10 năm startup Việt: Thăng hoa từ những thất bại
Ảnh: minh hoạ
Startup công nghệ Việt Nam cũng giống như nhiều thị trường non trẻ khác, khi chưa có một hệ sinh thái hoàn chỉnh thì bài học từ những người đi trước là chất xúc tác tốt nhất để tạo ra các thế hệ startup mạnh mẽ và sắc sảo hơn.
CÚ SỐC ĐẦU TIÊN
8 giờ sáng những ngày cuối năm 2012, con đường Xa lộ Hà Nội, quận 2 (TP.HCM) bỗng dưng đông đúc hơn bình thường khi có ít nhất trăm con người bao gồm nhân viên, đối tác tập trung ở trụ sở của Nhóm Mua. Nguyên nhân là chỉ mới mấy ngày trước, công ty kinh doanh theo mô hình mua theo nhóm (group buying) này đột ngột dừng hoạt động khiến người tiêu dùng không thể sử dụng voucher mua từ website ở các cửa hàng đối tác.
Sự việc diễn ra chỉ sau hơn 1 năm chủ sở hữu Nhóm Mua là MJ Group nhận đầu tư 60 triệu USD, một trong những thương vụ tạo nhiều tiếng vang đối với các công ty công nghệ nội địa lúc bấy giờ.
Với tiềm lực tài chính dồi dào, cùng việc giữ 60% thị phần group buying Việt Nam (theo công bố của Công ty) trước đó, khó mà tin được những việc diễn ra với Nhóm Mua chỉ một thời gian ngắn sau đó.
Nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ của Nhóm Mua là ảnh hưởng từ cha đẻ của mô hình này - Groupon (Mỹ). Giá cổ phiếu Công ty giảm 80% ngay sau khi IPO được 1 năm, từ 20 USD/cổ phiếu xuống còn chưa tới 3 USD/cổ phiếu.
Giá cổ phiếu Công ty Groupon giảm 80% ngay sau khi IPO được 1 năm. |
Từng được định giá quá tay lên đến hơn 6 tỉ USD vì mô hình kinh doanh sáng tạo thời điểm đó khi người mua có thể được giảm giá tới 90% số tiền cần phải bỏ ra để mua sản phẩm miễn là có đủ số người mua sản phẩm đó cùng mình.
Groupon tìm kiếm nhà cung cấp dịch vụ để đăng tải lên trang web của mình. Các sản phẩm đăng tải trên trang web của Groupon rất đa dạng, từ những thẻ học lớp yoga cho tới mỹ phẩm, bất kỳ thứ gì hợp pháp mà người tiêu dùng quan tâm.
Người mua sẽ xem trên website Groupon có sản phẩm nào phù hợp và lôi kéo bạn bè tham gia. Thời điểm đó sức mạnh của sự lan tỏa này ngang ngửa tính năng chia sẻ trên các mạng xã hội phổ biến nhất ngày nay. Chính vì thế, Groupon vừa thúc đẩy doanh số vừa được xem là mô hình tiếp thị kiểu mới đối với doanh nghiệp.
Nhưng càng lớn mạnh Groupon càng lộ ra các điểm yếu chết người. Mặc dù doanh thu 9 tháng đầu năm 2012 của Groupon vẫn tốt, đạt 850 triệu USD nhưng nhiều người bắt đầu từ bỏ dịch vụ này. Đầu tiên là doanh nghiệp nhận ra khách hàng đến với họ thông qua Groupon không phải là những người trung thành, tức là họ chỉ đến khi thương hiệu đó có giảm giá mạnh. Về phía khách hàng, họ nhận ra dịch vụ doanh nghiệp thật kinh khủng do tập trung quá nhiều người sử dụng voucher giảm giá cùng lúc.
Sự lung lay của đơn vị hàng đầu ở Mỹ khiến người đi theo như Nhóm Mua không tránh khỏi bị ảnh hưởng, kéo cả thị trường group buying ở Việt Nam khủng hoảng theo. Từ hàng trăm website mua theo nhóm rút xuống còn vài chục chỉ trong thời gian ngắn và hiện nay là biến mất hoàn toàn.
Bên cạnh ảnh hưởng chính từ mô hình gốc, các công ty Việt Nam còn bị hạn chế bởi thói quen thanh toán trực tuyến và hạ tầng giao nhận thời điểm đó chưa mạnh mẽ khiến các công ty không thể tối ưu chi phí hoạt động. Quan trọng hơn, đó là cái giá phải trả cho việc sao chép một mô hình thành công ở nước ngoài nhưng không phù hợp với điều kiện hạ tầng công nghệ ở Việt Nam.
Nhưng theo ông Phan Minh Tâm, Chủ tịch STI, quỹ nội địa chuyên đầu tư vào các startup ứng dụng công nghệ vào mô hình truyền thống, cho rằng thất bại của các doanh nghiệp đi trước là chất xúc tác cho nhóm tiếp theo phát triển. Thực vậy, sự sụp đổ của Nhóm Mua là nền tảng cho các công ty giao nhận thương mại điện tử nội địa hình thành như Giao Hàng Nhanh (năm 2012), Giao Hàng Tiết Kiệm (năm 2013).
Các ví điện tử cũng bắt đầu được chú ý nhiều hơn như MoMo, ZaloPay và bắt đầu phát huy mạnh mẽ vai trò của dịch vụ thanh toán trung gian khi Grab gia nhập Việt Nam vào đầu năm 2014, mở đầu cho cuộc đua ứng dụng gọi xe chỉ 1 năm sau đó.
BÀI HỌC THỨ 2
Tháng 3/2019, một "bom tấn" tương tự Groupon trở thành "bom xịt" là OYO, công ty chia sẻ khách sạn được đầu tư bởi quỹ Vision của SoftBank (Nhật). OYO thậm chí còn được định giá gần gấp đôi Groupon và bị các nhà đầu tư cho rằng Công ty đã bị bơm thổi quá mức.
Việc mở rộng nhanh chóng trong thời gian ngắn khiến công ty này không thể quản lý nổi dẫn đến các khoản thua lỗ ngày càng nhiều, đưa nó rời xa viễn cảnh tươi sáng mà SoftBank đã vẽ ra cho nhà đầu tư. Đó là điều không hề tốt đối với quỹ này khi trước đó, một kỳ lân kinh tế chia sẻ khác của SoftBank là WeWork (chia sẻ văn phòng - coworking space) cũng gặp bài toán tương tự.
Cùng với dịch bệnh diễn ra, những startup kinh tế chia sẻ từng được ví như cơ hội đón đầu làn sóng kinh doanh mới trở thành các công ty đốt tiền đổi tăng trưởng và bị định giá quá mức. Nhà đầu tư giờ đây quay trở lại các công ty tăng trưởng thực, không được bơm tiền mà vẫn sống tốt.
Khi nguồn vốn vào kinh tế chia sẻ bị tắc trên toàn cầu, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Cùng với ảnh hưởng của dịch bệnh, hàng loạt cái tên như Luxstay (chia sẻ phòng khách sạn), GoFast (chia sẻ xe), WeFit (chia sẻ phòng tập)… điêu đứng.
Nhưng cũng như lần trước, khi các doanh nghiệp này ngã xuống lại được những doanh nghiệp khác tận dụng bài học để vươn lên. Chia sẻ xe là mô hình giúp hình thành nền tảng gọi thức ăn như hiện nay, một dịch vụ không thể thực hiện từ trước năm 2015.
Trong một lần chia sẻ với Nhịp Cầu Đầu Tư cách đây 6 năm, ông Đặng Hoàng Minh, người sáng lập dịch vụ Deliverynow (hiện nay là Now), cho biết giao thức ăn là mô hình cực kỳ phức tạp.
Do thức ăn khó bảo quản, lại diễn ra vào các giờ cao điểm trong ngày nên cần một lượng lớn nhân viên phục vụ nhưng sau đó lại không có nhu cầu. Nếu làm theo mô hình truyền thống, sẽ dẫn đến tình trạng không đủ nhân viên đáp ứng, còn thuê mướn nhiều hơn nhu cầu thì khó có thể có lời. Việc rời bỏ thị trường Việt Nam và khu vực của Foodpanda (thuộc Rocket Internet) là một minh chứng.
Kinh tế chia sẻ là lời giải duy nhất cho các bài toán này, khi số lượng tài xế có thể “co giãn” theo nhu cầu và không phải là một lao động toàn thời gian của công ty. Không chỉ giải bài toán về thức ăn, mô hình này cũng được sử dụng để giao hàng trong ngày (on-demand delivery, từ 2-3 tiếng) điển hình như Ahamove của Scommerce (đơn vị chủ quản Giao Hàng Nhanh).
Kinh tế chia sẻ là lời giải duy nhất cho bài toán số lượng tài xế có thể “co giãn” theo nhu cầu và không phải là một lao động toàn thời gian của công ty. |
Thậm chí Loship còn cung cấp cả dịch vụ giao nhận cho các nhà cung cấp nguyên liệu sỉ ở Việt Nam bằng xe máy. Giá trị trung bình mỗi đơn hàng cao, cùng tính địa phương hóa cao đã giúp Loship hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư.
Tương tự như vậy với mô hình chia sẻ văn phòng, các startup Việt Nam lại tìm ra con đường riêng cho mình. Điển hình như Toong. Theo CBRE, đại dịch COVID-19 khiến nhiều chủ đất (tòa nhà văn phòng, khách sạn) toàn cầu muốn phân bố ít nhất 20% diện tích tòa nhà hiện tại cho các công ty cung cấp không gian làm việc chung để tối ưu nguồn thu.
Ở Việt Nam, từ năm 2018, Toong đã thực hiện chiến lược này theo mô hình chuỗi, thương vụ hợp tác với Wink Hotels là một điển hình. Theo ông Dương Đỗ, Giám đốc Điều hành Toong, việc hợp tác giữa 2 bên trên thực tế là không dễ vì các doanh nghiệp coworking space có những công thức khá cứng về tiêu chuẩn mặt bằng mà họ có thể triển khai dịch vụ.
Trong khi đó, với những mặt bằng trong khách sạn, đòi hỏi phải có một quy hoạch không gian và dịch vụ cho tối ưu không chồng lấn với tiện ích của khách sạn và liên kết chặt chẽ với những tiện ích và dịch vụ khác trong khách sạn đó.
Không nhiều nhà phát triển coworking space dành thời gian để tìm giải pháp cho những dự án nằm ngoài công thức chuẩn của họ. Vì vậy, nhiều đơn vị không làm được hoặc có làm nhưng không xem đây là sản phẩm kinh doanh độc lập, mà chỉ là tiện ích của khách sạn.
“Quan trọng là làm sao tạo sự cộng hưởng trong trải nghiệm của cả khách lưu trú tại khách sạn và làm việc trong không gian coworking space, song song đó là đảm bảo hiệu quả về mặt tài chính của mỗi bên”, ông Dương Đỗ nói.
Trải qua 2 biến động lớn, có thể thấy cho đến thời điểm hiện tại, các startup công nghệ ở Việt Nam vẫn đi theo xu hướng công nghệ chung của thế giới nhưng tính “tùy biến” đang ngày một cao hơn để tạo ra các doanh nghiệp có lợi thế độc bản.
Các startup công nghệ ở Việt Nam vẫn đi theo xu hướng công nghệ chung của thế giới nhưng tính “tùy biến” đang ngày một cao hơn. |
Rất có thể trong tương lai sẽ còn có các thương vụ như Groupon, OYO hay WeWork diễn ra và các startup Việt Nam cũng khó thoát khỏi vạ lây từ thế giới nhưng có một điều chắn chắn rằng tính bản địa của họ ngày càng cao hơn, tạo ra các thị trường mới mà chỉ có họ có thể khai phá.
Thực tế cho thấy nguồn vốn đầu tư công nghệ đổ vào Việt Nam vẫn tăng mạnh hằng năm sau các thất bại của Nhóm Mua, WeFit… Thậm chí so với 10 năm trước, Việt Nam đã xuất hiện 4 kỳ lân (có nhà sáng lập là người Việt Nam) và hàng chục doanh nghiệp có mức định giá mà các công ty truyền thống không thể đạt được trong 10 năm đầu tiên.
Bà Quỳnh Võ, Giám đốc Phát triển Zone Startups Việt Nam, cho biết thị trường sẽ sớm xuất hiện các startup nội địa xây được những rào cản gia nhập ngành mạnh mẽ. “Không chỉ hạn chế ảnh hưởng của các công ty công nghệ toàn cầu mà các startup Việt Nam còn có thể đóng vai trò là đối tác của họ”, bà Quỳnh Võ nói.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư