Dệt may chuyển đổi xanh để giữ thị trường
Nhiều doanh nghiệp đang tăng tỉ trọng nguyên liệu tái chế, nguyên liệu hữu cơ theo yêu cầu của khách hàng. Ảnh: VGP.
Theo Tổng cục Thống kê, trong 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hàng dệt may chỉ đạt 9,5 tỉ USD, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm trước. Đứng trước sự suy giảm này, nhiều doanh nghiệp đã có những động thái thay đổi mạnh mẽ hơn trước.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang, để thích ứng với sự chuyển đổi từ sản xuất chuyên môn hóa cao sang sản xuất các mặt hàng nhỏ, cạnh tranh, các doanh nghiệp đã tổ chức lại dây chuyền sản xuất, điều chỉnh công nghệ và mô hình kinh doanh phát triển đa dạng hơn. Đặc biệt là phải hướng tới sản xuất dệt may thân thiện với môi trường.
Mới đây, Tập đoàn Hansae (Hàn Quốc) và Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Hà Nội (Hanosimex) hợp tác sản xuất hàng dệt may tái chế tại Việt Nam. Hai bên đưa ra đề xuất xử lý xơ tái chế thành sợi và vải và tất cả các mặt hàng do nhà máy Hanosimex sản xuất sẽ được xuất khẩu. Các chuyên gia trong ngành dự đoán rằng nhu cầu về vải tái chế từ EU sẽ đạt 4.000 tấn.
Một công ty dệt được xây dựng theo hướng thân thiện với môi trường. Ảnh: T.L |
Còn nhà máy may mặc Spectre cũng hoàn thành quá trình xây dựng tại An Giang với chi phí 17 triệu USD. Nhà máy được xây dựng tuân thủ các tiêu chuẩn cao nhất về môi trường và đã được trao chứng nhận vàng LEED về thiết kế xuất sắc trong quản lý năng lượng và môi trường. Nhà máy này cũng sử dụng một phần năng lượng mặt trời để cắt giảm khoảng 1.600 tấn khí thải CO2 hằng năm.
Trong xu hướng đó, một số công ty mạnh tay thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển kinh doanh của riêng mình, nhằm đảm bảo sản xuất các sản phẩm thời trang thân thiện với môi trường.
Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Việt Thắng Jean cho biết, sản phẩm dệt may truyền thống xuất sang thị trường châu Âu có giá khoảng 11 USD/cái, trong khi sản phẩm sử dụng nguyên liệu hữu cơ, hoặc nguyên liệu tái chế, đáp ứng tiêu chí sản xuất bền vững có thể bán được 23 USD/cái. Tuy nhiên, để tăng được giá trị của sản phẩm như vậy, đòi hỏi doanh nghiệp phải minh bạch nguồn gốc chuỗi cung ứng, sẵn sàng cho các yêu cầu tra soát từ các nhãn hàng, đối tác.
Cũng đón nhận cơ hội từ sản xuất bền vững, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Dệt may Trung Quy ở Long An đã xuất được 2 container vải có nguồn gốc sợi hữu cơ cho đối tác Mỹ. Ông Trần Văn Quy, Tổng Giám đốc Công ty cho biết, sản phẩm truyền thống chưa phục hồi đơn hàng song một số đối tác đặt đơn hàng mới cho loại vải có nguồn gốc hữu cơ, nguyên liệu tái chế.
Nhận thấy nhu cầu thị trường có tín hiệu tốt cho dòng sản phẩm mới, Công ty đã phát triển 20 loại vải khác có nguồn gốc hữu cơ, sẵn sàng sản xuất khi khách hàng tăng nhu cầu.
"Với tín hiệu này, chúng tôi có thể tăng trưởng 35-40% trong năm nay. Thuận lợi là nhà máy được đầu tư đồng bộ công nghệ tiên tiến của Đức nên có thể chuyển đổi 100% công suất, sản xuất khoảng 300 tấn vải hữu cơ một tháng theo yêu cầu của nhãn hàng", ông Trần Văn Quy chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm:
Tái sử dụng rơm rạ để tiết kiệm tỉ USD
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư