Vì sao Masan Consumer chi 90.000 đồng/cổ phiếu mua Cholimex Foods?
Sau khi chuyển đổi thành công ty cổ phần (2006), Cholimex Foods có vốn điều lệ 30 tỷ đồng, đến năm 2009 công ty tăng vốn lên gấp đôi và có thêm sự xuất hiện của đối tác ngoại là Bi Private Equity New Markets K/s (Đan Mạch) với tỷ lệ nắm giữ tới 24.93%, Giles Kristian Clifford Whitlam 5,,28%, còn lại là Cholimex 41,23%, Chứng khoán Thăng Long 4,04%.
Và để đến được với mức vốn hiện tại (81 tỷ đồng), thì năm 2010 Cholimex tiếp tục phát hành cổ phần tăng vốn nhưng mức giá thời điểm đó chỉ 15.000 đồng/cp.
Bước đột phá thực sự đến với Cholimex Foods khi năm 2012, tập đoàn thực phẩm của Nhật Bản là Nichirei Foods đã chi ra tới 500 triệu Yên để mua 19% cổ phần. Với mức giá này, rõ ràng đối tác Nhật đã định giá cổ phiếu Cholimex Foods tới hơn 85.000 đồng/cp, tương ứng với P/E xấp xỉ 20 lần cho thấy giá trị của doanh nghiệp này đã có bước nhảy vọt.
Và nay, CTCP Tập đoàn Masan (MSN) cũng chịu bỏ ra khoảng 357 tỷ đồng để mong nắm được 49% cổ phần của Cholimex Foods (giá 90.000 đồng/cp), tương ứng với P/E ở mức 21 lần, cao hơn nhiều so với P/E của VN-Index hiện nay (tầm 16,5 lần).
Về cơ cấu sở hữu, theo thông tin trên website Cholimex Foods, công ty có vốn điều lệ 81 tỷ đồng, trong đó Công ty TNHH MTV XNK và Đầu tư Chợ Lớn (Cholimex)* nắm 40,72% vốn, Nichirei Foods Inc (Nhật Bản) 19% vốn, các thành viên công ty Tonkin Products Ltd. (Anh Quốc) 5,21% vốn, các cổ đông khác 35,07% vốn.
Tuy nhiên, sau khi MSN công bố chào mua công khai Cholimex Foods 2 ngày thì Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng ra thông báo vừa thoái hết 14,6% vốn tại Cholimex Foods với ngày giao dịch là 03/11/2014.
Vì sao Cholimex Foods được định giá cao?
Cholimex Foods được thành lập năm 1983 với cái tên khởi đầu là Xí nghiệp Chế biến hàng xuất khẩu quận 5 thuộc Công ty Cung ứng hàng xuất khẩu quận 5 (nay là Cholimex). Hoạt động chính là các sản phẩm chế biến thô, thủy hải sản sơ chế đông lạnh và một số mặt hàng nông sản.
Đến năm 1985 Cholimex Foods mới bắt đầu nghiên cứu sản xuất tương ớt và một số mặt hàng thực phẩm đông lạnh như chả giò, chạo tôm, khô mực ăn liền… Chỉ sau 4 năm, Cholimex Foods đã khẳng định được chỗ đứng vững chắc trong nước bằng sản phẩm tương ớt. Và đến năm 1992, sản phẩm này đã được xuất đi các nước Đông Âu, nhất là Nga, Ba Lan, Ucraina…
Năm 2006 đánh dấu bước lớn mạnh của Cholimex Foods bằng việc cổ phần hóa với tên mới là CTCP Thực phẩm Cholimex.
Năm 2009 Cholimex Foods tham gia thị trường nước chấm bằng việc tung ra sản phẩm nước tương Hương Việt. Hiện nay mức tiêu thụ bình quân của sản phẩm này khoảng 2 triệu chai/tháng. Đến nay, số loại sản phẩm của Cholimex Foods khá đa dạng với dòng sốt gia vị gồm 4 loại tương ớt, satế, tương gỏi cuốn, bột canh, sốt…; nước chấm và thực phẩm đông lạnh. Năm 2011, Cholimex Foods đã chiếm tới 40% thị phần tương ớt trong nước.
Thị phần xuất khẩu của Cholimex Foods năm 2013
Nguồn: Cholimex Foods |
Từ sau khi cổ phần hóa đến năm 2012, hoạt động kinh doanh của Cholimex Foods liên tục ghi nhận những con số mới với tốc độ tăng lợi nhuận từ 16-28%/năm trở lên, chỉ riêng năm 2013 chỉ tiêu này bị giảm xuống. Nhưng tỷ suất lãi gộp biên của Cholimex Foods chưa bao giờ dưới mức 22%.
Cổ đông của công ty này cũng “mát mặt” hơn khi một đồng vốn mình góp vào thì mức sinh lời đều từ 18% trở lên (ROE). Trong khi đó, một đơn vị cùng ngành có vốn điều lệ và tổng tài sản cao hơn là Vifon nhưng hiệu quả sinh lời chỉ từ 4.5% đến 16%.
Còn về cổ tức, từ năm 2008 đến nay Cholimex Foods đều trả từ mức 12-22%, và kế hoạch 2014 sẽ nằm trong khoảng 15-20%.
Những chỉ tiêu cơ bản của Cholimex Foods Đvt: Triệu đồng Nguồn: VietstockFinance |
Kế hoạch sẽ thay đổi khi có “bóng dáng” Masan?
Năm 2014, Cholimex Foods đặt kế hoạch mốc tổng doanh thu 1.050 tỷ đồng (tăng 18%) trong đó xuất khẩu chiếm 310 tỷ đồng, còn lại là nội địa với 740 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 37 tỷ đồng, tăng 10% so năm 2013.
Sản lượng thực phẩm chế biến (quy ra chai 250ml) trong năm 2013 là 96.000 chai, kế hoạch năm 2014 tăng lên 120,000 chai. Còn thủy sản và thực phẩm đông lạnh sẽ tăng từ 1,987 tấn lên 2.100 tấn.
Theo định hướng kinh doanh của Cholimex Foods, công ty sẽ phát triển thị trường theo hai dòng sản phẩm chủ lực là Thực phẩm đông lạnh (chả giò, há cảo, xíu mại và các sản phẩm chế biến tôm giá trị gia chiếm 87% doanh số xuất khẩu năm 2014); Sauce - nước chấm (Tương ớt, tương ớt chua ngọt, tương ớt xí muội, satế tôm, nước mắm ăn liền, nước tương, nước mắm… cho các thị trường truyền thống và thị trường mục tiêu như Đức, Pháp, Nga, Israel, Cuba, Mỹ, Canada, Trung Quốc, Myanmar… chiếm 13% doanh số xuất khẩu năm 2014, tăng 23% so với năm 2013).
Công ty cũng tập trung mở rộng việc phân phối vào vùng nông thôn nhằm phát triển dòng sản phẩm nước chấm. Hoàn thiện hệ thống phân phối, mục tiêu trong năm 2014 bao phủ toàn bộ 100% tỉnh thành thuộc khu vực từ miền Trung đến miền Tây, tức tăng 21% số quầy bao phủ so với năm 2013.
Trong khi đó, Masan Consumer, là nồi cơm của Tập đoàn Masan, chỉ mới tham gia thị trường thực phẩm trong vòng 12 năm nhưng đã mang lại lợi nhuận cho cổ đông từ mức 30 tỷ đồng lên hơn 3.000 tỷ đồng. Nghĩa là tỷ lệ sinh lời tăng lên hơn 100 lần. Còn kế hoạch 2014, doanh thu của Masan Consumer sẽ trong khoảng 16.000-17.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.750-4.250 tỷ đồng. Masan Consumer cũng đặt chiến lược nắm giữ 70% thị phần tại các ngành hàng gia vị, chiếm 35-40% thị phần thực phẩm tiện dụng.
Rõ ràng tiềm năng phát triển của Cholimex Foods là rất lớn và mục tiêu Masan Consumer gom về “cùng đội” với mình hẳn sẽ tạo nên một làn gió mới nằm trong chiến dịch “Masan Consumer Transformation” của doanh nghiệp này.
-------------------------------------
* Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư Chợ Lớn (Cholimex) được thành lập năm 1981 là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước trực thuộc UBND TPHCM.
Cholimex được Thủ tướng Chính phủ giao làm chủ đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Vĩnh Lộc tại huyện Bình Chánh và huyện Hóc Môn với quy mô diện tích 207 ha vào năm 1997. Đến nay Khu công nghiệp Vĩnh Lộc đã thu hút được 110 nhà đầu tư bao gồm 33 doanh nghiệp nước ngoài với vốn đầu tư 54,536 triệu USD và 77 doanh nghiệp trong nước với vốn đầu tư 5,449 tỷ đồng.
Cholimex đã tiến hành thực hiện cổ phần hóa một số đơn vị hạch toán phụ thuộc gồm: CTCP Dược phẩm Dược liệu Chợ Lớn, CTCP Thực phẩm Cholimex, CTCP May Cholimex, CTCP Cơ Điện tử và Tin học Cholimex, CTCP Đầu tư và Xây dựng Cholimex. Hiện Cholimex có 3 đơn vị kinh tế hạch toán phụ thuộc, 1 công ty con và 11 công ty liên kết.
Nguồn Viestock
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Minh Đức
-
Hải Vân
-
Công Sang
-
Hải Đăng
-
Trung Nam
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Surajit Rakshit