Lỗ hổng tài trợ xanh
Ảnh: nhandan.vn
Việt Nam đã vượt Thái Lan vào năm 2019, trở thành nước có công suất lắp đặt điện mặt trời lớn nhất trong ASEAN (theo Wood Mackenzie), tăng vọt từ 105 MW trong năm 2018 lên 16.660 MW vào năm 2020, vượt xa mục tiêu ban đầu của Chính phủ. Sự tăng trưởng này chủ yếu được thúc đẩy bởi biểu giá điện hỗ trợ (FiT) hấp dẫn, cho phép các nhà phát triển hưởng một mức giá đảm bảo trong một khoảng thời gian, một “sự chắc chắn” mà các nhà đầu tư đều ưa thích.
Câu hỏi về tài trợ quy mô lớn
Dữ liệu từ Công cụ Theo dõi cơ sở hạ tầng Mekong (Mekong Infrastructure Tracker) cho thấy khoảng 60% dự án năng lượng tái tạo trong nước được phát triển hoàn toàn bởi các công ty Việt Nam, 27% còn lại được phát triển bởi một công ty Việt Nam hợp tác với đối tác quốc tế. Cho đến nay, phần lớn các khoản đầu tư vào điện tái tạo của Việt Nam đều đến từ các nguồn trong nước.
Kể từ năm 2020, các công ty năng lượng tái tạo Việt Nam đã phát hành hơn 3 tỉ USD trái phiếu doanh nghiệp bằng mệnh giá VND trên thị trường trong nước (ước tính của Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính - IEEFA). Tuy nhiên, vẫn chưa có công ty nào tiếp cận được các thị trường nước ngoài. Từ năm 2021 đến nay, chỉ có 7 đợt phát hành trái phiếu ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam, chủ yếu là để phát triển bất động sản.
Mặc dù vẫn chưa rõ Quy hoạch Điện VIII (PDP8) sẽ đặt ra sản lượng điện mặt trời và điện gió chính xác là bao nhiêu, nhưng rõ ràng sản lượng này sẽ tăng lên. Hiện tại, có một câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để tài trợ khối lượng lớn năng lượng tái tạo mới cần thiết để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050? Báo cáo Quốc gia về Khí hậu và Phát triển của World Bank chỉ ra rằng các khoản đầu tư vào quá trình chuyển đổi năng lượng sạch có thể đạt 15-17 tỉ USD/năm trong tương lai từ mức 7-8 tỉ USD/năm hiện nay. Để phát huy lợi thế và mở ra nhiều cánh cửa cơ hội hơn cho Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, mỗi cá nhân, tổ chức tham gia trên thị trường đều có vai trò quan trọng riêng.
Các hình thức tài trợ khá đa dạng, bao gồm cơ quan tín dụng xuất khẩu, các ngân hàng phát triển và thị trường vốn nợ. Ảnh: T.L |
Vai trò của nguồn vốn FDI
Theo nghiên cứu của HSBC, Việt Nam được xếp hạng là điểm đến đầu tư tốt nhất cho năng lượng tái tạo ở ASEAN nhờ một số yếu tố như nguồn tài nguyên sẵn có (năng lượng mặt trời/năng lượng gió), nhu cầu về điện tăng và mục tiêu đầy tham vọng của Chính phủ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cũng như mục tiêu tuyệt đối về năng lượng tái tạo (khoảng 30% năng lượng sử dụng của Việt Nam năm 2030 sẽ là năng lượng gió/mặt trời).
Trong khi PDP8 vẫn còn là dự thảo, khoản đầu tư lớn này sẽ dẫn đến một “lỗ hổng tài trợ”, cho cả Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các nhà sản xuất điện độc lập, phát sinh nhu cầu đối với dòng vốn quốc tế trong lĩnh vực mà từ trước đến nay chủ yếu chỉ dựa vào các ngân hàng trong nước. Với những giới hạn của các nhà cho vay trong nước, vai trò của nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài có thể sẽ rất quan trọng khi các dự án mới (dự án greenfield) bắt đầu được xây dựng. Theo đó, các hình thức tài trợ khá đa dạng, bao gồm cơ quan tín dụng xuất khẩu, các ngân hàng phát triển và thị trường vốn nợ.
Mặc dù một số nhà phát triển dự án năng lượng châu Âu đã hiện diện tại thị trường Việt Nam, nhưng chính các đối thủ cạnh tranh châu Á của họ mới đóng vai trò xúc tác mạnh nhất. Bởi vì, hơn 90% công ty nước ngoài đầu tư vào điện mặt trời và điện gió tại Việt Nam là từ các nước châu Á như Thái Lan, Nhật và Philippines. Đáng chú ý, các công ty năng lượng châu Á lâu đời như AC Energy (Philippines), Gulf Energy và B.Grimm Power (Thái Lan) đã tận dụng nguồn lực của mình để huy động vốn từ các ngân hàng phát triển đa phương (như Ngân hàng ADB) để hỗ trợ các dự án năng lượng tái tạo trong nước.
Rất có khả năng các liên doanh địa phương và quốc tế sẽ thống trị thị trường điện gió ngoài khơi của Việt Nam một khi thị trường này được hình thành. Do sự phức tạp và nhạy cảm tiềm ẩn xung quanh các dự án điện gió ngoài khơi, công ty điện gió ngoài khơi lớn trên toàn cầu đã hợp tác với đối tác phát triển địa phương cho dự án đầu tiên của họ ở trong nước. Ví dụ, Orsted, công ty năng lượng bền vững toàn cầu, đang hợp tác với Tập đoàn T&T, một công ty đa ngành hàng đầu của Việt Nam, để cùng phát triển dự án điện gió ngoài khơi có công suất khoảng 10 GW ở 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.
Với các điều kiện/sửa đổi về khả năng vay vốn được cải thiện đối với hợp đồng mua bán điện PPA hiện tại, chúng tôi kỳ vọng một dòng vốn FDI đáng kể được rót vào lĩnh vực năng lượng tái tạo tương tự như các thị trường khác trong khu vực. Ví dụ, HSBC gần đây đã đóng vai trò là tư vấn tài chính cho Orsted trong việc bán dự án điện gió ngoài khơi Greater Changhua 1 tại Đài Loan (thị trường điện gió ngoài khơi lớn nhất châu Á - Thái Bình Dương) với nguồn tài trợ tín dụng chủ yếu (bao gồm ECA và tổ chức tài chính tư nhân) có tổng giá trị 2,7 tỉ USD.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, việc phát hành trái phiếu xanh, xã hội, bền vững và liên kết bền vững (GSSS) tại thị trường Việt Nam có thể là điểm cộng cho Việt Nam, cải thiện điểm số ESG của quốc gia và thu hút nhà đầu tư quốc tế, những người ngày càng quan tâm đến phát triển bền vững. Ngoài ra, quá trình phát triển khung pháp lý cho GSSS là cách thức tuyệt vời để các bộ phận, bao gồm bộ phận lập kế hoạch, tài chính, chi tiêu, ngồi lại với nhau, thống nhất và nỗ lực vì sứ mệnh tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Lam Ngọc
-
Nguyễn Mai
-
Bà Hồ Thúy Ái, CTCP Quản lý Quỹ Phú Hưng