Hủy
Tạp chí số 678

Xâm lấn thiên nhiên và cội rễ đại dịch

Kim Thuỳ Thứ Năm | 14/05/2020 08:30

Ảnh: TL

Đại dịch bùng nổ từ các bệnh truyền nhiễm một lần nữa cảnh báo về lằn ranh đỏ mà con người có thể tác động tới hệ sinh thái của Trái đất.
 

Hơn 100 ngày từ khi biết đến virus SARS-CoV-2, trên 3 triệu người nhiễm bệnh, không dưới 211.000 người tử vong, kinh tế toàn cầu tê liệt, thế giới vẫn chưa tìm ra nguồn gốc dịch bệnh. Phần nhiều các tổ chức y tế đều giả thuyết virus có nguồn gốc từ động vật hoang dã, kèm theo không ít quan điểm cho rằng đại dịch là sự trừng phạt của thiên nhiên đối với loài người. Nhưng nhiều bằng chứng gần đây cho thấy, COVID-19 là sản phẩm do chính con người tạo ra trong quá trình tác động vào tự nhiên.

Cái chết đen có bàn tay con người

Dịch COVID-19 nhắc nhở chúng ta rằng bệnh truyền nhiễm không biến mất, thậm chí, giờ đây có nhiều bệnh truyền nhiễm hơn bao giờ hết. Chỉ tính từ năm 1980, số vụ dịch bùng nổ mỗi năm gần như tăng gấp 3 lần. Điều gì đã xảy ra trong kỷ nguyên bùng nổ các tiến bộ khoa học kỹ thuật, y tế, chăm sóc sức khỏe?

Dân số thế giới đã tăng hơn gấp đôi chỉ sau 5 thập niên, kéo theo đó là quá trình xâm lấn mạnh mẽ vào tự nhiên. Theo báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Đa dạng sinh học của Liên hiệp Quốc năm 2019, con người đã khiến 75% diện tích đất và 40% diện tích đại dương trên Trái đất bị suy thoái nghiêm trọng. Điều này có nghĩa là nếu có dịch, con người sẽ dễ bị nhiễm bệnh hơn và đến lượt họ sẽ lây nhiễm cho nhiều người khác, đặc biệt là trong các đô thị có mật độ dân số cao.

 

Cũng trong thời gian này, chúng ta cũng nuôi nhiều gia súc hơn so với tổng số gia súc mà con người đã nuôi trong suốt thời gian kể từ khi bắt đầu thuần hóa chúng, từ hơn 10.000 năm trước, cho đến năm 1960 và virus có thể truyền từ những động vật trên sang cho con người. Các nhà khoa học đang phát hiện 2-4 loại virus mới được tạo ra mỗi năm do sự xâm phạm của con người vào thế giới tự nhiên và bất kỳ loại nào trong số chúng cũng có thể biến thành đại dịch. “Đây không phải là bản chất trả thù, chúng ta đã làm điều đó với chính mình”, Thomas Lovejoy, nhà sinh vật học hàng đầu nước Mỹ, cho biết.

Trong khi đô thị hóa con người đã làm giảm sút trầm trọng sự đa dạng của động vật trên Trái đất, một số loài trở nên vô cùng phong phú và đây thường là loài thích nghi tốt với hành vi của con người, điển hình như dơi và chuột. Nhìn lại những đại dịch trong quá khứ, bệnh dịch hạch Justinian (541-750 sau Công nguyên) và “Cái chết đen” đều bắt nguồn từ khuẩn dịch hạch Yersinia Pestis ký sinh trên loài chuột. Cúm Tây Ban Nha (1918-1919) mang chủng corona tìm thấy trong loài dơi, đã lây nhiễm cho khoảng 500 triệu người và hơn 50 triệu người trên toàn thế giới đã tử vong.

“Thuyết tiến hóa đã giải thích tại sao và bằng cách nào bệnh mới xuất hiện và bệnh cũ trở nên khó chữa hơn so với trước đó”, Yuval Noah Harari, nhà sử học Do Thái, lập luận. Bằng cách so sánh dữ liệu được công bố đến tháng 3.2020, Hiệp hội Hoàng gia Anh đã tìm thấy bằng chứng các loài động vật thuần chủng có số lượng phân bố lớn trong cộng đồng người truyền virus sang người nhiều hơn các loài ít phổ biến và việc khai thác động vật hoang dã có thể dẫn đến nguy cơ lan truyền virus mạnh.

