Vì sao Dragon Capital đầu tư vào dịch vụ tài chính Myanmar?
Myanmar mới cấp phép cho Viettel đầu tư dịch vụ viễn thông tại nước này trong liên doanh với Myanmar National Tele & Communications Co.,Ltd với khoản đầu tư lên tới 2 tỉ USD. Viettel nhận thấy cơ hội tại thị trường 61 triệu dân, trong đó khoảng 18 triệu người dùng Internet trên mạng di động 3G và 4G, tính đến 2016. Vì thế, ngay cả ứng dụng Zalo của Công ty VNG cũng tìm cách thâm nhập thị trường này. Việc đảm bảo kết nối nhanh, ổn định đã giúp sản phẩm này nhanh chóng chiếm được cảm tình của người dân Myanmar và đạt con số 2 triệu thành viên vào cuối năm ngoái.
Cũng như dịch vụ của Viettel hay VNG, tại Yangon, hàng hóa từ Việt Nam đang được người dân ưa chuộng. Vì thế, Hội chợ Vietnam Expo 2016 tại Yangon đã quy tụ được hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam tham gia, trong đó có đủ các mặt hàng từ chăn ga gối đệm, mì gói, thiết bị điện, bánh kẹo, sữa... Sức mua lớn và tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng hàng tiêu dùng sản xuất nội địa của Myanmar mới đáp ứng được khoảng hơn 10% nhu cầu thị trường. Vì vậy, cơ hội cho các nhà đầu tư, thương mại nước ngoài, trong đó có Việt Nam tại Myanmar là rất lớn.
Hiện tại, có khoảng 80 doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Myanmar, với tổng vốn đầu tư khoảng 1 tỉ USD. Việt Nam xếp thứ 10 trong tổng số các nhà đầu tư nước ngoài tại Myanmar. Bên cạnh những tập đoàn lớn đã đầu tư thành công tại Myanmar như: Hoàng Anh Gia Lai, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Viettel..., nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam đang rất quan tâm đến môi trường đầu tư tại Myanmar.
Quan hệ thương mại hai chiều Việt Nam - Myanmar đạt được nhiều kết quả khả quan. Năm 2016, kim ngạch thương mại song phương hai nước đạt 536 triệu USD (vượt mục tiêu 500 triệu), trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Myanmar ước đạt hơn 450 triệu USD.
Đặc biệt, vượt lên sau giai đoạn bị cấm vận, Myanmar như một ngôi sao mới nổi khi thu hút được nhiều dự án đầu tư của các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng trên thế giới. Với đặc trưng là một nước đang phát triển nên nhu cầu về nguồn tài chính của nước này là một kênh đầu tư hấp dẫn. Đón lấy cơ hội trên, Dragon Capital bước vào khai thác thị trường ước tính nhu cầu đến 1 tỉ USD. Thông qua việc liên doanh giữa Tập đoàn Loi Hein (Myanmar), Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital thành lập Công ty Tài chính vi mô Ruby Hill với tỉ lệ sở hữu tương đương 51% và 49%.
Theo ước tính của Quỹ Phát triển Vốn Liên hiệp Quốc, đất nước gần 61 triệu dân này có hơn 50% dân số không được tiếp cận với các dịch vụ tài chính, đặc biệt cùng với đó là sự hoạt động của các nguồn dịch vụ chưa được kiểm duyệt. Công ty tài chính vi mô Ruby Hill tận dụng được chuyên môn trong lĩnh vực ngân hàng và tài chính vi mô của Dragon Capital tại thị trường Việt Nam và các nước tiểu vùng Mekong. Trong khi đó, Loi Hein được biết đến là một trong những ông lớn trong lĩnh vực phân phối các sản phẩm tiêu dùng với doanh thu hơn 100 triệu USD mỗi năm. Năm 2015, tập đoàn này đã đa dạng hóa các dịch vụ tài chính tại Myanmar với việc thành lập Công ty Ruby Hill Financial và kết hợp với công ty KT ZMICO Thái Lan thành lập Công ty Chứng khoán KTZ Ruby Hill.
Công ty tài chính vi mô sẽ hoạt động với vốn đầu tư ban đầu 5 triệu USD, chủ yếu cung cấp các sản phẩm và dịch vụ cho vay dành cho lực lượng lao động đang gia tăng. “Đây là mảng đầu tư đầu tiên vào thị trường Myanmar nên rất quan trọng đối với Dragon Capital”, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital, cho biết.
Mặc dù Nhật và Trung Quốc là các đối tác nằm ngoài khu vực nhưng trong thời gian qua, 2 quốc gia này đã đẩy mạnh đầu tư tại Myanmar. Trong xu thế hội nhập, nền kinh tế nước này đã mở cửa, các nước trong khu vực ASEAN đã dần tăng tốc tận dụng cơ hội từ Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN để giành cơ hội tại thị trường đầy tiềm năng này. Myanmar được các chuyên gia kinh tế McKinsey Global Institute dự đoán sẽ thu hút được khoảng 100 tỉ USD vốn FDI trước năm 2030.
Myanmar có nền tảng chưa thực sự vững chắc với cơ sở hạ tầng còn nhiều mặt hạn chế. Do đó, khi nền kinh tế mở cửa, đòi hỏi nhu cầu đáp ứng ngày càng cao. Điều này đã biến xứ sở chùa vàng thành “miền đất hứa” cho các doanh nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực tài chính và viễn thông. Mới đây, FPT cũng đã trở thành đơn vị thắng gói thầu 11,3 triệu USD cung cấp hệ thống thông tin trung tâm dữ liệu cho Bộ kế hoạch và Tài chính Myanmar.
Trong lĩnh vực tài chính, ngoài Ngân hàng BIDV đã hiện diện ở Myanmar, sự góp mặt của Dragon Capital sẽ phần nào khẳng định hơn về sự hấp dẫn của thị trường còn nhiều tiềm năng này.
Giai đoạn cuối năm 2016, một trong những nhà đầu tư lớn nhất quỹ này đã rút vốn khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam vì thiếu vắng những chính sách và hành động thiết thực trong việc bảo vệ môi trường đầu tư. Và việc rót vốn sang Myanmar như là một động thái mở rộng thị trường đầu tư song song với thị trường Việt Nam. “Myanmar là thị trường tiềm năng, đầu tư ở đây không đơn giản nhưng đã là cơ hội thì nên nắm bắt”, ông Dominic Scriven chia sẻ.
Theo nhận định của ông Dominic Scriven, tại Việt Nam hiện nay, thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động kém hơn thị trường trái phiếu chính phủ, với đặc thù là định chế tài chính, tập trung đầu tư vào trái phiếu các công ty vừa và lớn, cũng như đầu tư vào những công ty tư nhân niêm yết hoặc chưa niêm yết có tốc độ tăng trưởng nhanh. Việc rót vốn này còn là động thái mở rộng thị trường trái phiếu doanh nghiệp, mở rộng mạng lưới đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn mới và đa dạng hóa nguồn vốn. Trước đó, quỹ đầu tư này đã đầu tư vào một tổ chức từ thiện tại Campuchia và thay đổi tổ chức này thành một tổ chức tài chính, hoạt động chính thông qua việc cho vay ở phân khúc người lao động theo hình thức cho vay ngắn hạn 500-1.000USD.
Trung Quân
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Hải Vân
-
Công Sang
-
Hải Đăng
-
Trung Nam
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Thái Huệ