Hủy
Phát triển bền vững

Chủ quyền xanh

Phạm Việt Anh Thứ Tư | 28/05/2025 11:36

Các dự án chuyển đổi xanh thường được trình bày như giải pháp đôi bên cùng có lợi: bảo vệ môi trường đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ảnh: shutterstock.com.

 
 
Góc nhìn chuyển đổi công bằng nhằm đảm bảo rằng sự chuyển đổi sang nền kinh tế xanh không gây tổn hại cho các nhóm dễ bị tổn thương.

Khi biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, các chương trình chuyển đổi xanh đã trở thành tâm điểm trong các cuộc tranh luận quốc tế. Từ Thỏa thuận Xanh châu Âu đến các sáng kiến tín chỉ carbon, thế giới đang nỗ lực hướng tới một tương lai bền vững. Tuy nhiên, đằng sau những cam kết cao cả này, nhiều dự án ở châu Phi, Đông Nam Á và Nam Á bị cáo buộc là “tẩy xanh”, phản ánh hoài nghi về sự trở lại của mô hình “Phụ thuộc tân thuộc địa” (Neocolonism Dependence Model). 

Những bài học chuyển đổi xanh

Các dự án như khai thác niken ở Indonesia, hay Blue Carbon ở Liberia bị chỉ trích vì đặt lợi ích của các doanh nghiệp nước ngoài lên trên nhu cầu của cộng đồng địa phương. Dù vậy, một số ý kiến cho rằng, nếu được quản lý công bằng và minh bạch, các dự án này có thể mang lại lợi ích môi trường và kinh tế. Bài viết này xem xét các sáng kiến chuyển đổi xanh ở châu Phi, Đông Nam Á và Nam Á, khám phá lý tưởng và thực tế của chuyển đổi công bằng ở châu Phi, đồng thời gợi ý các bài học cho Việt Nam trong hành trình đạt mục tiêu net zero vào năm 2050.

Các dự án chuyển đổi xanh thường được trình bày như giải pháp đôi bên cùng có lợi: bảo vệ môi trường đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, lịch sử đã chứng minh, không hiếm dự án dựa trên những lời lẽ tiến bộ có thể che giấu sự khống chế kinh tế. Ở châu Phi, dự án Blue Carbon, do một công ty có trụ sở tại UAE điều hành, là một ví dụ điển hình. Công ty này đã đạt được các thỏa thuận để kiểm soát những khu vực rừng rộng lớn ở Liberia, Zimbabwe, Kenya, Tanzania và Zambia để ngoại bù carbon (carbon offsetting).

Blue Carbon kiểm soát 10% diện tích đất của Liberia trong khi Zimbabwe đã nhượng 20% lãnh thổ. Những con số đáng kinh ngạc này bị lu mờ bởi sự thiếu minh bạch. Các nhà hoạt động địa phương ở Liberia cho rằng các thỏa thuận này cướp đi quyền sử dụng đất truyền thống của họ.

Ở Kenya, cộng đồng Ogiek ở Rừng Mau đã bị trục xuất để nhường chỗ cho các dự án bù đắp carbon, với những ngôi nhà bị phá hủy trong hành động mà các lãnh đạo cộng đồng mô tả là vô nhân đạo. Những ví dụ này cho thấy các dự án xanh có thể trở thành phương tiện chiếm đất, củng cố mô hình phụ thuộc tân thuộc địa, nơi các quốc gia đang phát triển chỉ đóng vai trò cung cấp tài nguyên môi trường. Một số quan chức ở Zambia cho rằng các dự án này cung cấp nguồn tài trợ rất cần thiết, cho phép đầu tư vào cơ sở hạ tầng và dịch vụ công. Ở Tanzania, các sáng kiến bảo tồn đã tạo ra việc làm tạm thời, như kiểm lâm hoặc lao động trồng cây, mặc dù lợi ích dài hạn vẫn còn hạn chế. 

Tương tự, African Forestry Impact Platform (AFIP), được Ngân hàng Phát triển châu Phi hỗ trợ, tìm cách thúc đẩy lâm nghiệp bền vững ở Ethiopia, Kenya và Tanzania. Nền tảng này cung cấp vốn dài hạn cho ngành lâm nghiệp và sử dụng công nghệ giám sát rừng tiên tiến. Trên thực tế, các dự án này thường gây ra tranh chấp đất đai. Ở Tanzania, đất nông nghiệp đã bị chuyển đổi thành đồn điền cây trồng, gây ra bất ổn xã hội. Việc sử dụng các loài cây không bản địa cũng gây hại cho đa dạng sinh học.

Đập Nam Theun 2 ở Lào là một trường hợp gây tranh cãi khác khi đã khiến hàng ngàn người phải di dời và làm xáo trộn hệ sinh thái sông Mekong, ảnh hưởng đến nghề cá mà hàng triệu người phụ thuộc. Ở Nam Á, nỗ lực trồng rừng của Shell tại Ấn Độ cũng bị chỉ trích vì chiếm đất nông nghiệp, đe dọa nguồn cung lương thực và che giấu việc Công ty tiếp tục khai thác nhiên liệu hóa thạch. Cam kết dài hạn của Shell đối với sáng kiến bền vững có thể giúp Ấn Độ đạt được các mục tiêu khí hậu vẫn còn là dấu hỏi.

Dù các mỏ niken tạo ra một số việc làm, đóng góp vào GDP của Indonesia và hỗ trợ cơ sở hạ tầng như đường xá, cảng biển, khai thác niken ở Sulawesi bị chỉ trích vì ô nhiễm và tranh chấp đất đai. Bất chấp việc được được gắn mác “xanh” vì hỗ trợ ngành công nghiệp xe điện, các mỏ này gây ra ô nhiễm nguồn nước, phá hủy hệ sinh thái rừng và làm gia tăng căng thẳng với cộng đồng địa phương do chiếm đất nông nghiệp và đất truyền thống.

Khái niệm chuyển đổi công bằng nhằm đảm bảo rằng sự chuyển đổi sang nền kinh tế xanh không gây tổn hại cho các nhóm dễ bị tổn thương. Ở châu Phi, lý tưởng này yêu cầu bảo vệ quyền đất đai, phân phối lợi ích công bằng, tạo việc làm bền vững và xây dựng năng lực địa phương. Trên thực tế, các dự án như Blue Carbon và Rừng Mau thường vi phạm quyền đất đai và phân phối lợi ích không công bằng. Cộng đồng địa phương chỉ nhận được việc làm tạm thời, trong khi lợi nhuận từ tín chỉ carbon và khai thác khoáng sản chảy ra nước ngoài. Tuy nhiên, có những mô hình thành công như dự án bảo tồn rừng ngập mặn Mikoko Pamoja ở Kenya, do cộng đồng quản lý, tạo ra thu nhập từ tín chỉ carbon và cải thiện sinh kế...

Ở châu Phi, khái niệm chuyển đổi công bẳng yêu cầu bảo vệ quyền đất đai, phân phối lợi ích công bằng, tạo việc làm bền vững và xây dựng năng lực địa phương.
Ở châu Phi, khái niệm chuyển đổi công bẳng yêu cầu bảo vệ quyền đất đai, phân phối lợi ích công bằng, tạo việc làm bền vững và xây dựng năng lực địa phương. Ảnh: TL.

Chủ quyền lương thực và chủ quyền năng lượng trong chuyển đổi xanh

Chủ quyền lương thực và chủ quyền năng lượng (Food and Energy Sovereignty) là 2 yếu tố cốt lõi để đảm bảo an ninh quốc gia và khả năng tự chủ trong bối cảnh chuyển đổi xanh. Chủ quyền lương thực đề cập đến khả năng của một quốc gia trong việc tự cung cấp thực phẩm đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân mà không phụ thuộc quá mức vào nhập khẩu. Trong khi đó, chủ quyền năng lượng nhấn mạnh việc kiểm soát và đảm bảo nguồn cung năng lượng bền vững, giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu và tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo trong nước.

Trong bối cảnh chuyển đổi xanh, các dự án như trồng rừng để thương mại hóa tín chỉ carbon thường có nguy cơ xung đột giữa mục tiêu môi trường, an ninh và chủ quyền lương thực. Việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang các đồn điền cây trồng hoặc khu công nghiệp xanh có thể làm giảm diện tích đất canh tác, đe dọa nguồn cung lương thực. Để đảm bảo chủ quyền lương thực, Việt Nam cần thực hiện đánh giá tác động toàn diện trước khi chuyển đổi đất nông nghiệp, ưu tiên các mô hình nông nghiệp bền vững như canh tác hữu cơ hoặc nông - lâm kết hợp và hỗ trợ nông dân tiếp cận công nghệ để tăng năng suất mà không gây hại cho môi trường.

Chi phí - lợi ích trong chuyển đổi công bằng

Chuyển đổi xanh mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng đi kèm chi phí đáng kể, đòi hỏi phân tích cẩn thận để đảm bảo cân bằng giữa các yếu tố môi trường, kinh tế và xã hội. Lợi ích của chuyển đổi xanh bao gồm giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện chất lượng không khí, bảo vệ đa dạng sinh học và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua các ngành công nghiệp mới như năng lượng tái tạo hay xe điện. 

Tuy nhiên, chi phí của chuyển đổi xanh có thể rất lớn, đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Các dự án năng lượng tái tạo đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu cao, công nghệ tiên tiến và cơ sở hạ tầng hiện đại, trong khi Việt Nam vẫn phụ thuộc vào các khoản vay quốc tế. Ví dụ, đập Nam Theun 2 ở Lào cho thấy gánh nặng nợ có thể làm suy yếu nền kinh tế nếu không được quản lý tốt. Ngoài ra, chi phí xã hội, như mất đất đai, di dời cộng đồng hoặc mất việc làm trong các ngành công nghiệp truyền thống (như khai thác than) có thể gây bất ổn xã hội. Ở Sulawesi, Indonesia, việc khai thác niken cho xe điện đã tạo ra việc làm nhưng lại gây ô nhiễm và tranh chấp đất đai, làm gia tăng căng thẳng cộng đồng.

Về chuyển đổi công bằng, lợi ích nằm ở việc đảm bảo các nhóm dễ bị tổn thương, như người dân bản địa, nông dân và lao động trong các ngành công nghiệp truyền thống, không bị bỏ lại phía sau. Các dự án như Mikoko Pamoja ở Kenya cho thấy mô hình do cộng đồng quản lý có thể tạo thu nhập ổn định và cải thiện sinh kế. Tuy nhiên, chuyển đổi công bằng phải bao gồm việc thiết lập các cơ chế tham vấn cộng đồng, xây dựng hệ thống chia sẻ lợi ích minh bạch và đào tạo kỹ năng cho lao động để chuyển đổi sang các ngành công nghiệp mới. Những chi phí này đòi hỏi nguồn lực tài chính và nhân lực đáng kể, đặc biệt ở các quốc gia có nguồn lực hạn chế, do đó phải tận dụng được hỗ trợ quốc tế.

Khuyến nghị cho Việt Nam

Việt Nam, với mục tiêu net-zero vào năm 2025, có thể học hỏi nhiều từ những kinh nghiệm của các quốc gia khác. Các dự án như Blue Carbon nhấn mạnh sự cần thiết của sự đồng thuận cộng đồng. Gánh nặng nợ của Lào và Zambia nhấn mạnh sự cần thiết của việc quản lý cẩn thận các khoản vay xanh, ưu tiên đầu tư trong nước và các điều khoản ưu đãi. Việt Nam cũng nên ưu tiên các loài bản địa và công nghệ thân thiện với môi trường để tránh mất đa dạng sinh học như ở AFIP và Sulawesi... Để đảm bảo chuyển đổi xanh và chuyển đổi công bằng thành công, Việt Nam cần:

1. Tăng cường chủ quyền lương thực: Xây dựng chính sách bảo vệ đất nông nghiệp, thúc đẩy nông nghiệp bền vững và hỗ trợ nông dân tiếp cận công nghệ hiện đại. Nông nghiệp bền vững thì không chỉ mỗi xanh. Do đó, các dự án xanh cần được đánh giá tác động đến an ninh lương thực, chủ quyền lương thực, tránh lệ thuộc vào nguồn giống ngoại nhập trước khi triển khai.

2. Đẩy mạnh chủ quyền năng lượng: Đầu tư vào năng lượng tái tạo, phát triển công nghệ lưu trữ năng lượng và tăng cường hợp tác khu vực để đa dạng hóa nguồn cung. Đảm bảo các dự án năng lượng tái tạo tôn trọng quyền đất đai và chia sẻ lợi ích với cộng đồng địa phương. Về dài hạn, năng lượng hạt nhân là trụ cột quan trọng không thể thiếu trong rổ năng lượng quốc gia.

3. Phân tích lợi ích - chi phí toàn diện: Thiết lập các khung đánh giá tác động môi trường, kinh tế và xã hội cho mọi dự án xanh. Ưu tiên dự án mang lại lợi ích dài hạn và giảm thiểu chi phí xã hội, như mất đất hoặc bất bình đẳng kinh tế.

4. Ưu tiên chuyển đổi công bằng: Xây dựng cơ chế tham vấn cộng đồng minh bạch, đảm bảo tiếng nói của người dân bản địa và nông dân được lắng nghe. Đầu tư vào đào tạo kỹ năng và tạo việc làm bền vững cho lao động trong các ngành công nghiệp xanh.

5. Giảm phụ thuộc quốc tế: Tăng cường nghiên cứu và phát triển công nghệ trong nước, như tại Đại học Bách khoa Hà Nội, để giảm sự phụ thuộc vào công nghệ và vốn nước ngoài. Đàm phán các khoản vay xanh với điều khoản ưu đãi để tránh gánh nặng nợ, từng bước đạt mục tiêu chủ quyền công nghệ. 

Những khuyến nghị này sẽ giúp Việt Nam cân bằng giữa mục tiêu môi trường và nhu cầu kinh tế - xã hội, đảm bảo chuyển đổi xanh không chỉ bền vững mà còn công bằng, tôn trọng quyền lợi của tất cả các bên liên quan.

Có thể thấy, chủ quyền lương thực và chủ quyền năng lượng nhấn mạnh khả năng tự chủ, kiểm soát của một quốc gia trong việc sản xuất và cung cấp lương thực hoặc năng lượng để đáp ứng nhu cầu nội địa, giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Trong khi đó, an ninh lương thực và an ninh năng lượng tập trung vào việc đảm bảo cung cấp đủ lương thực và năng lượng một cách ổn định, an toàn, bất kể nguồn gốc (nội địa hay nhập khẩu), đồng thời giảm thiểu rủi ro do gián đoạn.

Các dự án chuyển đổi xanh ở các quốc gia còn nghèo và đang phát triển mang lại cả cơ hội lẫn thách thức. Những cáo buộc về tẩy xanh từ Blue Carbon đến khai thác niken ở Sulawesi, cho thấy các sáng kiến này có thể làm sâu sắc thêm bất bình đẳng toàn cầu. Tuy nhiên, khả năng bảo vệ rừng, thúc đẩy việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế của chúng không thể bị phủ nhận, miễn là chúng được quản lý công bằng và minh bạch. 

Rõ ràng, không có hệ sinh quyển bền vững thì không thể có nền kinh tế bền vững. Và không hệ sinh quyển bền vững nào có thể tách rời khỏi vấn đề chủ quyền tài nguyên, lương thực và năng lượng của quốc gia.

Với những khát vọng xanh năm 2050 của mình, Việt Nam có thể học hỏi những thành công và cả những sai lầm để xây dựng một kế hoạch chuyển đổi công bằng, ưu tiên cộng đồng, bảo vệ môi trường và tăng cường tự chủ - chủ quyền với lương thực, năng lượng công nghệ và tài chính. Chuyển đổi xanh không chỉ là một mục tiêu môi trường mà còn là cơ hội để xây dựng một tương lai công bằng và bền vững cho tất cả.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới