Vàng: Lên “điên”, xuống “loạn”
Ảnh: QH
Vàng đã trải qua một tuần tăng “điên loạn”. Mới có tháng 2 mà vàng đã xấp xỉ 1.700 USD/ounce và khả năng phá đỉnh kỷ lục xác lập vào năm 2011 ở mức 1.925 USD/ounce rất có thể xảy ra trong năm 2020, vượt lên 2.000 USD/ounce.
Lực tăng giá vàng bắt đầu từ năm 2019, khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn ra khiến nền kinh tế thế giới chao đảo. Các nước phải tung các gói hỗ trợ kinh tế, giảm lãi suất, giá các ngoại tệ tăng giảm thất thường... Tất cả những yếu tố này đã hỗ trợ tích cực đà tăng giá không ngừng nghỉ của vàng. Đến năm 2020, những yếu tố này đã cộng hưởng bởi dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (COVID-19) lây lan qua nhiều nước.
Thế giới vẫn chưa kiểm soát được dịch COVID-19 nên vàng vẫn có nhiều dư địa để tăng giá. Ngân hàng trung ương các nước sau vài năm mua vàng tích trữ, hiện đang chựng lại do vàng ở mức cao nhưng khả năng sẽ không bán vàng ra vào thời điểm này. Trong khi các quỹ đầu tư vàng mua ròng hơn 30 tấn trong tháng 2.
Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể giảm lãi suất để duy trì tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, thị trường chứng khoán thế giới lại đang chịu áp lực giảm mạnh. Khi thị trường chứng khoán đi xuống thì giá vàng thường tăng mạnh vì các nhà đầu tư tăng cường mua các tài sản an toàn.
Ngoài ra, giá vàng cũng nhận được sự hỗ trợ khi chỉ số đồng USD - thước đo giá trị đồng USD so với một giỏ các đồng tiền chủ chốt khác - giảm 0,12% xuống còn 99,14. Khi chỉ số đồng USD giảm, giá vàng thường tăng vì kim loại quý này được định giá bằng USD trở nên rẻ hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ các đồng tiền khác. Hợp đồng vàng giao tháng 4 tăng 28,30USD (tương đương gần 1,8%) lên 1.676,6 USD/ounce, qua đó cho thấy sự kỳ vọng tăng giá của vàng. Goldman Sachs trong một lưu ý nghiên cứu gần đây đã viết rằng giá vàng có thể vượt mốc 1.850 USD/ounce trong thời gian tới nếu cơn bùng phát Covid-19 không thể được kiểm soát trong quý II/2020.
Edward Moya, chuyên gia phân tích thị trường cao cấp của nhà môi giới OANDA, nhận định nhu cầu đầu tư an toàn đang rất lớn khi suy thoái kinh tế ở Trung Quốc, Nhật và Đức dự kiến sẽ diễn ra trong nửa đầu năm nay. Một số chuyên gia thậm chí còn dự báo vàng sẽ lên đến 2.000 USD/ounce vì các ngân hàng trung ương thế giới tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ như giảm lãi suất, bơm thêm tiền thúc đẩy nền kinh tế. “Tất nhiên để chạm được vùng đỉnh 2.000 USD/ounce, vàng sẽ phải vượt qua thử thách ngắn hạn 1.750 USD/ounce”, Edward Moya phân tích.
Dịch Covid-19 xuất phát tại Trung Quốc - quốc gia được coi là thị trường lớn về cung cầu và nay đã đảo lộn trật tự thương mại của thế giới. Hơn nữa, khi nền kinh tế toàn cầu lâm vào khủng hoảng, hàng loạt quốc gia đã tung ra các gói kích cầu tạo ra lượng tiền mặt lớn. Đây là chất xúc tác để giá vàng tăng cao và diễn biến phức tạp.
Tại Việt Nam, kể từ khi có Nghị định 24 về việc siết lại hoạt động mua bán vàng miếng, các điểm bán vàng bị thu hẹp lại. Khi nguồn cung hạn chế, việc giá vàng tăng liên tục sẽ đẩy nhu cầu của thị trường lên. Tuy nhiên, chuyên gia tài chính ngân hàng Bùi Quang Tín nhận định, giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong năm 2020 nhưng việc đầu cơ, nắm giữ để chờ giá lên là vấn đề rất rủi ro vì giá vàng biến động rất bất thường.
Vì vậy, các doanh nghiệp vàng thường kéo giãn khoảng cách giữa giá mua và bán rộng để phòng ngừa rủi ro, chênh lệch giá mua vào bán ra thấp nhất là 1 triệu đồng/lượng, cao nhất là 1,4 triệu đồng/lượng.
Theo đại diện của Tập đoàn DOJI, giá vàng trong nước tăng theo đà của vàng thế giới nhưng không cùng biên độ vì nguồn cung vàng trong nước hạn chế do không được nhập khẩu và Ngân hàng Nhà nước từ lâu đã không còn sản xuất và cung cấp vàng SJC nên thị trường trở nên khan hiếm vàng SJC. Doanh nghiệp nếu bán vàng ra thì phải tự mua bán trên thị trường và phải tự cân đối nguồn, nên giá vàng trong nước và thế giới không còn có sự liên thông nữa.
Biên độ chênh lệch lớn giữa giá mua và bán là để không khuyến khích người mua vàng lúc này nhằm tránh rủi ro cho chính người dân. Thực tế, bài học xương máu về vàng từng xảy ra gần 10 năm trước. Vào cuối tháng 8.2011, giá vàng thế giới vượt 1.900 USD/ounce và giá vàng trong nước cũng vượt 49 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, giá vàng sau đó đã nhanh chóng tuột dốc và rơi xuống 41 triệu đồng/lượng vào cuối tháng 9, khi cơn sốt ảo đã qua và vàng quay lại giá trị thực. Thị trường cũng đang chứng kiến cơn sóng tương tự vì sau khi lên đỉnh gần 50 triệu đồng/lượng, mức cao nhất trong vòng 10 năm qua, giá vàng đã lao dốc ngay sau đó, giảm hơn 4 triệu đồng trong 5 ngày, khiến nhiều nhà đầu tư chới với.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Nam Anh
-
Trấn Thăng