Việt Nam lần đầu tiên áp thuế chống bán phá giá thép
Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 7896/QĐ-BCT áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội ở dạng cuộn hoặc tấm, nhập khẩu từ 4 quốc gia, vùng lãnh thổ. Mức thuế chống bán phá giá từ 3,0-37,29%. Chịu mức thuế cao nhất (37,29%) là Công ty Yuan Long Stainless Steel Corp của Đài Loan.
Các sản phẩm thép không gỉ bị áp thuế chống bán phá giá được sử dụng trong ngành công nghiệp sản xuất đồ gia dụng như bồn rửa chén, đồ nội thất dạng ống, hệ thống nước nóng, bồn tắm, các bộ phận của xe hơi, vật liệu xây dựng… Mặt hàng này nhập khẩu từ các nước đang được hưởng mức thuế suất từ 0%.
Trước đó, tháng 5/2013, Công ty TNHH Posco VST và Công ty CP Innox Hòa Bình gửi hồ sơ lên cơ quan chức năng yêu cầu điều tra, áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ 4 thị trường kể trên. Giai đoạn điều tra từ ngày 1/4/2012 đến 31/3/2013.
Trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng cho biết ngành thép trong nước đã đẩy mạnh đầu tư, phát triển sản xuất từ năm 2008 và có sự tăng trưởng mạnh trong nhiều năm sau. Nhưng từ năm 2011 đến hết giai đoạn điều tra, nhiều doanh nghiệp trong nước đối mặt với những thiệt hại đáng kể do hàng nhập khẩu có giá bán thấp hơn, ép giá hàng nội. Các chỉ số về sản xuất, bán hàng, giá bán, thị phần, công suất… của DN trong nước đều sụt giảm mạnh do bị cạnh tranh từ hàng nhập khẩu.
Đến tháng 12/2013, Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương đã công bố kết luận điều tra theo đề nghị của 2 doanh nghiệp, cho thấy có hiện tượng bán phá giá và đề nghị áp dụng mức thuế tạm thời trong 120 ngày.
Ngày 13/8/2014, Hội đồng Xử lý vụ việc chống bán phá giá đã họp và thống nhất các nội dụng đã kết luận, đồng tình với biện pháp áp thuế với mức thuế chính thức được điều chỉnh cao hơn so với mức thuế đánh tạm thời.
Đây là tin vui đối với doanh nghiệp trong ngành thép và các ngành khác đang phải vật lộn với hàng nhập khẩu giá rẻ, đồng thời cho thấy cơ quan quản lý đã thay đổi tư duy “nhập khẩu khó hơn xuất khẩu” để bảo hộ sản xuất trong nước.
Ông Đỗ Duy Thái, Tổng Giám đốc Công ty Thép Việt (Pomina), cho rằng sự khởi đầu của mặt hàng thép không gỉ sẽ là động lực để những mặt hàng khác tiến hành đề xuất điều tra chống bán phá giá. “Việc áp thuế là động thái cho thấy cơ quan quản lý đã thay đổi tư duy trong việc kiểm soát chặt hàng nhập khẩu, tạo thuận lợi cho sản xuất trong nước. Nếu không áp thuế, hàng nội không thể cạnh tranh công bằng với hàng giá rẻ nhập khẩu” - ông Thái nói.
Hiện Hiệp hội Thép Việt Nam cũng đã gửi kiến nghị lên Bộ Công Thương đề nghị điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng thép cuộn có hợp chất boron nhập khẩu từ Trung Quốc, đang được hưởng mức thuế suất 0% và cạnh tranh gay gắt với thép nội.
Nguồn Người Lao động
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư