Định hướng tham gia thị trường carbon của TP.HCM
Cần Giờ có tiềm năng lớn nếu tham gia vào hoạt động trao đổi tín chỉ carbon. Ảnh; T.L
Tại Hội thảo về “Phát triển carbon thấp” do Sở Tài nguyên – Môi trường TP.HCM phối hợp Ngân hàng Thế giới tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết trên địa bàn thành phố hiện có 140 cơ sở lớn hoạt động trong các lĩnh vực năng lượng, xây dựng, công thương cần thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Kế hoạch đô thị carbon thấp ở TP.HCM bao gồm các hoạt động, khuyến nghị và đề xuất hành động cần thiết nhằm đạt mục tiêu phát triển của TP.HCM là phát thải carbon thấp.
Theo PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, lĩnh vực sử dụng đất, thay đổi mục đích sử dụng đất và lâm nghiệp có tiềm năng giảm phát thải lên đến 9,3 triệu tấn CO2. Bên cạnh đó, các dự án trồng rừng, các dự án theo cơ chế phát triển sạch hay các hành động giảm nhẹ biến đổi khí hậu phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMAs) cũng có tiềm năng tạo nguồn tín chỉ carbon để thu hút các doanh nghiệp đầu tư.
Tín chỉ carbon rừng, giảm phát thải khí nhà kính thông qua việc chống mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng đang được xem là nguồn lực mới cho Việt Nam nói chung và TP.HCM (tại huyện Cần Giờ) nói riêng. Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ có tiềm năng lớn nếu tham gia vào hoạt động trao đổi tín chỉ carbon.
Theo tính toán sơ bộ của ThS Bùi Nguyễn Thế Kiệt, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Cần Giờ, TP.HCM, Cần Giờ với tổng diện tích rừng ngập mặn là 75.740ha có thể hấp thụ gần 11 triệu tấn CO2/ha và có giá trị trao đổi CO2 khoảng 77 triệu USD/ha/năm.
Với tiềm lực của mình, TP.HCM không chỉ bán mà còn có thể mua tín chỉ carbon ở các quốc gia khác. Ảnh: Vinpearl |
PGS-TS Nguyễn Hồng Quân, Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng để có thể thúc đẩy phát triển thị trường carbon, TP.HCM cần phải có một nghiên cứu, đánh giá cụ thể về tiềm năng mà các lĩnh vực có thể triển khai để thu hồi carbon. Chẳng hạn như rừng Cần Giờ, các hoạt động nông nghiệp, xử lý chất thải... Sau khi có nghiên cứu, đánh giá tổng thể, phải xác định các lĩnh vực ưu tiên để kêu gọi hợp tác triển khai. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ cũng cần dựa vào tiềm năng của từng nhóm dự án để ban hành cho phù hợp. TP.HCM cũng có thể xin Chính phủ cơ chế đặc thù để phát triển thị trường carbon. Với tiềm lực của mình, TP.HCM không chỉ bán mà còn có thể mua tín chỉ carbon ở các quốc gia khác.
Bổ sung cho quan điểm trên, PGS-TS Phùng Chí Sỹ nhận định: Để phát triển thị trường carbon tại TP.HCM và cả nước, các đơn vị quản lý nhà nước cần xây dựng, ban hành hệ thống kiểm kê khí nhà kính, hệ thống giám sát phát thải khí nhà kính và hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định từ cấp quốc gia cho đến cấp cơ sở phát thải; lộ trình giảm phát thải cho từng ngành, tiểu ngành một cách minh bạch, đầy đủ và phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Cũng theo PGS-TS Phùng Chí Sỹ, doanh nghiệp cần nắm bắt thông tin và chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc tham gia thị trường thông qua việc nâng cao năng lực trong các hoạt động kiểm kê khí nhà kính. Còn Nhà nước cần ban hành đầy đủ quy định về các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.
Có thể bạn quan tâm:
Đầu tư vào năng lượng xanh trong năm 2022 vượt 1.100 tỉ USD
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Thanh Hằng
-
Surajit Rakshit
-
Việt Phong (Tổng hợp)
-
Hằng Nguyễn