Hủy
NTP

Dư chấn xung đột

Thứ Hai | 09/01/2023 10:41

Việt Nam vẫn đang tiếp tục thu hút FDI, đặc biệt là dòng vốn dịch chuyển từ châu Âu.

 
 
Cuộc chiến Nga - Ukraine ảnh hưởng đến thị trường thế giới theo nhiều cách. Doanh nghiệp Việt Nam tìm cách giảm tác động từ xung đột và tìm cơ hội mới.

2.778 là số lệnh trừng phạt mới mà Nga phải hứng chịu kể từ khi bắt đầu chiến lược quân sự tại Ukraine. Sau khi Tổng thống Vladimir Putin công nhận độc lập với 2 khu vực ly khai là Donetsk và Luhansk, số lệnh trừng phạt nhắm vào Nga đã tăng gấp đôi lên 5.532 lệnh. Con số này vượt qua cả các nước có căng thẳng chính trị và hạt nhân kéo dài trong hàng thập kỷ như Iran, Syria hay Triều Tiên.

KHI ĐỒNG RUBLE BỊ ĐÁNH SẬP 

Trong hàng ngàn sắc lệnh trừng phạt, việc Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT có lẽ khiến doanh nghiệp Việt Nam đau đầu nhất, trong đó các doanh nghiệp có hoạt động thương mại trực tiếp với Nga đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề. Ông Nguyễn Duy Ninh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hà Nội, cho biết: “Với việc Nga bị loại khỏi SWIFT, việc thanh toán giữa khách hàng và doanh nghiệp đang bị treo lại, hiện tại hơn 4 triệu USD hàng hóa của chúng tôi đã xuất nhưng vẫn chưa được khách hàng thanh toán”.

Còn theo ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Phúc Sinh Group, việc gửi chứng từ sang Nga của Công ty đã phải dừng lại do các ngân hàng Việt Nam không dám nhận. Được biết, mỗi năm, Phúc Sinh Group xuất khẩu sang thị trường Nga khoảng 10 triệu USD. Ngoài Phúc Sinh Group, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cũng lo ngại khi không chỉ các chứng từ xuất khẩu sang Nga, mà một số đơn hàng xuất sang châu Âu có liên quan Nga cũng bị ngân hàng từ chối bộ chứng từ thanh toán. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp đã giao hàng thấp thỏm lo ngại về việc khó khăn trong nhận tiền thanh toán.

 

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt còn phải chịu áp lực từ việc mất giá của đồng ruble, do phần lớn các nhà xuất khẩu mua nguyên vật liệu bằng đồng USD, trong khi tỉ giá đồng ruble với USD đã giảm gần 50% giá trị kể từ đầu năm 2020, gây áp lực lớn đến kết quả kinh doanh.

Trong bối cảnh đó, nhiều phân tích cho rằng Nga sẽ lách các lệnh trừng phạt tài chính bằng tiền điện tử. Các chính phủ khác từng là mục tiêu của lệnh trừng phạt, bao gồm Iran và Triều Tiên, đã dựa vào tiền kỹ thuật số để giảm thiểu tác động của các lệnh trừng phạt. Có thông tin cho rằng 17 triệu người Nga am hiểu kỹ thuật số có kết nối với internet sở hữu số tiền điện tử trị giá 23 tỉ USD. Từ tháng 10/2020, Ngân hàng Trung ương Nga thông báo rằng họ sẽ tạo ra một “đồng ruble kỹ thuật số” mới để làm cho nền kinh tế ít phụ thuộc hơn vào USD.

“Tuy nhiên, không giống như Triều Tiên, Venezuela hay Iran, đồng ruble của Nga đã ăn sâu vào hệ thống tài chính toàn cầu trong nhiều thập kỷ”, ông Ari Redbord của TRM Labs, một công ty tình báo blockchain, trả lời phỏng vấn với Al Jazeera. Có đến 80% giao dịch ngoại hối hằng ngày và một nửa thương mại quốc tế của Nga được thực hiện bằng đồng USD. “Rất khó để chuyển một lượng lớn tiền điện tử và chuyển đổi nó thành tiền tệ có thể sử dụng được. Nga không thể sử dụng tiền điện tử để thay thế hàng trăm tỉ USD có khả năng bị phong tỏa hoặc đóng băng”, ông Redbord nói. Bên cạnh đó, các biện pháp cũng đang được đưa ra để ngăn chặn việc trốn tránh các lệnh trừng phạt thông qua tiền điện tử. 

Theo ông Tom Robinson, đồng sáng lập Elliptic, công ty phân tích blockchain có trụ sở ở London (Anh), Nga có thể noi theo Tehran bằng cách sử dụng năng lượng dư thừa tạo ra sức mạnh tính toán để đào tiền điện tử. Nhưng nhìn chung, đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời, vì đó là một thất thu đối với cường quốc xuất dầu thô và khí đốt như Nga.

Tuy nhiên, một báo cáo khác của Chainalysis cho thấy Nga là một những quốc gia có tỉ lệ chấp nhận tiền điện tử cao nhất trên thế giới và đang chứng kiến sự gia tăng đột biến trong việc chuyển đổi từ đồng ruble sang bitcoin. Dường như người Nga đang cố tìm kiếm giải pháp thay thế cho tiền pháp định của mình đang bị mất giá rất nhanh bằng các đồng được cho là dễ bốc hơi giá trị như bitcoin. Khi đó, câu hỏi đặt ra là ai sẽ mua vào các đồng ruble kỹ thuật số? Và quốc gia nào sẽ chấp nhận các đồng này?

THÊM SỨC ÉP KIỀM CHẾ LẠM PHÁT

Công ty Chứng khoán VNDirect phân tích: “Tác động trực tiếp của xung đột Nga - Ukraine đối với nền kinh tế Việt Nam sẽ không lớn. Hiện giao thương giữa Việt Nam với Nga và Ukraine chỉ chiếm khoảng 0,9% tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam (chiếm 1,1% giá trị xuất khẩu và 0,8% giá trị nhập khẩu trong năm 2021, theo Tổng cục Hải quan) và 2 nước trên cũng không phải là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn tại Việt Nam”.

Các tác động trực tiếp tới nền kinh tế thì vẫn ở quy mô nhỏ. Tuy nhiên, tác động gián tiếp của cuộc chiến lên lạm phát ở Việt Nam là điều thật sự đáng lo ngại, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn và vẫn phải chịu sức ép không nhỏ từ giá cả tăng cao sau các gói kích thích kinh tế. Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, cho biết: “Xung đột của Nga và Ukraine tác động đến toàn bộ nền kinh tế, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu, đẩy chi phí những hàng hóa cơ bản và lạm phát lên cao. Việt Nam vốn là nền kinh tế có độ mở lớn, do đó khi lạm phát toàn cầu tăng cao sẽ ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế Việt Nam”.

Trước đó, Tập đoàn tài chính J.P. Morgan đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ sụt giảm ít nhất 1%, đồng thời cho rằng lạm phát có thể tăng thêm 1% trong năm nay. Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhận định: “Việt Nam đang rất bất lợi, khi chi phí năng lượng xăng dầu tăng, không chỉ khiến chi phí sinh hoạt và sản xuất kinh doanh trong nước tăng cao, mà còn tác động tới châu Âu và các khu vực khác, nơi chúng ta nhập khẩu rất nhiều nguyên vật liệu”. Ông Hiếu cũng chỉ ra rằng các chi phí trung chuyển leo thang cũng góp phần khiến Việt Nam chịu áp lực lạm phát lớn trong thời gian tới.

Giá xăng dầu tăng mạnh gây áp lực lớn đến nỗ lực kiểm soát lạm phát tại Việt Nam.
Giá xăng dầu tăng mạnh gây áp lực lớn đến nỗ lực kiểm soát lạm phát tại Việt Nam.

Thực tế, chỉ số giá hàng hóa nguyên liệu của Bloomberg có tuần tăng mạnh nhất kể từ ít nhất là năm 1960, khi các ngân hàng, nhà nhập khẩu và chủ hàng không tiếp cận được với hàng hóa xuất khẩu của Nga. Những mặt hàng tăng giá mạnh nhất là dầu thô, gần chạm 130 USD/thùng, nhôm lên mức cao kỷ lục lịch sử và giá lúa mì cao nhất kể từ năm 2008.

Trên bình diện rộng hơn, điều mà các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp lo lắng nhất là viễn cảnh kết hợp giữa lạm phát và tăng trưởng thấp (stagflation) sẽ là cú sốc bồi thêm giữa lúc nhiều quốc gia đang vật vã bởi COVID-19. Trong thập nhiên 1970, các lệnh cấm vận dầu mỏ vào năm 1973 và 1979 đã kìm hãm tăng trưởng và đẩy giá lên cao. Điều tương tự có thể xảy ra một lần nữa nếu các lệnh trừng phạt hoặc hành động chiến tranh làm gián đoạn dòng chảy của dầu, khí đốt, lúa mì, ngô và các hàng hóa khác của Nga hoặc Ukraine trên toàn thế giới.

Áp lực sẽ còn cao hơn trong bối cảnh Việt Nam vẫn đang đi sau trong quá trình phục hồi kinh tế, trong khi các nước phát triển đã có những động thái thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát, Việt Nam do đi sau trong quá trình kiểm soát dịch bệnh vẫn đang duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ, ưu tiên nhiều hơn cho mục tiêu phục hồi nền kinh tế. Mục tiêu lạm phát 4% được Chính phủ đề ra cho năm 2022 do đó có thể là một thách thức lớn. Công ty Chứng khoán Agribank dự báo: “Áp lực lạm phát chủ yếu từ giá xăng dầu tăng hơn 40% theo đà tăng giá nhiên liệu thế giới. Điều này có thể tạo áp lực tăng lạm phát trong các tháng tới và ảnh hưởng tới mục tiêu lạm phát của Việt Nam năm 2022 nếu giá dầu duy trì mặt bằng giá cao cả năm”.

Trong bối cảnh giá dầu tăng cao, theo HSBC, thương mại của Việt Nam đã bắt đầu bị tác động và thấy rõ ở kim ngạch nhập khẩu. Nhập khẩu xăng dầu trong tháng 2 tăng gần gấp đôi mức trung bình một tháng của năm 2021. Xu hướng này nhiều khả năng sẽ tiếp diễn khi nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đang phải cắt giảm công suất xuống còn 80% và một trong những giải pháp để bù đắp nguồn cung là Bộ Công Thương giao các doanh nghiệp tăng nhập khẩu 2,4 triệu m3 xăng trong quý II. Lạm phát tăng 1,4% trong tháng trước cũng chủ yếu do chi phí vận chuyển tăng trên 15% so với cùng kỳ, một xu hướng đã kéo dài. Theo tính toán của Dragon Capital, lạm phát của Việt Nam sẽ dao động từ 3,58-3,8% và tệ nhất là lên 4,18% nếu giá dầu giữ ở mức 105 USD/thùng. Ngoài ra, thặng dư thương mại của Việt Nam có thể thu hẹp nếu giá dầu neo ở mức cao.

“Các nhà hoạch định chính sách Việt Nam vẫn cần đặc biệt lưu tâm đến những rủi ro về lạm phát vì giá hàng hóa tăng là vấn đề xảy ra trên diện rộng, chứ không chỉ xoay quanh nhiên liệu”, các chuyên gia của HSBC cảnh báo.

TRONG RỦI CÓ MAY

Theo Quỹ Asia Frontier Capital, xu hướng toàn cầu hóa kéo dài một thập kỷ có thể đã đạt đến đỉnh điểm với những tắc nghẽn liên quan đến COVID-19 trong sản xuất và vận chuyển. Nhưng cuộc khủng hoảng mới tại Đông Âu có thể là một tác động tích cực cho thương mại của Việt Nam, vì bây giờ hơn bao giờ hết, phương Tây đang nỗ lực tìm kiếm những giải pháp đáng tin cậy về mặt kinh tế để thay thế Trung Quốc. Trong khi đó, Việt Nam đang nổi lên là đích đến an toàn và hứa hẹn.