Dịch bệnh mang tên COVID-19 với virus SARS-CoV-2 khó khống chế trên cơ thể người vì nó là sản phẩm của quá trình chọn lọc tự nhiên. Các tác giả cho thấy sự tác động qua lại khiến chúng ta gặp nguy hiểm nhất. “Chúng ta cần phải thực sự chú ý đến cách chúng ta tiếp xúc với động vật hoang dã và các hoạt động mang con người và động vật hoang dã đến gần nhau”, bà Christine K. Johnson, Giáo sư dịch tễ học tại Đại học California, nhấn mạnh.

Biên giới giữa người và động vật hoang dã 

Để bảo vệ con người trước nguy cơ lây lan dịch COVID-19, từ khi dịch bắt đầu bùng phát, hơn 30 tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên trên khắp thế giới đã gửi hàng loạt kiến nghị đóng cửa thị trường buôn bán động vật hoang dã đến chính phủ ở nhiều khu vực là điểm nóng như Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, châu Phi.

Song các chuyên gia lại đang gây chia rẽ về cách kiểm soát thương mại trên thị trường động vật hoang dã, khi nhiều người lo ngại những người nghèo nhất có nguy cơ cao nhất trở thành đối tượng từ cuộc đàn áp sau lệnh cấm. Đôi khi mọi người đưa ra quyết định vì họ đang ngồi trong văn phòng và ở rất xa thực tế. “Hành động khẩn cấp đối với buôn bán động vật hoang dã là cần thiết, nhưng các lệnh cấm bừa bãi về buôn bán động vật hoang dã sẽ càng làm trầm trọng vấn đề”, Tiến sĩ Amy Dickman, nhà sinh vật học bảo tồn tại Đại học Oxford, bày tỏ quan điểm.

 

Cùng đại diện của Quỹ Động vật hoang dã châu Phi, Hiệp hội Động vật học Frankfurt và Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), Dickman là 1 trong 250 người ký thư ngỏ gửi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Chương trình Môi trường Liên hiệp Quốc, nói rằng bất kỳ sự chuyển đổi nào cũng phải góp phần và không làm mất đi sinh kế của những người dễ bị tổn thương nhất thế giới, nhiều người phụ thuộc vào tài nguyên hoang dã cho sự sống còn.

Mama Mouamfon, nhà lãnh đạo tổ chức phi chính phủ Fondation Camerounaise de la Terre Vivante (FCTV), có trụ sở tại Cameroon, cho biết việc cấm buôn bán sẽ gây thiệt hại sinh kế: thịt từ động vật hoang dã rất quan trọng đối với người dân trong rừng bởi vì đó là một trong những cách dễ nhất để họ lấy protein động vật. Với vấn đề nghèo đói và người dân sống ở vùng sâu vùng xa, họ không dễ dàng tìm kiếm thịt ngon.

Trên 85% các nhà bảo tồn trong 250 người ký thư ngỏ gửi đến WHO đều đồng thuận quan điểm. Việc ngăn chặn sự tiếp xúc giữa người và động vật hoang dã phải dựa trên phép cân bằng sinh thái học (được gọi rộng hơn là phép cân bằng sinh học) khi xem xét sự cân bằng của năng lượng và các yếu tố ảnh hưởng đến hệ thống sống.

 

Nói một cách đơn giản, cân bằng sinh học là trạng thái mà số lượng cá thể mỗi quần thể trong quần xã dao động quanh vị trí cân bằng nhờ khống chế sinh học, phù hợp với khả năng của môi trường (thức ăn, nơi ở...). Dẫn chứng trong việc bảo tồn loài voi, hiện chỉ có 7.000-10.000 con voi châu Á tồn tại trong tự nhiên. Việt Nam chỉ còn chưa tới 100 cá thể và voi ở đây có thể đứng trước nguy cơ biến mất. Nhưng với Botswana, nơi có quần thể voi lớn nhất ở châu Phi, số lượng voi của đất nước nổi tiếng này đã tăng gần gấp 3 trong 30 năm qua và quần thể hiện có thể lên tới hơn 160.000 cá thể.

Nông dân chật vật để ngăn voi vào các cánh đồng ăn hoa màu và thậm chí có thể giết người. Đây là nguyên nhân dẫn tới việc Chính phủ Botswana lại dỡ bỏ lệnh cấm săn bắn voi sau hơn 5 năm ban hành. Lệnh cấm không nên diễn ra theo phong trào mà có cái nhìn bao quát toàn cầu và không bỏ qua một bộ phận dân cư đang chịu tổn thương. Để giảm nguy cơ xuất hiện thêm đại dịch trong tương lai giúp các quần thể sinh vật cân bằng trong môi trường vốn có, ngừng chiếm diện tích của môi trường hoang dã nên được ưu tiên hàng đầu. “Tiếp đó, chúng ta cần tìm cách cùng tồn tại an toàn với động vật hoang dã bởi chúng không thiếu virus để truyền sang con người”, bà Johnson nhấn mạnh.

