Vì sao IFC chú ý tới ngành chăn nuôi heo?
Theo đó, khoảng 39 triệu USD sẽ được Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cung cấp cho Công ty Nông nghiệp BaF Việt Nam (BaF) dưới hình thức các gói tài trợ, gồm tối đa 600 tỉ đồng trái phiếu chuyển đổi và 300 tỉ đồng trái phiếu thường cho BaF. Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của BaF, cho biết, thời hạn của các gói tài trợ này là 7 năm với lãi suất ưu đãi.
Bà Bùi Hương Giang, Thành viên Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc BaF, chia sẻ thêm: “Gói tài trợ sẽ giúp BaF có điều kiện phát triển các trang trại chăn nuôi và di truyền, phát triển các nhà máy thức ăn chăn nuôi và các nhà máy giết mổ chế biến thịt sạch”.
Ông Samuel Dzotefe, Giám đốc Cấp cao Khối ngành Sản xuất, Kinh doanh Nông nghiệp & Dịch vụ của IFC khu vực châu Á, cho biết: Thông qua hỗ trợ các công ty như BaF, IFC thúc đẩy các doanh nghiệp tư nhân địa phương đạt chuỗi cung ứng kinh doanh nông nghiệp hiệu quả và bền vững hơn. Điều này sẽ giúp thúc đẩy cạnh tranh và cải thiện các tiêu chuẩn, thực hành tại các trang trại, hỗ trợ ngành thực phẩm tiếp tục hiện đại hóa và áp dụng các thông lệ, thực hành quốc tế tốt nhất".
Hỗ trợ ngành chăn nuôi đã là một lĩnh vực ưu tiên trong hoạt động của IFC tại Việt Nam. Năm ngoái, IFC và Quỹ châu Á mới nổi từng đầu tư 52 triệu USD vào Tập đoàn Mavin dưới hình thức cổ phần phổ thông. Mục đích chính của IFC là nhằm giúp khắc phục hậu quả của dịch tả heo châu Phi (ASF). Đây là bệnh đã làm giảm đáng kể quy mô đàn heo và làm gián đoạn nguồn cung thịt lợn, nguồn đạm động vật chính đối với người tiêu dùng.
Trước đó, IFC cũng đã rót 1.000 tỉ đồng vào trái phiếu kỳ hạn 7 năm vào GreenFeed Việt Nam. Khoản đầu tư này là cơ sở để doanh nghiệp nâng cao công suất chăn nuôi hướng đến mục tiêu cung ứng 125.000 tấn heo thịt mỗi năm cho thị trường vào năm 2023.
Riêng với BaF, sự tham gia của IFC hứa hẹn sẽ giúp BaF mở rộng quy mô, gia tăng tổng đàn, củng cố vị thế của BaF và tiến đến trở thành Top 3 công ty chăn nuôi tại Việt Nam. BaF hiện đã thu hẹp mảng thương mại nông sản để tập trung vào mô hình sản xuất sạch 3F (Feed-Farm-Food).
Tính đến thời điểm hiện tại, sau quá trình chuẩn bị, vượt qua các tiêu chuẩn khắt khe từ IFC về tài chính, về ESG, BaF đã được IFC “chấm điểm”, đã sở hữu 2 nhà máy Thức ăn chăn nuôi - công suất 260.000 tấn/năm. BaF cũng thiết lập 23 trang trại hiện đại với tổng đàn lên đến 200.000 con và xây dựng thương hiệu cùng chuỗi phân phối thực phẩm với khoảng 60 cửa hàng Sibafood, 300 Meat Shop.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch thường trực Hội Chăn nuôi Việt Nam, từng cho biết, thách thức và trở ngại lớn nhất của ngành chăn nuôi không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới đó là vấn đề an toàn thực phẩm, thân thiện và sự chia sẻ. Vì thế, những mô hình chăn nuôi nào chú ý đến những người đồng hành, người sản xuất, người tiêu dùng, nhất là người chăn nuôi, đối xử nhân đạo với vật nuôi, thân thiện với môi trường sẽ dễ được ghi điểm.
Dù vậy, theo Ipsos Việt Nam, phân khúc thịt heo thương hiệu được phân phối qua các kênh hiện đại tại Việt Nam chỉ mới chiếm khoảng 10% tổng nhu cầu tiêu thụ cả nước. 90% tiêu thụ thịt vẫn từ các chợ dân sinh, truyền thống. Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Dương cho biết, Việt Nam là quốc gia chăn nuôi và tiêu thụ thịt heo lớn thứ 2 châu Á, chỉ sau Trung Quốc. Rõ ràng, dư địa tăng trưởng cho thịt sạch có thương hiệu, bán ở các cửa hàng hiện đại vẫn còn nhiều.
Không chỉ BaF, C.P hay GreenFeed mà Dabaco, Masan, Trường Hải, Newhope, CJ, Cargill… cũng đang xây dựng hệ thống trang trại thành liên kết chuỗi. Đây là cách để các công ty thay đổi cách thức chăn nuôi cũ, chuyển từ nuôi nhỏ lẻ truyền thống sang chăn nuôi lớn, sản xuất bài bản theo chuỗi giá trị nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Hải Vân
-
Công Sang
-
Hải Đăng
-
Trung Nam