Hủy
Kinh Doanh

Tìm phép thử FTZ

Hà Cúc Thứ Tư | 09/07/2025 07:30

Việt Nam có thể học hỏi rất nhiều từ các mô hình FTZ thành công trên thế giới. Ảnh: TL.

 
 
Mảnh ghép đầu tiên về mô hình khu thương mại tự do với kỳ vọng giúp Việt Nam tạo ra những cú hích lớn về phát triển kinh tế - xã hội.

Tưởng tượng một buổi sáng đầu năm 2035 tại Đà Nẵng. Bình minh vừa ló rạng trên bán đảo Sơn Trà, nhưng tại cảng Liên Chiểu, không khí đã nhộn nhịp. Những con tàu container khổng lồ từ khắp châu Á và châu Âu đang neo đậu, bốc dỡ hàng hóa tự động bằng cần cẩu thông minh. Không có sự chậm trễ nào, chỉ những quy trình thông suốt được điều phối bởi hệ thống A.I (trí tuệ nhân tạo) hiện đại.

Viễn cảnh FTZ

Đó là viễn cảnh về khu thương mại tự do (free trade zone - FTZ) mà Đà Nẵng mới được chọn làm thí điểm đầu tiên tại Việt Nam. Thông qua các chính sách ưu đãi và môi trường kinh doanh thuận lợi, đây sẽ là một mô hình đặc biệt, được kỳ vọng sẽ trở thành cú hích lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng nói riêng và cả vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung nói chung. 

 

Cùng với viễn cảnh của Đà Nẵng, FTZ thế hệ mới của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tạo cú hích phát triển đa dạng các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn. Tương tự, nhiều địa phương khác cũng đã được chấp thuận chủ trương hay đưa ra kiến nghị thành lập FTZ như TP.HCM, Quảng Ninh, Bình Dương, Hải Phòng...

Có thể thấy, Việt Nam dường như chậm chân trong mô hình FTZ mặc dù sở hữu nhiều ưu thế trong mô hình này. Đó là vị trí nằm ở trung tâm Đông Nam Á, trên các tuyến hàng hải quốc tế sôi động, là cầu nối quan trọng giữa những thị trường lớn như Trung Quốc, ASEAN và các quốc gia khác. Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong những quốc gia tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) nhất thế giới, bao gồm các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA... 

Việt Nam có thể học hỏi rất nhiều từ các mô hình FTZ thành công trên thế giới. Chẳng hạn, Singapore đã ban hành luật về FTZ ngay từ năm 1966 và đến nay đã có 9 FTZ. Điều này cho thấy sự chuẩn bị kỹ lưỡng và định hướng rõ ràng từ cấp chính phủ. Tại Hàn Quốc, các FTZ và khu kinh tế tự do (FEZ) được ưu tiên thúc đẩy thành lập gắn liền với hệ thống cảng biển, trong đó FTZ là một bộ phận trong FEZ. Các FTZ của Hàn Quốc thường đi kèm với các cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút đầu tư, như trường hợp Khu kinh tế tự do Incheon (IFEZ).

Tham vọng nhất là Trung Quốc khi đã phát triển tới 22 FTZ, với diện tích chỉ chiếm 0,4% tổng diện tích cả nước, nhưng đóng góp 18% giá trị xuất khẩu. Trung Quốc sử dụng FTZ như một “phòng thí nghiệm” để thử nghiệm các chính sách mới trước khi nhân rộng ra cả nước. Điều này giúp họ đánh giá hiệu quả và điều chỉnh phù hợp.

Định vị của Việt Nam

Các FTZ trên thế giới thành công nhờ có những cơ chế, chính sách vượt trội, khác biệt so với các khu vực kinh tế thông thường. Thách thức lớn nhất của Việt Nam là làm thế nào để xây dựng được một khung pháp lý đủ đột phá, cạnh tranh với các FTZ hàng đầu khu vực và thế giới, đặc biệt trong bối cảnh khung pháp lý còn nhiều quy định chồng chéo hoặc chưa đủ thông thoáng.

Chẳng hạn, nói về FTZ gắn với cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ thuộc Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, FTZ cần phải có chính sách thuế quan, thủ tục hải quan và các rào cản thương mại được nới lỏng hoặc loại bỏ, giúp giảm chi phí giao dịch, tăng tốc độ lưu thông hàng hóa và thu hút đầu tư nước ngoài.

 

Thành lập khu thương mại tự do không chỉ là câu chuyện kinh tế, mà là bước khởi đầu cho thử nghiệm thể chế ở cấp cao nhất. Ở đó, mọi rào cản về tư duy, pháp lý, hành chính có thể được dỡ bỏ để thử nghiệm các chính sách mới nhằm tìm ra phép thử đúng.

Một thách thức khác đang hiện hữu đối với Việt Nam là xây dựng một FTZ hiện đại đòi hỏi nguồn vốn đầu tư khổng lồ vào hạ tầng cứng (cảng biển, sân bay, đường giao thông, logistics, kho bãi) và hạ tầng mềm (công nghệ thông tin, viễn thông). Để FTZ phát huy tối đa hiệu quả, cần có sự kết nối thông suốt với các vùng kinh tế lân cận, các trung tâm sản xuất và các thị trường tiêu thụ...

Có thể thấy Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với các FTZ và khu kinh tế đặc biệt khác trong khu vực đã có kinh nghiệm lâu năm và lợi thế về quy mô, cơ chế. “Chúng ta đi sau thì phải vượt lên, chứ nếu chỉ chạy theo sau thế giới cũng không hiệu quả”, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhấn mạnh. Thay vào đó, mô hình FTZ của Việt Nam cần tìm ra những điểm mạnh độc đáo và hiệu quả hơn. Chẳng hạn, có thể định vị là trung tâm logistics xanh và thông minh tại khu vực miền Trung Việt Nam hoặc là cửa ngõ công nghệ cao kết nối ASEAN với các thị trường lớn…  

Giải quyết các thách thức này đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ, quyết tâm chính trị cao, nguồn lực đầu tư lớn và khả năng học hỏi, điều chỉnh linh hoạt trong suốt quá trình triển khai. Thạc sĩ Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, cho rằng đối với Việt Nam, mô hình FTZ có thể là cơ hội để thí điểm các cơ chế đột phá, linh hoạt hơn trong quản lý đầu tư, tài chính, lao động, thủ tục hành chính… Từ đó, có thể từng bước “thử - sai - điều chỉnh” nhằm hoàn thiện thể chế trong một môi trường an toàn, trước khi nhân rộng ra cả nước.

Có thể bạn quan tâm

Phép tính gia nhập BRICS+


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới