Vốn FDI 10 tháng đạt gần 10,5 tỷ USD
Theo tổng hợp từ Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch Đầu tư, trong 10 tháng đầu năm 2012, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 9 tỷ USD, bằng 98,9% so với cùng kỳ năm 2011.
Tính đến ngày 20/10, cả nước có 881 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 6,68 tỷ USD, bằng 63,3% so với cùng kỳ năm 2011. Bên cạnh đó, có 359 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 3,8 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2011.
Tính chung cả cấp mới và tăng vốn, trong 10 tháng, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 10,49 tỷ USD, bằng 75,3% so với cùng kỳ 2011.
Theo số liệu trước đó, trong 9 tháng đầu năm, giải ngân vốn FDI ước đạt 8,1 tỷ USD trong khi vốn đăng ký đạt 9,526 tỷ USD. Tính đến ngày 20/8, giải ngân vốn FDI của cả nước đạt 7,28 tỷ USD và vốn đăng ký đạt 8,47 tỷ USD.
Như vậy, trong tháng 10 giải ngân FDI đạt khoảng 900 triệu USD, tăng khoảng 9,8% so với 820 triệu USD trong tháng 9. Vốn cấp mới và tăng vốn ước đạt 964 triệu USD, giảm 8,7% so với hơn 1 tỷ USD trong tháng trước.
Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 374 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 6,9 tỷ USD, chiếm 66,2% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 10 tháng.
Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với 8 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 1,84 tỷ USD, chiếm 17,6%. Đứng thứ 3 là lĩnh vực bán buôn bán lẻ, sửa chữa, với 156 dự án đăng ký mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt 455,8 triệu USD, chiếm 4,3%. Tiếp theo là lĩnh vực thông tin và truyền thông với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 402,3 triệu USD.
Trong số 52 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, Nhật Bản dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm 4,92 tỷ USD, chiếm 46,9% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam trong 10 tháng năm 2012; Hàn Quốc đứng vị trí thứ 2 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 936,7 triệu USD, chiếm 8,9% tổng vốn đầu tư; Samoa đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 899,8 triệu USD, chiếm 8,6% tổng vốn đầu tư.
Tính đến thời điểm hiện tại, Bình Dương là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với 2,17 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm chiếm 20,7% tổng vốn đầu tư. TPHCM đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,12 tỷ USD, chiếm 10,8%. Hải Phòng đứng thứ 3 với 1,08 tỷ USD vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm. Tiếp theo là Đồng Nai, Hà Nội, Bắc Giang với quy mô vốn đăng ký lần lượt là 1,06 tỷ USD; 984,6 triệu USD và 925 triệu USD.
Một số dự án lớn được cấp phép trong 10 tháng đầu năm là: dự án khu đô thị Tokyu Bình Dương do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Bình Dương với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,2 tỷ USD; dự án tăng vốn mở rộng sản xuất thêm 870 triệu USD của Công ty TNHH Wintek Việt Nam tại Bắc Giang; dự án Công ty TNHH Sản xuất lốp xe Bridgestone VN tại Hải Phòng với tổng vốn đầu tư 574,8 triệu USD; dự án Công ty sản xuất toàn cầu LIXIL Việt Nam tại Đồng Nai với tổng vốn đầu tư 441 triệu USD;
Nguồn Khampha/FIA
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư