Vua hàng hiệu bán “táo”
eDiGi cũng sẽ là cửa hàng đầu tiên đạt luôn tiêu chuẩn ASP (Apple Service Provider - Nhà cung cấp dịch vụ). Ảnh: Quý Hòa
Lãnh đạo của FPT Retail từng khẳng định rằng sẽ khó có cửa hàng APR (Apple Premium Reseller - cửa hàng kinh doanh sản phẩm và phụ kiện chính hãng Apple mức độ cao cấp nhất) ở Việt Nam trước năm 2022. Tuy nhiên, Tập đoàn IPP (Imex Pan Paciffic Group) của ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã phá vỡ rào cản này.
Theo đó, IPP cho biết sẽ mở cửa hàng Apple đầu tiên đạt chuẩn APR ở Việt Nam với tên gọi là eDiGi. Không dừng lại ở đó, eDiGi cũng sẽ là cửa hàng đầu tiên đạt luôn tiêu chuẩn ASP (Apple Service Provider - Nhà cung cấp dịch vụ) tính tới thời điểm hiện tại. Theo thông tin từ IPP, eDiGi sẽ là đơn vị duy nhất có khả năng nhập khẩu linh kiện chính hãng từ Apple ở Việt Nam.
Đây là tin rất bất ngờ vì ngay cả thị trường phát triển như Singapore, thời điểm cửa hàng đạt chuẩn AAR (Apple Authorised Reseller) đến thời điểm ra mắt một APR cũng phải mất đến 10 năm. Đó là chưa kể tốc độ tăng trưởng điện thoại Việt Nam hiện nay đã giảm tốc, chỉ còn khoảng 5% mỗi năm. Tại thị trường Mỹ, đà tăng trưởng doanh thu của Apple và sản phẩm iPhone nói riêng có xu hướng giảm trong những năm trở lại đây. Doanh thu năm 2017 của Apple là 229 tỉ USD, chỉ tăng 6,3% so với năm trước.
Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ hơn, dư địa của hàng Apple vẫn còn khá hấp dẫn. Theo ông Nguyễn Việt Anh, Phó Tổng Giám đốc FPT Retail, nếu chỉ tính mảng di động, giá trị thị trường của Apple tại Việt Nam vào khoảng 900 trệu USD, nhưng có khoảng 360 triệu USD doanh thu nằm ở cửa hàng xách tay. Thứ đến, Apple từ lâu đã được định vị là mặt hàng thời trang cao cấp. Định vị này phù hợp với thị trường đang tăng trưởng tiêu dùng như Việt Nam.
Báo cáo của Business Monitor International cho biết tăng trưởng kinh tế năm 2018 của Việt Nam được dự báo đạt mức 6,9% (tăng 0,09% so với năm 2017) nhờ vào nền tảng vĩ mô được thiết lập vững chắc. Điều này dẫn đến thu nhập bình quân đầu người tăng, từ đó kỳ vọng chi tiêu cho tiêu dùng tiếp tục gia tăng. Đơn vị này lạc quan cho rằng trong 5 năm tới sẽ có thêm 6 triệu hộ gia đình gia nhập nhóm thu nhập từ 100-200 triệu đồng/tháng, dẫn đến sức mua tiêu dùng tăng 47% từ nay đến năm 2019.
FPT Retail đặt mục tiêu có 100 cửa hàng F.Studio. Ảnh: Quý Hòa |
Đó là chưa kể giới siêu giàu Việt Nam đang tăng lên nhanh chóng. Theo báo cáo mới nhất của tổ chức Wealth-X, Việt Nam hiện nằm trong top 10 nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng người siêu giàu (có tài sản từ 30 triệu USD trở lên) nhanh nhất thế giới giai đoạn 2012-2017, với 12,7% mỗi năm.
Vì vậy, IPP, hiện đang nắm 70% thị phần nhóm hàng cao cấp ở Việt Nam, đưa sản phẩm Apple vào hệ sinh thái của mình. Đặc biệt, ước tính doanh số các sản phẩm của Apple tại Việt Nam (gồm iPhone, iPad, MacBook, Apple Watch) đạt khoảng 1 tỉ USD, trong đó 70% (tương đương 700 triệu USD) là thuộc về iPhone. Trong khi đó, nguồn cung lượng iPhone trên thị trường hiện nay 40% là hàng xách tay.
Cửa hàng đầu tiên của eDiGi có quy mô 250m2 được đặt tại số 2 Công xã Paris, ngay trung tâm quận 1, TP.HCM. Giới kinh doanh đang hào hứng theo dõi cuộc chiến giành thị phần của eDiGi với F.Studio (FPT Retail) và Thế Giới Di Động, 2 đơn vị đang nắm 80% doanh thu hàng chính hãng Apple ở thị trường Việt Nam.
Trong khi Thế Giới Di Động chưa có dấu hiệu gì cho thấy sẽ tăng trưởng số lượng cửa hàng hay mở cửa hàng kinh doanh sản phẩm Apple riêng, thì FPT Retail cho biết đến năm 2020, họ sẽ có 100 cửa hàng F.Studio. Còn eDiGi, IPP sẽ mở bao nhiêu cửa hàng? Câu trả lời là không nhiều vì khá hiếm mặt bằng lớn, vị trí đẹp còn trống ở TP.HCM hiện nay, do đó trước mắt nhiều khả năng IPP sẽ chuyển các mặt bằng đang kinh doanh đồ ăn nhanh Burger King, Dumkin Donuts không hiệu quả thành eDiGi. Có thể thấy, cửa hàng đầu tiên của eDiGi cũng được IPP thay đổi công năng từ mặt bằng kinh doanh ăn uống.
Theo giả thiết này, ước tính sẽ có từ 5-7 mặt bằng chuyển đổi thành eDiGI ở TP.HCM. Kế đến, eDiGi sẽ xuất hiện trong sân bay vì cần nhớ rằng đầu tư vào hạ tầng sân bay là khẩu vị ưa thích của IPP. Tập đoàn này là cổ đông lớn nhất sở hữu 30% cổ phần của Nhà ga Quốc tế Cam Ranh và 2 công ty con đang sở hữu 43,7% cổ phần của Sasco. Sasco hiện nắm giữ 100% thị phần lĩnh vực bán hàng miễn thuế tại sân bay Tân Sơn Nhất. Như vậy, eDiGi nhiều khả năng sẽ có mặt tại các sân bay để phục vụ cả khách quốc tế theo ủy quyền của Apple.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư