Hủy
Kinh Doanh

Về thị trường nội địa, doanh nghiệp gỗ chạy đua công nghệ

Cẩm Tú Thứ Năm | 11/03/2021 13:30

Đằng sau Meister chính là Häfele, nhà cung cấp giải pháp cho dự án và nhà ở thông minh nổi tiếng của Đức. Ảnh: zi.com.sg

Công nghệ trở thành yếu tố quyết định trong cuộc đua giành thị phần tại thị trường nội thất.
 

Gia nhập thị trường nội thất Việt Nam chưa bao lâu, Meister đã gây chú ý vì cách làm hoàn toàn mới: làm trung gian giữa các công ty thiết kế nhỏ không mạnh về tiếp thị hoặc những xưởng nội thất nhỏ ít vốn, với người mua sau cùng. Hay nói cách khác, Meister cung cấp những hỗ trợ cần thiết, giúp các doanh nghiệp nội thất nhỏ bán sản phẩm cho người tiêu dùng một cách hiệu quả hơn.

Quay về nội địa

Đằng sau Meister chính là Häfele, nhà cung cấp giải pháp cho dự án và nhà ở thông minh nổi tiếng của Đức. Thông qua mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến, Meister sẽ thu hút người tiêu dùng rồi đưa họ đến đối tác để có thể làm việc trực tiếp với người tiêu dùng về đo đạc, thiết kế và lắp đặt. Từ các chi tiết nội thất khác nhau do Meister cung cấp, đối tác có thể chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách hàng và Häfele sẽ đưa đi sản xuất. Meister cũng tổ chức đào tạo về sản phẩm, dịch vụ và chiến lược kinh doanh để đối tác có thể phục vụ khách hàng tốt hơn.

Theo ông Dominik Fruth, Tổng Giám đốc Häfele Việt Nam, Meister được phát triển từ phần mềm tùy chỉnh (configurator) của doanh nghiệp này. Phần mềm đó cho phép khách hàng doanh nghiệp đặt mua trực tuyến phụ kiện và các chi tiết nội thất như ván gỗ được cắt theo yêu cầu, khung nhôm, hộc tủ... Phần mềm tùy chỉnh khi đó sẽ tạo "hồ sơ" sản xuất có thể gửi đến một trong nhiều đối tác sản xuất của Häfele tại nơi gần với khách hàng nhất.

 

Ông Dominik Fruth cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi đầu tư nhiều vào việc số hóa tất cả phụ kiện theo định dạng CAD/CAM để phần mềm sản xuất nội thất có thể đọc được thông tin sản phẩm. Qua đó, chúng tôi có thể giúp các thợ mộc truyền thống nâng cấp dây chuyền sản xuất của họ thành nhà máy số. Gần đây, chúng tôi vừa khai trương Trung tâm Năng lực Sản xuất Kỹ thuật số ở Bình Dương là nơi sẽ đào tạo các thợ mộc trong khu vực để họ có thể sẵn sàng cho thời đại số 4.0. Khi quy trình sản xuất được số hóa chính là chất lượng được đảm bảo. Chỉ cần các nguyên liệu như gỗ và phụ kiện như nhau thì “hồ sơ” sản xuất sẽ điều khiển máy khoan chính xác theo cùng một khuôn mẫu, bất kể máy móc ở đâu”.

Ông Phan Thế Hải, Giám đốc Công ty Triệu Phú Lộc (thị xã Tân Uyên, Bình Dương), cho biết lâu nay vài lần vô tình thấy nhiều sản phẩm của mình quay ngược lại thị trường trong nước  với giá thành đội lên nhiều lần khiến ông Hải quyết đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng cao cấp dành cho thị trường nội địa. Những năm qua, câu chuyện này cũng diễn ra ở nhiều doanh nghiệp khác.