Việt Nam vẫn đang tiếp tục thu hút FDI, đặc biệt là dòng vốn dịch chuyển từ châu Âu. Theo số liệu của Cục Đầu tư Nước ngoài, 2 tháng đầu năm 2022, Việt Nam thu hút gần 5 tỉ USD vốn FDI. Ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham, cho biết các doanh nghiệp đã đưa ra những tín hiệu lạc quan và tự tin với môi trường đầu tư bình thường mới của Việt Nam. Điều này thể hiện qua Chỉ số Môi trường Kinh doanh của EuroCham (BCI) đã tăng từ 42 điểm lên 61 điểm vào tháng 1/2022. Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ tăng cường đầu tư vào Việt Nam trong năm 2022, chủ yếu tập trung vào những ngành công nghệ cao cũng như các lĩnh vực kinh doanh xanh và bền vững. 

“Các lệnh trừng phạt kinh tế từ phía EU - Mỹ sẽ đẩy giá các mặt hàng tăng cao và tạo cơ hội cho những nước xuất khẩu khác”, ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập của FIDT, nhận định. Cụ thể hơn, báo cáo của Công ty Dragon Capital cho rằng, các tác động gián tiếp của cuộc chiến có thể xảy ra đối với một số nhóm ngành và cổ phiếu cụ thể, theo cả hướng tích cực và tiêu cực. Nhóm ngành hàng hóa như nhôm, thép, phân bón có thể là đối tượng được hưởng lợi chính do Nga là nhà cung cấp thép, kim loại và phân bón hàng đầu thế giới.

Theo Hiệp hội Thép Thế giới, Nga và Ukraine đã sản xuất 97,4 triệu tấn và xuất khẩu khoảng 57 triệu tấn thép vào năm 2021. Đặc biệt tại EU, Nga và Ukraine lần lượt là các nhà xuất khẩu thép lớn thứ 2 và 4 sang khu vực này trong 11 tháng năm 2021. Nhưng EU cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam vào năm 2021. Do đó, các nhà xuất khẩu thép lớn như Hòa Phát, Hoa Sen sẽ có cơ hội tăng sản lượng tiêu thụ tại EU trong thời gian tới.

Các lệnh trừng phạt nhằm vào xuất khẩu của Nga còn làm tăng giá hàng hóa trong ngắn hạn, có tác động tích cực đối với một số doanh nghiệp Việt Nam. Ví dụ, Nga đang chiếm 13% thương mại toàn cầu của các nguyên liệu phân bón chính và gần 16% đối với các loại phân bón thành phẩm. Chuyên gia tại VNDirect nhận định các biện pháp trừng phạt do châu Âu và Mỹ áp đặt lên Nga sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu, dẫn đến tăng giá phân bón. Tại Việt Nam, giá phân bón có khả năng tăng và giúp cải thiện lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp trong bối cảnh giá khí đầu vào tăng cao.

 

Ngành cá tra Việt Nam cũng có thể gián tiếp hưởng lợi từ căng thẳng Nga - Ukraine để mở rộng thị phần. Lý do là các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga có thể gây khó khăn cho xuất khẩu hàng hóa của Nga nói chung, trong đó có việc xuất khẩu cá minh thái, một trong những mặt hàng thay thế chính cho cá tra Việt Nam sang thị trường EU.

Căng thẳng về địa chính trị khiến dòng vốn các quỹ đầu tư cổ phiếu vào Việt Nam chững lại và các quỹ ETF rút ròng nhẹ trong tháng 2. Tuy nhiên, báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán SSI vẫn duy trì quan điểm kỳ vọng dòng vốn ngoại sẽ sớm quay trở lại Việt Nam với sự phân kỳ của chính sách tiền tệ, tài khóa trong nước và quốc tế bên cạnh sự ổn định về tỉ giá. Đặc biệt, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể nhận được cơ hội thu hút hàng tỉ USD nếu Nga bị loại khỏi nhóm các thị trường mới nổi. Đầu tháng 3, MSCI đã thông báo loại Nga ra khỏi nhóm các thị trường mới nổi (Emerging Market) và chuyển quốc gia này sang trạng thái thị trường độc lập vì thị trường tại đây không thể đầu tư được nữa. “Cơ hội nâng hạng của Việt Nam sẽ cao hơn bởi trong danh sách xem xét, Việt Nam đã được đánh giá là tiềm năng rồi”, Tiến sĩ Cấn Văn ực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia, nhận định.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới