Xuất khẩu tăng "kim ngạch xanh"
Bao bì hiện nay liên tục được thay đổi theo hướng thân thiện môi trường. Ảnh: Quý Hòa.
Chiếc khay nhựa tưởng chừng vô hại nhưng lại chính là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp Việt mất thị trường xuất khẩu tại châu Âu.
Xanh hóa nếu không muốn bị đào thải
Khá hài lòng về chất lượng sản phẩm và quy trình sản xuất sản phẩm tôm đóng gói của một doanh nghiệp Việt Nam nhưng cuối cùng một công ty nhập khẩu châu Âu đã rút lui chỉ vì chiếc khay nhựa không đạt chuẩn trong khâu đóng gói. Chính công ty xuất khẩu tôm này đã để mất khách hàng chỉ vì không muốn thay đổi trong khi các doanh nghiệp châu Âu đang rất nghiêm ngặt trong quá trình sản xuất hướng đến phát triển xanh, giảm thải carbon trong quy trình sản xuất. Thực tế, ngay khi biết tin đối tác châu Âu có nhu cầu, một số công ty đã chen chân lấy được đơn hàng này.
Câu chuyện trên không chỉ xảy ra ở công ty thủy sản. Thị trường châu Âu cũng vừa từ chối mặt hàng mì ăn liền của một doanh nghiệp Việt vì bao bì không đáp ứng nhu cầu.
Theo nhận định của bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), các doanh nghiệp hiện chưa tận dụng được cơ hội xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ, chậm đổi mới để thích ứng trong khi bao bì hiện nay liên tục được thay đổi theo hướng thân thiện môi trường.
Bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, cũng cho biết thị trường châu Âu ngày càng gia tăng các yêu cầu về chất lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật, nhất là trong lĩnh vực môi trường, phát triển bền vững, ví như cơ chế điều chỉnh carbon biên giới hay dự luật ngăn chặn phá rừng. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng ngày càng ưa chuộng sử dụng hàng hóa xanh như sử dụng vật liệu và bao bì tái chế, thân thiện môi trường.
Là một trong những doanh nghiệp đầu tư phát triển ngành công nghiệp vật liệu xanh tại Việt Nam, ông Đinh Hồng Kỳ, Chủ tịch Công ty Cổ phần Secoin, Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, chia sẻ: “Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) do châu Âu đưa ra sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2023. Theo đó, CBAM sẽ sớm áp giá carbon cho hàng nhập khẩu dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính của quy trình sản xuất”.
“CBAM có thể tác động tới doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trong tương lai, đặc biệt là trong các lĩnh vực có nguy cơ phát thải cao như thép, nhôm, lọc dầu, xi măng, giấy, thủy tinh, phân bón, năng lượng... Do đó, Việt Nam cần phải có bước chuẩn bị kỹ lưỡng để nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức. Đồng thời, việc xanh hóa thương mại phải bắt đầu bằng các luật, quy định, thể chế và thực thi mạnh mẽ...”, ông Đinh Hồng Kỳ nói thêm.
Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, nếu như trước đây các tiêu chuẩn xanh, bền vững chỉ được nhìn thấy ở các phân khúc cao cấp thì hiện nay đã trở thành yêu cầu phổ biến ở mọi phân khúc. Ngoài ra, các hiệp định thương mại dù mang đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nhưng cũng đặt ra nhiều yêu cầu, rào cản khắt khe đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi theo hướng phát triển xanh và bảo vệ môi trường.
Việc xanh hóa thương mại phải bắt đầu bằng các luật, quy định, thể chế và thực thi mạnh mẽ. Ảnh: Quý Hòa |
Phát biểu tại sự kiện do EuroCham tổ chức, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu. Do đó, chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh là yêu cầu khách quan đối với Việt Nam. Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh “cam kết mạnh mẽ về phát triển bền vững, không hy sinh môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần”.
Trong vài năm gần đây, việc nhập khẩu các sản phẩm hữu cơ từ Việt Nam có sự phát triển với các sản phẩm đa dạng. Ảnh: Quý Hòa. |
Theo ông Bartosz Cieleszynski, Phó Ban Thương mại, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể thu được nhiều lợi ích liên quan đến ứng dụng và thúc đẩy công nghệ xanh. Ông cho rằng công nghệ xanh không hề vượt tầm tay của Việt Nam. Hiện châu Âu cũng tập trung khuyến khích canh tác hữu cơ. Trong vài năm gần đây, việc nhập khẩu các sản phẩm hữu cơ từ Việt Nam có sự phát triển với các sản phẩm đa dạng như trái cây nhiệt đới, rau củ quả, thực phẩm chế biến sẵn, thủy sản... và cần tiếp tục đi theo con đường này.
Thách thức vốn
Để đạt được tiêu chuẩn xuất khẩu xanh không phải là chuyện đơn giản. Công ty Cổ phần Quốc tế Phong Phú là một ví dụ. Ngay thời điểm mới thành lập năm 2007, Công ty đã xác định sản xuất hướng theo mô hình 3P. Phong Phú hiện xuất khẩu 70% vào thị trường Mỹ, 10% vào thị trường châu Âu. Hai thị trường này đều đòi hỏi rất khắt khe các tiêu chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn xanh nên sản phẩm do Phong Phú sản xuất phải thân thiện với môi trường và phải giảm các chất thải độc hại và khí thải công nghiệp.
Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Liên, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quốc tế Phong Phú, nếu không phát triển xanh theo kịp thời đại thì không có đơn hàng. Bằng chứng là giữa lúc nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, cắt giảm nhân sự, Công ty vẫn đang tuyển thêm lao động nhờ vẫn có đơn hàng ở thời điểm hiện tại. Trung bình mỗi năm công ty này vẫn tăng trưởng từ 15-20%. Đó là nhờ lợi ích đầu tư sản xuất xanh mang lại.
Tuy nhiên, để tới được chặng đường này, Phong Phú đã phải trải qua nhiều khó khăn. Bà Liên cho biết: “Khách hàng yêu cầu sản phẩm phải sản xuất hữu cơ organic có tái chế được nguyên liệu carton, bao nylon cũng phải tái chế. Phong Phú phải đầu tư các thiết bị hiện đại, sử dụng theo công nghệ để làm sao giảm thiểu lượng nước tiêu thụ và phải tái chế lại được và sử dụng nguồn nước tái chế này cho một số công đoạn trong quy trình. Mặc dù hiện tại nước tái chế ở Công ty vẫn chưa sử dụng được như nước bình thường nhưng chúng tôi đang nỗ lực thay đổi”.
Bà Liên cho biết một thách thức lớn mà Công ty phải đối mặt là chi phí đầu tư rất cao. Khi Phong Phú trở thành thành viên của Liên minh May mặc Bền vững (SAC) thì giai đoạn đầu từ năm 2015-2017, SAC hoàn toàn miễn phí cho doanh nghiệp Việt Nam đăng ký tham gia sử dụng chỉ số, nhưng từ năm 2018 bắt đầu tính phí và phí năm đầu tiên là 150 USD và mỗi năm mỗi tăng. Dù là thành viên SAC trên 5 năm và Phong Phú được tính phí ưu đãi 584 USD đối với mỗi nhà máy nhưng mức phí đã tăng gấp 3 lần so với năm 2018. Đó là một thách thức đối với doanh nghiệp.
Vì việc chuyển đổi sang xu hướng xanh ảnh hưởng không nhỏ đến chi phí sản xuất nên nhiều doanh nghiệp phải cân nhắc. Nhưng doanh nghiệp gần như không có sự lựa chọn nào khác. Bởi vì “nếu chúng ta không đáp ứng được nguyên tắc về xuất xứ, không thay đổi được mẫu mã bao bì thì rất khó hòa nhập với thị trường”, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA), nói.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, cũng cho rằng: “Việc theo đuổi chiến lược xuất khẩu xanh không phải ngay lập tức giúp doanh nghiệp đạt được hiệu suất tài chính tốt mà cần thời gian để doanh nghiệp tạo dựng và phát triển được lợi thế cạnh tranh. Khi doanh nghiệp đã đạt được lợi thế cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu thì lúc đó doanh nghiệp mới đạt được hiệu suất tài chính”
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Thái Huệ