Tuy nhiên, để thâm nhập thị trường nội địa, doanh nghiệp phải lập kế hoạch kinh doanh hoàn toàn mới từ bán hàng, marketing, sản xuất đến tài chính, xu hướng cung - cầu và mối tương quan với xuất khẩu... Chẳng hạn, Công ty Ván sàn Sao Nam (Tân Uyên) quay về thị trường nội địa bằng cách liên kết với các đơn vị thiết kế nội thất để tiếp cận khách hàng. Công ty cũng đầu tư nhiều hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại nhằm đáp ứng yêu cầu đơn hàng của thị trường.

Nhắm tới cao cấp

Theo đánh giá của giới chuyên môn, ngành chế biến gỗ của Việt Nam vẫn chưa thể sánh bằng sản phẩm của các nước Đức, Ý, Ba Lan, vì các quốc gia này đều nhắm vào phân khúc cao cấp và dây chuyền sản xuất được tự động hóa gần như 100%. Song với việc nhiều doanh nghiệp đang đồng loạt nhập về máy móc thiết bị rất hiện đại cũng như đầu tư nhiều hơn cho quản lý, sản xuất thì tương lai không xa, ngành chế biến gỗ của Việt Nam sẽ có nhiều sản phẩm cạnh tranh ở phân khúc cao cấp.

Ảnh: Thiên Ân
Ảnh: Thiên Ân
 

Ông Lê Văn Minh, Phó Giám đốc phụ trách đào tạo của Hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), cho rằng doanh nghiệp ngày càng có nhiều lựa chọn về sản phẩm công nghệ cho sản xuất và điều hành. Chẳng hạn, thiết lập và lập trình thiết bị đúng cách sẽ giúp tạo ra sai số nhỏ, nhờ đó loại bỏ việc phải làm lại sản phẩm cũng như giảm thiểu lượng phế liệu được tạo ra. Những thiết lập này giúp cho công nhân vận hành có tay nghề cao rút ngắn thời gian khi tạo ra sản phẩm. Các máy tự động được thiết kế để thực hiện nhiều thao tác cùng một lúc, do đó không cần phải di chuyển vật liệu sau mỗi giai đoạn sản xuất, sản phẩm hoàn chỉnh có thể gửi trực tiếp đến nơi lưu trữ mà không cần sự can thiệp của con người.

Thị trường nội thất Việt Nam đang và sẽ thu hút nhiều tay chơi toàn cầu. Ngoài IKEA với kế hoạch xây dựng trung tâm bán lẻ trị giá 450 triệu euro tại Hà Nội, vừa qua thương hiệu Dongsuh của Hàn Quốc cũng chính thức tập trung vào thị trường nội địa Việt Nam với kế hoạch mở thêm 3 xưởng sản xuất nội thất, nhằm phục vụ xu hướng mua sắm nội thất online.

Hiện nay, hãng nội thất Baya cũng đã đầu tư lớn vào nội dung số từ kênh bán hàng, nền tảng quản lý và bán hàng, cũng như cấp tốc tối ưu nội dung trên website chuẩn SEO và chạy quảng cáo từ khóa tới khách hàng. Gần 20 cửa hàng trên toàn quốc của Baya - vốn có lịch sử là thương hiệu UMA, giờ đây khoác lên mình bộ cánh mới: phục vụ nhu cầu mua bán online. Theo nhận xét của Tổng Giám đốc Häfele Việt Nam, nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay không chỉ là sản phẩm nội thất công năng, thông minh và được làm theo yêu cầu cá nhân mà còn phải hợp lý về giá cả và giao hàng nhanh chóng. Đây là một thách thức đáng kể đối với các xưởng mộc và cả những nhà sản xuất nội thất lớn.

Khảo sát của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy thị trường nội địa chiếm khoảng 40% giá trị đồ gỗ Việt Nam. Trong đó, cơ cấu cho khu vực dân cư thành thị chiếm 30%, khu vực nông thôn chiếm 30% và 40% còn lại thuộc về xây dựng và bất động sản.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới