Hủy
Kinh Doanh

Vì sao các ngân hàng đua phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao?

Quỳnh Anh Thứ Bảy | 24/08/2019 09:00

Ảnh: Vietnambiz

 
 
Phát hành chứng chỉ tiền gửi có thể giúp các ngân hàng thu hút nhiều tiền nhàn rỗi hơn từ trong dân cư, nhờ vào lãi suất cao và phi rủi ro.

Lãi suất lên đến 10,2%, cao hơn so với các khoản tiền gửi tiết kiệm thông thường cùng kỳ hạn. Áp lực tăng vốn và cạnh tranh huy dộng vốn trung dài hạn khiến cuộc đua ngày càng quyết liệt.

Mới đây, Ngân hàng TMCP Bản Việt chính thức phát hành chứng chỉ tiền gửi ghi danh dành cho khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức với lãi suất lên đến 10,2%/năm. Theo đó, chứng chỉ tiền gửi dành cho khách hàng cá nhân có mệnh giá từ 10 triệu đồng, dành cho khách hàng tổ chức mệnh giá từ 100 triệu đồng với 4 kỳ hạn cố định: 24 tháng, 36 tháng, 48 tháng và 60 tháng. Tương ứng với các kỳ hạn gửi là mức lãi 9,5%/năm, 9,8%/năm, 10,0%/năm và 10,2%/năm.

Trước đó, nhiều ngân hàng cũng phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất dao động 8% - 9%. Cụ thể, VIB với chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 61 tháng, trả lãi 12 tháng với lãi suất 9,1%/năm. Việt Á Bank cũng phát hành chứng chỉ tiền gửi với mức lãi suất 9,1%. Hay như SHB cũng từng phát hành chứng chỉ tiền gửi với mức lãi suất hấp dẫn lên đến 8,9%/năm với tổng mệnh giá phát hành là 10.000 tỷ đồng. Những ngân hàng khác đa số cũng phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất trên 8%/năm. 

Có thể thấy cuộc đua phát hành chứng chỉ tiền gửi của các ngân hàng ngày càng nhiều và lãi suất cũng tăng lên theo từng đợt phát hành.

Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết việc chạy đua phát hành chứng chỉ tiền gửi của các ngân hàng hiện nay là vì áp lực vốn đáp ứng thông tư 41. Theo thông tư này, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) từ 9% xuống 8%, bổ sung yêu cầu vốn cho rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động bên cạnh yêu cầu vốn đối với rủi ro tín dụng đã được áp dụng từ quy định pháp luật trước.

Thông tư này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020 hoặc có thể áp dụng sớm hơn khi ngân hàng đáp ứng tiêu chuẩn và đăng ký với Ngân hàng Nhà nước. Vì thế, nhiều Ngân hàng Thương mại (NHTM) gấp rút lên kế hoạch tăng vốn tự có thông qua nhiều hình thức như: Phát hành thêm cổ phiếu, chia cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành trái phiếu... Trong đó, chứng chỉ tiền gửi cũng là 1 giải pháp được xem là tối ưu. Chứng chỉ tiền gửi là công cụ nợ thứ cấp và có thể bổ sung vào nguồn vốn cấp 2 của ngân hàng thương mại. Và phát hành chứng chỉ tiền gửi cũng mang lại hiệu quả thu hút tiền nhàn rỗi cao hơn trong dân cư nhờ vào lãi suất cao, phi rủi ro.

Vi sao cac ngan hang dua phat hanh chung chi tien gui lai suat cao?
 

Ở góc độ ngân hàng, việc chọn phát hành chứng chỉ tiền gửi khi cần huy động lượng vốn ổn định trong dài hạn để thực hiện kế hoạch kinh doanh là lựa chọn tốt nhất bởi trong điều khoản chứng chỉ tiền gửi là không được rút trước khi đáo hạn trong khi huy động vốn từ tiền gửi tiết kiệm thì khả năng rút vốn trước hạn sẽ cao hơn.

Ghi nhận từ thị trường cho thấy mức lãi suất cao nhất hiện nay thuộc về ngân hàng Bản Việt 10,2 % cho kỳ hạn 5 năm. So với mặt bằng lãi suất tiết kiệm cùng kỳ hạn thì đây là mức lãi suất tốt nhất. Mặt bằng lãi suất huy động tại các ngân hàng hiện nay rơi vào 8,2-8,4% mỗi năm với kỳ hạn dài 24-36 tháng. Trong khi đó, mức lãi suất huy động với kỳ hạn một năm và thấp hơn phổ biến trong khoảng 6,9-7,5%. Và cũng tùy từng ngân hàng sẽ có những chương trình huy động vốn khác nhau, phụ thuộc vào kỳ hạn và quy mô tiền gửi nhưng cũng chỉ tăng thêm 0,1-0,2% so với mức bình quân chung.

Tuy nhiên, theo góc nhìn của chuyên gia Bùi Quang Tín, nếu xem xét kỹ thì mức lãi suất tiền gửi cao hơn so với lãi suất tiết kiệm nhưng cũng không gọi là quá cao. Còn mức lãi suất ghi nhận 10,2 % hiện nay rơi vào kỳ hạn 5 năm. Còn lại hầu hết lãi suất chứng chỉ tiền gửi dao động ở mức 8-9,1% cho thời hạn 24-36 tháng, đây được xem là huy động vốn trung và dài hạn nhằm đáp ứng tỷ lệ 40-35-30%. Tức là bắt đầu từ ngày 1/1/2019, ngân hàng phải giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 45% xuống 40%. Và tỷ lệ này sẽ tiếp tục giảm xuống 30-35% trong thời gian tới. Vì thế, phát hành chứng chỉ tiền gửi cũng nhằm mục đích đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn trong hoạt động của các ngân hàng hiện nay. Lộ trình đã đặt ra thì việc chạy đua đáp ứng yêu cầu của các ngân hàng hiện nay là không tránh khỏi.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới