Hủy
Kinh Doanh

“Thuốc tăng trưởng” cho cổ phiếu phân bón

Vũ Hoài Thứ Tư | 09/12/2020 13:30

Ngoài kết quả kinh doanh tích cực, nhóm cổ phiếu ngành phân bón còn được kỳ vọng nhờ chính sách mới về thuế. Ảnh: congluan.vn

 
 
Cổ phiếu phân bón đang chờ cú hích lớn từ chính sách thuế.

Từ đầu năm 2020 đến nay, phần lớn các cổ phiếu trong ngành phân bón đã đạt mức tăng trưởng vượt trội so với thị trường chung. Tiêu biểu như cổ phiếu của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ, mã DPM) và Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã DCM) với đà tăng lần lượt là 92% và 44% trong 11 tháng năm 2020. Trong khi đó, kết thúc tháng 11, chỉ số VN-Index chỉ mới tăng khoảng 4% so với vùng giá hồi đầu năm 2020.

Trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhóm ngành phân bón là một trong số ít “vượt bão” thành công. Phải kể đến đầu tiên là Đạm Cà Mau với khoản lãi gấp nhiều lần cùng kỳ năm trước. Trong quý III/2020, Đạm Cà Mau đạt hơn 2.019 tỉ đồng doanh thu thuần, tăng 35,6% so với cùng kỳ. Đặc biệt, cuối quý III, Công ty báo lãi sau thuế 102,4 tỉ đồng, gấp 11,5 lần. Kết quả này đạt được phần lớn nhờ tốc độ tăng trưởng doanh thu đã vượt trên tốc độ tăng chi phí, kéo theo biên lợi nhuận gộp cải thiện mạnh trong quý III.

Cũng ghi nhận mức tăng mạnh về doanh thu và lợi nhuận trong quý III là Đạm Phú Mỹ. Theo đó, công ty này đạt hơn 1.954 tỉ đồng doanh thu thuần, tăng nhẹ 3,3% so với cùng kỳ. Doanh thu tăng trong bối cảnh chi phí giảm mạnh đã giúp Công ty ghi nhận khoản lãi sau thuế hơn 182,6 tỉ đồng, gấp 2,9 lần quý III/2019. Công ty Cổ phần Phân bón Miền Nam (SFG) cũng có kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý III/2020 với khoản lợi nhuận hơn 292 triệu đồng, tích cực hơn rất nhiều so với khoản lỗ hơn 5,5 tỉ đồng hồi quý III/2019.

 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp khác trong ngành như Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền (BFC) và Công ty Cổ phần Phân lân Nung chảy Văn Điển (VAF) cũng đạt mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế lần lượt là 7,2% và 12,5% trong quý III/2020 so với cùng kỳ năm trước. Kết quả kinh doanh tích cực đã phần nào lý giải cho đà tăng của cổ phiếu ngành phân bón trong thời gian qua.

Ngoài kết quả kinh doanh tích cực, nhóm cổ phiếu ngành phân bón còn được kỳ vọng nhờ chính sách mới về thuế. Cụ thể, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về chuyển phân bón sang đối tượng áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng là 5%.

Theo số liệu tính toán sơ bộ của cơ quan thuế và báo cáo của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, số thuế giá trị gia tăng đầu vào hằng năm của phân bón khoảng 1.200 tỉ đồng (giai đoạn 2016-2019). Hiện nay, nếu chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng áp dụng thuế suất thuế thì doanh nghiệp sẽ được khấu trừ và không phải tính vào chi phí sản xuất, cũng như giá thành sản phẩm của phân bón.

 

Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho rằng đã đến lúc các doanh nghiệp sản xuất phân bón phải được tính thuế giá trị gia tăng, để doanh nghiệp và người nông dân không bị thiệt hại như hiện nay. Cụ thể, các doanh nghiệp sản xuất phân bón đang phải hạch toán thuế giá trị gia tăng vào chi phí khiến giá thành sản phẩm phân bón tăng từ 5-8%, ảnh hưởng đến nông dân. 

Đặc biệt, việc áp dụng thuế suất giá trị gia tăng phân bón mức 5% tạo sự cạnh tranh công bằng, bình đẳng giữa phân bón trong nước và phân bón nhập khẩu cùng loại. Đây cũng là động lực quan trọng để các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhập khẩu các dây chuyền sản xuất phân bón công nghệ cao, thế hệ mới có chất lượng tốt hơn, thân thiện môi trường hơn, góp phần giảm giá vật tư đầu vào, cải thiện hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập.

Ảnh:TL
“Nếu tháng 3.2021 luật thuế về phân bón được thông qua, đây sẽ là cú hích lớn đến các cổ phiếu phân bón. Ảnh:TL

“Nếu tháng 3.2021 luật thuế về phân bón được thông qua, đây sẽ là cú hích lớn đến các cổ phiếu phân bón. Trong đó, Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau là 2 công ty có 90% nguyên liệu đầu vào là khí sẽ hưởng lợi nhiều nhất. Bởi đây là các công ty sản xuất phân Ure và từ năm 2019 đã chịu tác động mạnh khi chính sách hỗ trợ giá khí đã hết, khiến chi phí vận chuyển khí tăng cao”, ông Lê Quang Minh, Giám đốc Bộ phận Phân tích, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, nhận định.

Tuy nhiên, theo ông Minh, các công ty sản xuất phân NPK như Phân bón Bình Điền sẽ không hưởng lợi bằng do nguyên liệu đầu vào là phân đơn lẻ. Mirae Asset cũng lưu ý, các công ty phân bón sẽ khó được lợi toàn bộ 5% thuế giá trị gia tăng trong thời gian đầu. Cụ thể, 12 tháng đầu tiên, việc tăng giá bán chỉ ở mức 2-3%, các công ty phân bón chia sẻ một phần thuế giá trị gia tăng với người nông dân. Nhưng về dài hạn, các công ty phân bón sẽ được khấu trừ toàn bộ, và các công ty có được chuỗi giá trị sâu từ Ure tới NPK như Đạm Phú Mỹ sẽ là lựa chọn ưu tiên.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới

XOR, XOR Việt Nam