (Thụy Điển) là 2 khách hàng lớn với giá trị đơn hàng chiếm khoảng 80% doanh thu của Công ty.
Thực tế, mô hình hoạt động của 2 tập đoàn này tập trung vào mảng bán hàng online. Xu thế mua sắm online lên ngôi trong đại địch đã góp phần cải thiện doanh thu của Gilimex trong năm 2020. Nhưng vì hoạt động chính là xuất khẩu dệt may, Công ty luôn đối mặt với rủi ro thay đổi tỉ giá tại các thị trường xuất khẩu lớn. Do đó, việc Bộ Tài chính Mỹ không đưa Việt Nam vào danh sách đen thao túng tỉ giá là tín hiệu lạc quan cho Gilimex trong năm nay.
Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như gỗ và nội thất, trái cây, rau củ quả, điện tử và linh kiện... cũng sẽ hưởng lợi lớn. Mâu thuẫn Mỹ - Trung tiếp tục kéo dài còn tạo cơ hội để các doanh nghiệp Việt củng cố hay gia tăng thị phần tại Mỹ, thay thế cho các đối tác Trung Quốc. Điển hình tại Dệt may Thành Công, lãnh đạo Công ty cho biết gần đây có nhiều nhà sản xuất phương Tây từ chối mua bông vải xuất xứ Tân Cương (Trung Quốc), tạo cơ hội cho những doanh nghiệp bán vải. Bởi vì, một khi những đơn vị không mua hàng được sẽ chuyển sang mua ở Việt Nam.
Nỗi lo về cáo buộc thao túng tỉ giá còn giúp các công ty đa quốc gia tiếp tục an tâm rót vốn vào làm ăn lâu dài tại Việt Nam. Theo dữ liệu từ Cục đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20.4.2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 12,25 tỉ USD; vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 5,5 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Cảng Hải Phòng. Ảnh: vietnamese.googleblog.com |
Hiện nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tăng trưởng khá khởi sắc sau chiến dịch tiêm vaccine rộng lớn trên cả nước, đi cùng sức mua tiêu dùng phục hồi trở lại. Theo nhận định của Bloomberg Economics, nếu kinh tế Mỹ tăng trưởng 7,7% trong năm 2021, nhiều nền kinh tế tại châu Á sẽ hưởng lợi. Trong đó, Việt Nam sẽ được lợi nhiều nhất nhờ gia tăng cơ hội xuất khẩu vào thị trường rộng lớn này với khả năng GDP sẽ tăng thêm khoảng 1%.
“Việc tăng trưởng kinh tế Mỹ được nâng lên 7,7% trong năm 2021, cao hơn gấp đôi so với tỉ lệ 3,5% vào cuối năm 2020, có thể coi như thông tin rất tốt với các nước xuất khẩu hàng hóa tại châu Á. Tác động gián tiếp lên chuỗi cung ứng cũng sẽ không hề nhỏ, nhiều doanh nghiệp châu Á sẽ tham gia gắn kết chặt chẽ hơn vào chuỗi cung ứng tại Mỹ”, Bloomberg Economics nhận định.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, thời gian qua, Mỹ và Việt Nam đã triển khai hiệu quả hoạt động hợp tác thông qua cơ chế đối thoại của Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA). Đây là lý do kim ngạch thương mại song phương giữa 2 nước liên tục tăng trưởng với tốc độ ấn tượng trong suốt 25 năm qua. Sau khi Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách thao túng tiền tệ, hai nước sẽ tiếp tục nỗ lực để thương mại song phương cùng có lợi. Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ nhận thêm nhiều cơ hội từ thị trường Mỹ.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư