Thụy Điển – Tetra Pak & ẩn số 4.0
Hàng ngàn kỹ sư của nhà máy Tetra Pak đang tham vọng biến giấc mơ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 một lần nữa trở thành niềm tự hào của người châu Âu.
(Bài viết được thực hiện vào năm 2018.)
Một cựu quân nhân người Thụy Điển cố gắng cắt nghĩa cho tôi về hệ thống vận hành các khoang tàu ngầm chằng chịt dây nối cùng những bộ điều khiển vô cùng phức tạp. Với tôi, chúng ấn tượng nhưng không mấy cảm xúc. Nhưng nếu không chứng kiến tận mắt, người ta khó có thể hình dung những khoang chật hẹp của chiếc tàu thời xa xưa, chỉ dường như đủ chỗ cho vài người đứng lại là nơi sinh hoạt, làm việc, ăn ngủ nghỉ của hàng chục thủy thủ, kỹ sư trong điều kiện khắc nghiệt nhất.
Bên ngoài khoang tàu, một không gian rộng lớn thinh lặng, hàng trăm mô hình máy móc công nghiệp, thiết bị, xe, máy bay bất động như những chứng nhân đầy kiêu hãnh của nhân loại suốt 3 giai đoạn công nghiệp lớn của thế giới. Trong khi mỗi khoảnh khắc người cựu quân nhân kể với tôi về quá khứ vàng son tại Viện Bảo tàng Công nghệ ở thành phố Malmö (Thụy Điển) thì cách đó không xa, tại Lund, hàng ngàn kỹ sư của nhà máy Tetra Pak đang tham vọng biến giấc mơ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 một lần nữa trở thành niềm tự hào của người châu Âu.
Tập đoàn Tetra Pak (Thụy Điển) ra đời năm 1951, đến nay đã có cơ sở hoạt động tại 165 quốc gia trên thế giới. |
Tại nơi chứa đựng cảm hứng bất tận của hàng triệu hộp giấy đủ hình dạng và màu sắc, cô nhân viên xinh đẹp của Công ty Tetra Pak mời tôi một ly vang nồng nàn, loại vang từ Argentina không phải được đóng chai thủy tinh như thường thấy, mà từ chiếc hộp giấy màu đỏ tím trông đẹp mắt, với lý giải mùi vị được cất giữ hoàn hảo ngay cả khi được đóng trong loại hộp giấy này. Trên kệ là hàng ngàn mẫu hộp giấy thực phẩm, thức uống đủ mọi hình dáng, màu sắc bắt mắt người xem, trong đó có cả đại diện đến từ Việt Nam: hộp sữa giấy Vinamilk.
Tetra Pak là đối tác quan trọng của Vinamilk trong dự án siêu nhà máy sữa mega được xây dựng cách đây vài năm được xem là lớn nhất Đông Nam Á. Công ty hàng đầu thị trường chứng khoán Việt Nam này được biết đến với siêu nhà máy sữa vận hành hoàn hảo với công nghệ không nhân công, chỉ sử dụng robot, dẫn đầu ứng dụng công nghệ 4.0. Tetra Pak không chỉ đơn giản là nhà cung ứng bao bì sản phẩm cho Vinamilk, họ còn là đơn vị duy nhất trên thế giới triển khai các giải pháp tích hợp về công nghệ trong nhà máy để chế biến, đóng gói, phân phối và sản xuất thực phẩm.
Vì sao Tetra Pak là câu chuyện cảm hứng cho các công ty có lịch sử lâu đời trước bản lề của giai đoạn công nghiệp 4.0? Kinh nghiệm của họ trong việc chuyển đổi mô hình kinh doanh mới có thể là bài học tham chiếu cho các công ty khác hay không?
Là doanh nghiệp tư nhân không niêm yết, Tetra Pak ghi dấu ấn quan trọng trong ngành công nghiệp thực phẩm khi trở thành đơn vị cung ứng lớn nhất thế giới hệ thống đóng gói thực phẩm dạng lỏng (sữa, các loại nước và các sản phẩm khác) khởi đầu từ những năm 1950. Đến năm 1991, Công ty đã mở rộng sang cung cấp thiết bị chế biến thực phẩm dạng lỏng, thiết bị nhà máy và thiết bị sản xuất phô mai, sau đó là hoàn thiện việc cung ứng giải pháp chế biến cho 5 loại thực phẩm là sữa, phô mai, kem, nước giải khát và thực phẩm chế biến sẵn.
Nhà sáng lập Tetra Pak - Ruben Rausing: “Bao bì phải mang đến nhiều giá trị hơn chi phí làm ra nó”. |
Đã có hơn 160 quốc gia đang sử dụng bao bì Tetra Pak, cùng với 55 nhà máy sản xuất, 24.800 nhân viên, 368 thiết bị đóng gói và 2.266 thiết bị chế biến được Tetra Pak cung cấp cho khách hàng. Chỉ riêng năm 2017, doanh thu của hãng này đạt 11 tỉ euro. Khi nhà sáng lập Ruben Rausing nói: “Bao bì phải mang đến nhiều giá trị hơn chi phí làm ra nó”, điều đó cũng có ý nghĩa Tetra Pak cũng buộc phải chuyển đổi tầm nhìn kinh doanh trước sức ép của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như bao ông lớn khác để giữ vững ngai vị.
Có nhiều cách để biến mình thành “công ty 4.0” và Tiến sĩ Ruben cũng có cách riêng của ông. Tư duy của ông Ruben hay của Tetra Pak không khó để nhận ra ngay trong chính từng nhân viên Công ty. Một số công ty chuyển đổi mô hình 4.0 bằng cách công nghệ hóa mọi dây chuyền sản xuất và phân phối, một số khác thì nỗ lực tận dụng chất xám trẻ cho các hoạt động ứng dụng sáng kiến công nghệ. Với Tetra Pak, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bên cạnh vai trò chính của công nghệ vẫn không thể thiếu vai trò của sự sáng tạo và tư duy bảo vệ môi trường.
Tựu trung, có 3 yếu tố được gọi là các “nguyên tố 4.0” của Tetra Pak gồm công nghệ, sáng tạo và môi trường.
Về công nghệ, tôi cố gắng lắng nghe và trải nghiệm sự giải thích không dễ hiểu của một kỹ sư tại bộ phận vận hành kỹ thuật thuộc nhà máy Tetra Pak ở Lund (Thụy Điển), đề cập đến những thứ thời thượng như internet vạn vật (Internet of Things - IoT), dữ liệu lớn (Big Data), phân tích dữ liệu (Data Analytics), ERP, trí tuệ nhân tạo (A.I) và những gì tương tự đang ứng dụng tại Tetra Pak. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên nhất là sự trải nghiệm hệ thống sản xuất của toàn bộ công ty này được nối với nhau ở 4 thứ:
Một là hệ thống truy xuất kỹ thuật cao cho phép nhà sản xuất và người tiêu dùng thế giới biết được một sản phẩm nào đó được tạo ra ở đâu, đi về đâu và nhanh chóng giải quyết khi có sự cố, chúng được tập hợp và lưu trữ trong một dữ liệu khổng lồ với hàng triệu đơn vị sản phẩm nhỏ tại các máy chủ trung tâm của Tetra Pak. Bên cạnh đó là hệ thống “bảo trì tiên đoán” thông qua các dữ liệu mà biết được máy móc của khách hàng nào cần được bảo trì và bảo trì ra sao. Ngoài ra, còn có công nghệ dùng kính thực tế ảo (còn gọi là Hololens) cho phép các kỹ sư, nhân viên vận hành sản xuất khi sử dụng Hololens có thể kết nối với các chuyên gia để đánh giá sự cố nào đó xảy ra theo thời gian thực để tiến hành sửa chữa nhanh nhất. Một thứ thú vị khác nữa là giải pháp “nhà máy thông minh” vận hành không người từ khâu nguyên liệu thô đến phân phối, bên cạnh áp dụng công nghệ “chùm tia điện tử cao tốc” tiên tiến nhất, giúp tiệt trùng hoàn toàn vi khuẩn trên bề mặt bao bì một cách hiệu quả.
Kỹ sư của Tetra Pak sử dụng Hololens (kính thực tế ảo) trong quá trình vận hành sản xuất. |
Các ứng dụng kỹ thuật cao, theo lý giải của Tetra Pak, là nhằm giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh doanh tối đa cũng như giảm tác động đến môi trường nhờ tiết kiệm nguyên liệu, nước, năng lượng trong suốt chu trình sản xuất.
Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, các nhà lãnh đạo Tetra Pak cũng khá thức thời với việc sáng tạo các mô hình kinh doanh mới để tối đa hóa lợi ích cho khách hàng. Vượt khỏi mô hình kinh doanh truyền thống, công ty này đang chủ động mạnh mẽ trong mô hình e-Commerce khi liên kết với các sàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới là Amazon, Alibaba, cũng như các nhà bán lẻ để tham gia quy trình sản xuất, thiết kế, đóng gói và phân phối các sản phẩm tiêu dùng. Đặc biệt hơn, họ còn nỗ lực hợp tác với các doanh nghiệp có quy mô vừa hoặc startup toàn thế giới trong việc cùng nghiên cứu, thử nghiệm sản phẩm mới và cam kết giảm thiểu rủi ro kinh doanh khi hợp tác với loại hình doanh nghiệp này.
Tuy nhiên, chiếc kiềng quan trọng trong chiến lược 4.0 của Tetra Pak mới thật sự tạo nên sự khác biệt và cảm hứng. Đó là sự thoát ly khỏi những lý thuyết cũ về phát triển bền vững để tạo nên dung mạo mới đầy đủ hơn về một công ty bền vững có cốt lõi từ chiến lược sử dụng hợp lý và bảo tồn môi trường.
Hàng chục bài thuyết trình trong nhiều giờ tại Tetra Pak ở Thụy Điển báo cáo rõ nét hiệu suất đạt được với nhiều con số ấn tượng như giảm được khoảng 20% khí thải carbon, 40% nguồn nước sử dụng trong sản xuất, 30% lượng điện được giảm trong quy trình sản xuất, tiết kiệm được 500.000 euro mỗi năm. Tetra Pak xây dựng 4 tiêu chuẩn vận hành bền vững theo cách riêng của họ.
Tetra Pak xây dựng 4 tiêu chuẩn vận hành bền vững theo cách riêng của họ. |
Thứ nhất là chính sách “chỉ tiêu an toàn thực phẩm” với việc hợp tác với các tổ chức lương nông thế giới trong việc đảm bảo nguồn nước, thực phẩm đóng hộp được an toàn nhất và có khả năng truy xuất nguồn gốc tuyệt đối. Thứ 2 là “sử dụng nguồn nguyên liệu có trách nhiệm” với việc áp dụng chứng chỉ bảo vệ rừng quốc tế FSC trong khai thác nguyên liệu, sử dụng loại giấy từ rừng được trồng có kiểm soát, đưa 18 tỉ hộp có chứng nhận FSC (năm 2011) lên 92 tỉ hộp (năm 2017). Riêng tại Việt Nam, 100% hộp giấy Tetra Pak được làm từ giấy có chứng nhận FSC. Thứ 3 là “sử dụng sản phẩm tái chế”, theo đó, tăng gấp đôi tỉ lệ tái chế các bao bì đã qua sử dụng, với 430.000 tấn giấy bao bì đã qua tái chế (theo khảo sát của Tetra Pak, 81% người tiêu dùng quan tâm đến các sản phẩm có yếu tố tái chế). Thứ 4 là “bảo vệ nguồn năng lượng tự nhiên” với việc giảm tối đa phát thải carbon, hướng đến sử dụng 100% năng lượng xanh thay thế cho sản xuất đến năm 2030.
Câu chuyện Tetra Pak vẫn sẽ được viết tiếp, với tư duy kinh tế, khoa học tồn tại và phát triển song song trong sứ mệnh của công ty này và linh hồn của nó là Tiến sĩ Ruben. Thụy Điển được biết đến là đất nước của những công trình vĩ đại, đặc biệt là giải thưởng Nobel và nhiều thương hiệu hùng mạnh trong lĩnh vực công nghệ cao. Những doanh nhân như Tiến sĩ Ruben, người đã từng theo học kinh tế giai đoạn cuối Thế chiến I và được công nhận như một nhà khoa học, có lẽ thấu hiểu rõ ràng nhất là dù ở giai đoạn kinh tế nào thì tích lũy tư bản bền vững không thể tách rời tư duy bảo tồn thế giới tự nhiên.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư