Thương hiệu cao cấp tìm kiếm cơ hội tại thị trường Đông Nam Á
Singapore là thị trường đã phát triển, tập trung nhiều nhãn hàng lớn đã gia nhập và hoạt động từ lâu. Ảnh: CNBC
Từ sau các biện pháp thắt chặt kiểm soát COVID-19 năm 2022 cùng sự gia tăng cạnh tranh giữa các thương hiệu mới nổi tại Trung Quốc, nhiều nhãn hàng cao cấp đã bắt đầu triển khai chiến lược đa dạng hóa thị trường hoạt động tại khu vực Đông Nam Á.
Bất chấp những tác động của đại dịch, thị trường bán lẻ toàn cầu đã chứng kiến mức tăng trưởng 11% về số lượng cửa hàng mới mở trong năm 2022 so với năm trước đó.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường trọng điểm về bán lẻ hàng hiệu trên thế giới khi thị trường này chiếm 17% doanh thu toàn cầu trong năm 2022 và dẫn đầu về số lượng cửa hàng mới mở, với 41% số lượng cửa hàng mới mở trên thế giới trong năm.
Singapore là thị trường đã phát triển, tập trung nhiều nhãn hàng lớn đã gia nhập và hoạt động từ lâu. Dẫu vậy, đây vẫn được đánh giá là thị trường tiềm năng đối với các thương hiệu mới. Bằng chứng là doanh thu bán lẻ của Singapore trong những tháng vừa qua đã tăng trưởng đáng kể. Theo dự báo về doanh thu bán lẻ do Statista công bố, doanh thu bán lẻ cao cấp tại Singapore trong năm 2023 ước đạt 4.067 triệu USD. Dù nhu cầu mặt bằng tại đây vẫn ở mức lớn, nguồn cung mặt bằng tại thị trường này lại khá hạn chế, từ đó tại ra áp lực tăng giá thuê cao đối với các nhãn hàng.
Trong khi đó, 2 thị trường mới nổi là Việt Nam và Thái Lan, đặc biệt là Việt Nam là thị trường được các nhãn hàng tập trung phát triển mạnh nhờ những chuyển biến tích cực về kinh tế, sự gia tăng số lượng cá nhân có thu nhập cao cũng như thái độ và thói quen mua sắm của tầng lớp trung cấp trẻ đối với mặt hàng xa xỉ.
Nhận định về xu hướng xoay chiều mở rộng tập trung vào các thị trường mới nổi như Việt Nam của các thương hiệu cao cấp, bà Hoàng Diệu Trang, Quản lý Cấp cao, Bộ phận Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội cho biết: “Sau dịch COVID-19 cũng như những thay đổi về địa chính trị trong thời gian vừa qua, đặc biệt khi một số thị trường áp dụng những quy định khắt khe về đi lại và du lịch như Trung Quốc và Hồng Kông, các thương hiệu cao cấp đã có xu hướng lựa chọn, tiếp cận và mở rộng tại các thị trường mới nổi khác, trong đó có Việt Nam”.
Báo cáo của World Bank cho thấy, kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng 6,3% vào năm 2023 bất chấp tình hình toàn cầu. Trong giai đoạn 2021-2030, quy hoạch tổng thể quốc gia xác định mục tiêu tăng trưởng GDP cả nước bình quân đạt khoảng 7%/năm. Đến năm 2050, GDP bình quân đầu người theo giá hiện tại đạt khoảng 27.000-32.000USD. Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra tốc độ tiêu dùng nội địa đã dần tăng trưởng trở lại, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm 2023 tăng 26,7% so với 4 tháng đầu năm 2019 – năm trước khi xảy ra dịch COVID-19.
Nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao được xem là động lực cho nhiều thương hiệu tham gia và đầu tư. Do đó, trong thời gian vừa qua, thị trường Hà Nội đã ghi nhận sự xuất hiện của các thương hiệu cao cấp có thể kể đến như Dior, Louis Vuitton, Tiffany & Co. hay Berluti, vv.
Thêm vào đó, sự phát triển của các thương hiệu khách sạn cao cấp và căn hộ có thương hiệu hứa hẹn sẽ mang tới lượng du khách ở phân khúc tầm cao tới du lịch và mua sắm, từ đó thu hút sự chú ý của các nhãn hàng. Đây cũng là một phương thức mà các nhãn hàng sử dụng để tạo ra sân chơi về bán lẻ mới hoặc nâng cao giá trị tại các khu vực sẵn có.
Nhận định về địa điểm mặt bằng mà các thương hiệu cao cấp lựa chọn, bà Trang chỉ ra rằng tại các thị trường trong khu vực và trên thế giới, nhãn hàng thường có lựa chọn hoặc đặt cửa hàng tại các mặt bằng phố mua sắm chính hoặc các trung tâm thương mại, nơi tập trung nhiều nhãn hàng lớn. Tương tự, tại Việt Nam nói chung hay Hà Nội nói riêng, các nhãn hàng cũng lựa chọn vị trí bán lẻ mặt phố trên trục phố đắt giá có vị trí đắc địa, diện tích và mặt tiền lớn, tập trung nguồn khách hàng cao cấp. Hiện nay khu vực quận Hoàn Kiếm vẫn là địa điểm lý tưởng đối với các thương hiệu cao cấp nhờ vị trí trung tâm và đảm bảo được yêu cầu về nhận diện thương hiệu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nguồn cung của những mặt bằng tại khu vực đáp ứng được yêu cầu này lại ở mức hạn chế.
Bên cạnh hạn chế về nguồn cung, hầu hết mặt bằng hiện nay vẫn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của các thường hiệu xa xỉ, bao gồm các yếu tố về mặt bằng, kỹ thuật, tính minh bạch về pháp lý, cũng như cam kết lâu dài của dự án.
Theo bà Trang, đối với mặt bằng của trung tâm thương mại, có thể nhận thấy rõ sự thiếu định hướng của một số dự án đã làm cản trở sự phát triển lâu dài của dự án cũng như thương hiệu. Trong khi đó, vẫn có nhiều dự án được phát triển bởi các chủ đầu tư nước ngoài có định hướng tốt, mức độ đầu tư cao, hoạch định và phát triển lâu dài, có tỉ lệ cho thuê đạt mức cao và được coi là điểm đến cho người tiêu dùng tại các thị trường lớn.
“Để có thể tận dụng được lợi thế và sức hút của thị trường Việt Nam đối với bán lẻ cao cấp, bố sung thêm nguồn cung hợp lý là giải pháp. Chủ đầu tư cần chú ý để xây dựng các mặt bằng đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng được các nhu cầu của nhãn hàng”, bà Trang chia sẻ thêm.
Có thể bạn quan tâm:
[Infographic] Top 10 thị trường logistics mới nổi năm 2023
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Tuấn Thịnh