Trái hồng cho chim hỉ thước

Đối mặt với sức ép tăng dân số và để đảm bảo an ninh lương thực, con người đã tiến hành hiện đại hóa, công nghiệp hóa nền nông nghiệp với những thành tựu khoa học kỹ thuật để thâm canh khắc nghiệt và tận diệt những động thực vật được cho là không có giá trị với con người. Việc tận thu sau mỗi vụ mùa đã làm mất sự cộng sinh tự nhiên.

Trong phim tài liệu “Nền nông nghiệp nào đã nuôi sống 6 tỉ người” của nhà môi trường Yann Arthus-Bertrand đã chỉ ra những mặt trái của công nghiệp hóa nông nghiệp khi tạo ra hậu quả về môi trường, sức khỏe, mất đa dạng sinh học, dịch bệnh... mà hiện nay chúng ta đang chịu đựng.

 

Cho và nhận là bước đơn giản đầu tiên để con người sống hòa thuận với thiên nhiên. Ở vùng nông thôn Israel, có một thói quen kỳ lạ, mỗi khi đến mùa hoa màu người dân luôn chừa lại 4 góc ruộng ven đường mà không thu hoạch. Hoa màu được để lại đó, bất kỳ ai cũng có thể mang về. Động vật trong vùng, đa số là chim có thể kiếm ăn. Họ quan niệm luôn để lại một phần để tỏ lòng biết ơn vì bình thường chim đã giúp nông dân hạn chế châu chấu, sâu bọ. 

Câu chuyện tương tự cũng xảy ra tại Hàn Quốc. Bên đường quốc lộ ở vùng nông thôn Hàn Quốc có rất nhiều vườn cây hồng. Đến tiết thu vàng, đâu đâu cũng thấy người nông dân bận rộn hái trái nhưng họ không quên để lại rất nhiều trái hồng chín trên cây. Họ nói rằng dù trái hồng chín hấp dẫn đến đâu, họ cũng để lại vì đó là món quà cho chim hỉ thước.

Văn hóa này bắt nguồn từ chu kỳ của chuỗi thức ăn, mỗi khi mùa đông đến, chim hỉ thước thường làm tổ trên cây hồng để trú đông. Một năm nọ khi mùa đông đến, trời lạnh khác thường, tuyết rơi dày đặc, mấy trăm con chim hỉ thước vì không tìm được thức ăn mà chết trong một đêm. Năm sau khi mùa xuân về, vườn hồng nảy lộc, đâm chồi, đơm hoa kết trái. Nhưng đúng vào thời gian đó, một loại côn trùng kỳ lạ lan tràn khắp nơi gây tai họa. Năm đó vụ hồng thất thu hầu như không còn quả nào. Từ đó trở đi, mỗi năm vào vụ thu hoạch hồng, người dân đều để lại trái trên cây làm thức ăn mùa đông cho chim hỉ thước.

Trong hệ thống tự nhiên tồn tại các mô hình ký sinh, cộng sinh, cho và nhận... mang các đặc tính loại trừ nhau hoặc cùng phát triển (win-win). Kiến trúc cộng sinh với thiên nhiên không chỉ ứng dụng trong nông nghiệp mà hiện nay nhiều nước có tư tưởng tiến bộ đã đưa quy tắc này vào trong xây dựng. Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc là những quốc gia đang phát triển mạnh hệ thống kiến trúc đưa cây xanh vào trong thành phố chia sẻ nguồn lợi tự nhiên.

Xã hội loài người luôn tồn tại trong một chuỗi hệ thống sinh thái của Trái đất, hết thảy vạn vật trong thiên nhiên đều dựa vào nhau để sinh tồn, một loài hưng thịnh thì tất cả các loài đều hưng thịnh. Một thách thức đang tồn tại trong việc chuẩn bị đối phó đại dịch chính là điều mà các chuyên gia gọi là cơn sốc và lãng quên. Chúng ta cuống cuồng ứng phó các cuộc khủng hoảng như dịch SARS hay Ebola, nhưng rồi sự hoảng loạn đó nhanh chóng trở thành ký ức phai mờ.

Dịch bệnh COVID-19 rồi cũng sẽ được giải mã và được dập tắt, nhưng nếu chúng ta không tự nhận trách nhiệm về mình, và tiếp tục làm mất cân bằng đa dạng sinh học, phá hủy môi trường sống của các sinh vật tự nhiên thì chính chúng ta lại tiếp tục mở đường cho đại dịch tới.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới