Hủy
Kinh Doanh

Vào TPP, Việt Nam sẽ mắc phải “lời nguyền tài nguyên”?

Thứ Năm | 21/07/2016 16:12

Kiếm được ngoại tệ đã khó, quản lý ngoại tệ để không gây hại còn khó hơn.
 

Nếu chỉ nhìn vào bề nổi, sẽ dễ tin rằng việc Việt Nam tham gia vào hiệp định TPP chỉ toàn là có lợi. Ngân hàng Credit Suisse đã dự đoán TPP sẽ giúp Việt Nam tăng thêm 10% GDP trong 10 năm tới. Viện kinh tế Peterson thì ước tính xuất khẩu hàng dệt may và da giày của Việt Nam sẽ tăng thêm 46% trước năm 2025. Bàn rộng ra, hãng tư vấn chiến lược Stratfor còn dự báo Việt Nam là một trong những nước sẽ thay thế Trung Quốc để trở thành trung tâm sản xuất mới của toàn cầu.

Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kỹ hơn thì mới thấy TPP không phải là chuyện đơn giản. Hiệp định TPP đã được các nước thành viên ký kết hồi đầu năm nay, nhưng để hiệp định này chính thức có hiệu lực thì vẫn phụ thuộc vào việc được quốc hội các nước thông qua. Tại Mỹ, cả 2 ứng viên tổng thống hiện nay là Hillary Clinton và Donald Trump đều đã tỏ ý phản đối TPP, và gần như không còn cơ hội cho TPP được thông qua trong lúc tổng thống Obama còn đương chức. Điều này đã đặt ra nhiều dấu hỏi cho tương lai của hiệp định và cơ hội thực sự cho Việt Nam.

Và ngay cả khi TPP chính thức có hiệu lực, vẫn còn đó không ít mối nguy tiềm tàng cho Việt Nam. Một con dao hai lưỡi đúng nghĩa “lợi quá hóa hại” mà Việt Nam có thể gặp phải sẽ là “lời nguyền tài nguyên”, hay còn có tên là “bệnh Hà Lan”.

Căn bệnh này được đặt tên theo trường hợp kinh tế Hà Lan những năm 1970-1980, sau khi nước này phát hiện ra các vỉa khí đốt lớn và bắt đầu khai thác để xuất khẩu. Tuy nhiên, sau đó người Hà Lan mới nhận ra cái giá phải trả cho nguồn thu từ khí đốt là ngành sản xuất của nước này suýt nữa bị triệt tiêu hoàn toàn, và hàng ngàn người bị mất việc.

Hóa ra, nguồn ngoại tệ dồi dào đến từ khí đốt đã khiến cho đồng guilder của Hà Lan lên giá, khiến cho các hàng hóa sản xuất ở nước này mất sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Để tìm cách kìm chế đà tăng tỷ giá, Hà Lan hạ lãi suất cơ bản xuống, và điều này khiến cho các dòng vốn đầu tư ồ ạt chảy ra ngoài biên giới. Trong giai đoạn 1970-1977, tỷ lệ thất nghiệp của Hà Lan tăng từ 1,1% lên 5,1%, trong khi lượng vốn đầu tư của các doanh nghiệp sụt giảm cực mạnh.

Dù “bệnh Hà Lan” thường hay xảy ra ở các quốc gia xuất khẩu dầu và khoáng sản, những nước xuất khẩu hàng dệt may cũng không phải là ngoại lệ. Ấn Độ và Bangladesh đều là những nước mắc phải căn bệnh này. Tại Ấn Độ, việc xuất khẩu hàng dệt may thu về ngoại tệ quá nhanh (19 tỷ USD trong năm 2007, chiếm 30% kim ngạch xuất khẩu) đã đẩy đồng rupee lên giá 15%. Điều này làm thiệt hại sức cạnh tranh của ngành này, và khiến hơn nửa triệu công nhân dệt may mất việc cũng trong năm 2007. Kể từ đó tới nay, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Ấn Độ đã bị Việt Nam bỏ lại khá xa.

Nếu không cẩn thận, Việt Nam rất có thể sẽ rơi vào kịch bản tương tự, một khi việc tham gia TPP khiến cho nguồn thu xuất khẩu tăng mạnh. Theo đánh giá từ Asian Correspondent, nền kinh tế Việt Nam đang rất thiếu sự chuẩn bị cho làn sóng ngoại tệ tràn vào một khi gia nhập TPP.

Một trong những cách tốt nhất để phòng vệ trước “bệnh Hà Lan” là duy trì một nền kinh tế đa dạng (diversified), không quá phụ thuộc vào ngành nào. Tuy nhiên, theo đánh giá của Đại học Harvard, độ đa dạng (economic complexity) của kinh tế Việt Nam không cao hơn bao nhiêu so với các nước Trung Đông phụ thuộc vào dầu khí như Ả Rập Saudi, Oman hay Kuwait, và bị bỏ xa bởi các nước láng giềng như Philippines và Thái Lan. Với triển vọng phát triển bùng nổ từ TPP của ngành dệt may, vốn đã sử dụng hơn 2 triệu lao động và đóng góp hơn 27 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tính đa dạng của kinh tế Việt Nam có thể sẽ còn tiếp tục đi xuống.

Đó là chưa kể, những doanh nghiệp hưởng lợi nhiều nhất từ tăng trưởng xuất khẩu lại là ở khối FDI chứ không phải doanh nghiệp nội. Việc sụt giảm đà tăng trưởng xuất khẩu hàng dệt may trong giai đoạn gần đây lại càng khiến cho nhiều doanh nghiệp nội đóng cửa hơn nữa.

Vì vậy, đã đến lúc Việt Nam cần xem xét bài học của những nước từng gặp “bệnh Hà Lan”. Na Uy đã kiểm soát doanh thu từ ngành khai thác dầu bằng cách lập ra một quỹ đầu tư riêng cho số tiền này, cũng như giới hạn tốc độ tăng lương và tỷ giá. Ả Rập Saudi cũng đã học theo Na Uy bằng cách khởi động một chương trình đa dạng hóa và tư nhân hóa kinh tế khá quyết liệt hồi đầu năm nay.

Theo Asian Correspondent, người Việt không nên nghĩ rằng “ký kết TPP sẽ mang lại những dòng chảy vô tận đầy sữa và mật ong”. Việt Nam chỉ có thể thực sự hưởng lợi từ TPP nếu biết cách kiểm soát các luồng chảy ngoại tệ và phòng vệ trước “bệnh Hà Lan”.

Tuấn Minh

Nguồn Asian Correspondent


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới