Hủy
Kinh Doanh

Việt Tiến muốn tiến nhanh từ R&D

Thanh Hương Thứ Sáu | 08/11/2019 16:17

 
 
Sức ép tăng trưởng và cạnh tranh buộc doanh nghiệp dệt may như Việt Tiến phải tạo ra đột phá.

Đầu tháng 10 vừa qua, Công ty Cổ phần May Việt Tiến hình thành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển mẫu Dương Long (Dương Long R&D) với mục tiêu hướng đến là đẩy mạnh sản xuất kinh doanh ODM (sản xuất, thiết kế gốc) và OBM (phát triển thương hiệu gốc).

Vào chuỗi giá trị cao

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty May Việt Tiến, Dương Long R&D sẽ là bệ đỡ quan trọng trong chiến lược phát triển chuỗi giá trị và tăng cường sức cạnh tranh của thương hiệu trên thị trường nội địa và xuất khẩu. Tại thị trường nội địa, vai trò của Dương Long R&D là định hướng đa dạng chủng loại sản phẩm, đáp ứng xu hướng thời trang theo phong cách, cá tính riêng của khách hàng. Việt Tiến cung cấp mới dịch vụ may đo theo yêu cầu thông qua cửa hàng Viettien House; đồng thời hướng đến những thiết kế riêng biệt, sản xuất đơn hàng nhỏ, linh hoạt và giao hàng trong thời gian ngắn.

“Đây là kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng để Công ty đổi mới đến năm 2040, nhằm tạo lực hấp dẫn cho các nhà mua hàng. Thông qua chiến lược mới, Việt Tiến kỳ vọng thúc đẩy doanh số xuất khẩu đạt 2 con số”, ông Giang chia sẻ. Hai con số mà ông Giang nhắc đến là mức tăng trưởng 20% Việt Tiến đã đặt ra trước đó. Với việc mở Dương Long R&D, chỉ tiêu trên có thể đạt được trong tương lai không xa. Bởi vì công nghệ thiết kế 3D sẽ giúp Công ty đáp ứng nhanh nhu cầu của khách hàng cũng như tăng số lượng đơn hàng xuất khẩu.

Ông Giang cũng cho biết thêm, chi phí xây dựng Dương Long R&D trong giai đoạn 1 khoảng hơn 50 tỉ đồng. Trong thời gian tới, Việt Tiến sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng và xây thêm một nhà máy sản xuất vải với tổng vốn đầu tư hơn 50 tỉ đồng.

Theo ông Giang, trung bình 1-2 tháng, với sự ra đời của Dương Long R&D, Việt Tiến sẽ ra mắt bộ sưu tập mới do chính người mẫu trình diễn trên sàn catwalk ngay tại Công ty để các đại lý đến xem và đưa ra quyết định mua hàng. Và Công ty cũng sẽ chào các mẫu thiết kế cho các nhãn hàng thời trang thế giới để nâng cao chuỗi giá trị.

Doanh thu xuất khẩu của Việt Tiến hiện vào mức 8.000 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng chính trong tổng doanh thu với tốc độ tăng trưởng quân bình 7-8%/năm. Thương hiệu của Công ty đã đi sang các nước Đông Nam Á với 20 cửa hàng ở Lào, 6 cửa hàng ở Myanmar.

Về kinh doanh, kết thúc 6 tháng đầu năm 2019, Việt Tiến ghi nhận doanh thu 3.906 tỉ đồng, tương ứng lợi nhuận sau thuế 176 tỉ đồng. Riêng năm 2019, Công ty đặt mục tiêu doanh thu khoảng 9.000 tỉ đồng, trong đó hơn 1.000 tỉ đồng đến từ thị trường nội địa. Việt Tiến hiện sở hữu hệ thống 1.390 cửa hàng trên cả nước.

Hướng đi trước biến động

Thị trường xuất nhập khẩu dệt may bắt đầu biến động từ cuối năm ngoái, 9 tháng đầu năm nay tình trạng khan hiếm đơn hàng ngày càng phổ biến. Thậm chí, đơn hàng của một số doanh nghiệp đến thời điểm này mới chỉ bằng khoảng 2/3 so với cùng kỳ, trong khi mục tiêu xuất khẩu năm 2019 là 40 tỉ USD.

Yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, áp lực giảm giá và các rào cản thương mại khác như thuế nhập khẩu, kiểm định chất lượng là những thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, bài toán hàng đầu đối với ngành dệt may từ khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực là lợi thế về nhân công giá rẻ không còn nên doanh nghiệp phải đẩy mạnh nội địa hóa cũng như gia tăng giá trị sản phẩm để mang lại lợi nhuận.

Theo một khảo sát mới đây của Vinatex, nếu xét trên thang điểm 5 về độ sẵn sàng và mức độ công nghệ phù hợp nhất với cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam được khảo sát hiện chỉ ở mức điểm trung bình 2,59/5 điểm. Điểm nghẽn khó nhất của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam là chi phí cho hoạt động R&D rất thấp, gần như không có.

Với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, ông Vũ Đức Giang đánh giá trong xu thế chuyển đổi rất nhanh của ngành may mặc, doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển phải có giải pháp chiến lược phù hợp, từ đó mới thu hút được các nhà mua hàng. “Đặc biệt, với ngành may mặc nguyên liệu đầu vào cực kỳ quan trọng, nếu không chủ động đầu vào thì FTA cũng không mang lại hiệu quả”, ông Giang cho biết.

Mặt khác, doanh nghiệp phải hướng tới nền sản xuất hiện đại, linh hoạt vừa có thể đáp ứng được các đơn hàng lớn với chất lượng trung bình, lại vừa làm được các đơn hàng nhỏ với chất lượng cao... đảm bảo sản xuất liên tục, ổn định. Đồng thời, kết cấu thị trường của ngành dệt may toàn cầu thay đổi nhanh. Khi thời tiết thay đổi, các đơn hàng có thể dừng lại ngay lập tức, sức mua giảm, mối quan hệ giữa các nước nhập khẩu và xuất khẩu nếu có các vấn đề vướng mắc, đơn hàng cũng sẽ giảm. Hiện tại, các đơn hàng tại Việt Nam đã dần chuyển dịch sang Bangladesh nhờ chi phí lao động giá rẻ thấp hơn Việt Nam 2,5 lần.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới