Xuất khẩu lâm sản 2019 sẽ đạt 9 tỉ USD
Xưởng sản xuất gỗ nội thất tại Bình Dương
Theo Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, xuất khẩu lâm sản ước đạt 9 tỉ USD trong năm 2018, về đích trước 2 năm so với mục tiêu Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển rừng. Chính phủ phấn đấu đến năm 2020, xuất khẩu lĩnh vực này đạt 11 tỉ USD, bằng 133% so với mục tiêu chương trình.
Xuất khẩu lâm sản vượt 8 tỉ USD
Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), giá trị xuất khẩu lâm sản tính đến đầu tháng 12.2018 ước đạt 8,49 tỉ USD tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2017, chiếm 23,42% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.
Theo đó, gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 7,22 tỉ USD, tăng 15,63% so với cùng kỳ 2017. Giá trị xuất siêu của lâm sản chính 11 tháng ước đạt 6,398 tỉ USD. Ước giá trị xuất khẩu lâm sản chính cả năm đạt 9,3 tỉ USD. Thị trường xuất khẩu lâm sản tập trung chủ yếu tại 5 thị trường gồm Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc, chiếm khoảng 87,33% kim ngạch xuất khẩu lâm sản.
Cũng trong 11 tháng đầu năm 2018, giá trị nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ ước đạt 2,1 tỉ USD, tăng 6,17% so với cùng kỳ năm 2017. Những thị trường chủ yếu trong 10 tháng đầu năm chủ yếu từ 10 quốc gia, Trung Quốc, Mỹ, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Chile, Đức, Brazil, New Zealand, Pháp, chiếm 61,5% giá trị kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Theo thông tin từ ngành lâm nghiệp, lũy kế đến ngày 20.11.2018, cả nước đã trồng 202.872 ha, bằng 105% so với cùng kỳ năm 2017, bằng 94,5% so với kế hoạch. Trong đó trồng rừng phòng hộ, đặc dụng là 12.857 ha, đạt 90,2% kế hoạch năm bằng 102,6% so với cùng kỳ năm 2017; trồng rừng sản xuất là 190.015 ha, đạt 97,1 % kế hoạch năm, bằng 108,7% so với cùng kỳ năm 2017.
Đánh giá về vấn đề này, ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, cho biết năm 2018 là năm tiếp tục thành công của ngành Lâm nghiệp trong việc tháo gỡ các rào cản, thúc đẩy mở cửa các thị trường xuất, nhập khẩu gỗ.
Thị trường rộng mở
Được biết, sau 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu, ngành lâm nghiệp với sự đồng hành, nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp và nông dân, đã đạt được nhiều kết quả rõ nét, bứt phá và khả quan. Ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu đã mang về trên 8 tỉ USD, vượt trước 3 năm so với mục tiêu đề ra của Chiến lược Phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2020.
Theo đó, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng nhanh, giai đoạn 2010 - 2013 bình quân là 4,82%, đến giai đoạn 2013 - 2018, trị số này đã đạt bình quân 6,5 %/năm, vượt mục tiêu đề ra hơn 2 %.
Vài năm trở lại đây, việc khai thác gỗ từ rừng tự nhiên đã dừng lại, nguồn thu hàng năm từ lâm sản ngoài gỗ, thu từ gỗ rừng trồng sản xuất và thu từ dịch vụ môi trường rừng. Đặc biệt, ngày 19.10.2018, tại Brussel (Bỉ), Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã ký Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT). Hiệp định VPA/FLEGT được đánh giá là sẽ mang lại tác động tích cực cho Việt Nam.
“Hiệp định này là sự ghi nhận nỗ lực không mệt mỏi, là sự thừa nhận vị thế và uy tín của Lâm nghiệp Việt Nam, nó thúc đẩy và hỗ trợ tiến trình phát triển đang lên của ngành lâm nghiệp. Thực thi hiệp định cũng là sự kết nối hơn 3 triệu ha rừng trồng là rừng sản xuất cùng đông đảo lực lượng chủ rừng và doanh nghiệp ở Việt Nam với chuỗi giá trị toàn cầu kỹ tính và có đẳng cấp để tạo nguồn thu bền vững, tăng giá trị gia tăng và có hiệu quả cao cho chủ rừng, người dân, doanh nghiệp của nước ta”, theo ông Điển.
Hiệp định VPA/FLEGT, uy tín và hình ảnh ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam trên toàn cầu được nâng lên. Ngoài EU, ngành gỗ Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng các thị trường khác như Canada, Nga, Anh, Úc, Nhật Bản, góp phần thực hiện mục tiêu nâng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt từ 12-13 tỉ USD vào năm 2020, vươn lên đứng thứ 4 thế giới.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Trực Thanh
-
Nguyễn Mai
-
Minh Đức