Hủy
Phát triển bền vững

Đường xa tới Net Zero

Hải Vân Thứ Bảy | 26/04/2025 13:21

Phát triển kinh tế của Việt Nam vẫn chủ yếu dựa trên các ngành tiêu thụ nhiều năng lượng. Ảnh: shutterstock.com.

 
 
Nỗi ám ảnh về thiếu điện và đảm bảo an ninh năng lượng ở Việt Nam cho thấy một thực tế ít xanh hơn nhiều.

Từ đầu tháng 3, một vùng rộng ở phía Đông Bắc huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận bị bụi đen bao phủ, gây ô nhiễm không khí cho hơn 300 hộ gia đình sinh sống tại xã Vĩnh Tân. Năm nay, không như nhiều năm trước, không khí thường tệ hơn vào tháng 11 khi thời tiết chuyển gió Đông Bắc. Sở Nông nghiệp và Môi trường Bình Thuận chưa thể đưa ra số liệu chính xác về tác động môi trường từ Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân lên các hộ dân sống trong khu vực.

Không địa phương nào muốn đối mặt với rủi ro như vậy. Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân với 5 nhà máy (Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 3, Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng) đang hoạt động, thải ra lượng tro xỉ lên tới 3,8 triệu tấn/năm, phản ánh mối lo ngại của chính quyền địa phương về cơ cấu năng lượng của Việt Nam và những thách thức của chuyển dịch năng lượng.

Khó khăn trong tiêu thụ tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện than khiến một lần nữa Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 được đưa ra làm ví dụ. Ông Lưu Việt Đức, Phó Giám đốc Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, lo ngại rằng việc chỉ sử dụng tro xỉ làm phụ gia xi măng sẽ không tiêu thụ hết lượng tro xỉ phát sinh lên tới 4.500 tấn/ngày, trong khi bãi chứa 4,5 triệu tấn đã gần hết dung lượng.

Các giải pháp giảm khói bụi bằng các biện pháp thủ công, như tưới nước hay phủ bạt, không ngăn cản được hết lượng bụi than và tro xỉ từ Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân phát tán ra môi trường, trong khi tiêu thụ tro xỉ vẫn là nút thắt khó tháo gỡ. Theo dữ liệu của Bộ Xây dựng, lượng tro xỉ được tiêu thụ toàn quốc năm 2024 khoảng 20 triệu tấn, nhưng tổng lượng tro xỉ tại bãi chứa của các nhà máy cũng đã sát ngưỡng 50 triệu tấn. 

Phát triển kinh tế làm tăng nhu cầu điện, đặc biệt vào mùa hè khi không khí ngày càng trở nên oi bức. Nguy cơ thiếu điện vẫn hiện hữu do thiếu các giải pháp hữu hiệu và kịp thời. Việc hạn chế về nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước đang dẫn đến sự phụ thuộc ngày càng tăng vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu, nhất là nhiên liệu cho phát điện. Trong giai đoạn cao điểm mùa khô, từ tháng 3-7/2025, các nhà máy điện thuộc Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3) sẽ cần khoảng 1,75 triệu tấn than để sản xuất 13,84 tỉ kWh điện.

Phát triển kinh tế của Việt Nam vẫn chủ yếu dựa trên các ngành tiêu thụ nhiều năng lượng. Việc phụ thuộc vào 32 nhà máy nhiệt điện than, chiếm hơn 31% công suất và gần 50% tổng sản lượng điện sản xuất tiếp tục làm gia tăng đáng kể lượng khí thải. Năm 2024 lượng khí thải từ các nhà máy điện than đã đạt mức cao kỷ lục với 53,6 triệu tấn CO2, theo báo cáo của Ember, tổ chức tư vấn về khí hậu và năng lượng của Anh.

Một trong những biện pháp quan trọng nhằm giảm phát thải CO2 là giảm đốt than để sản xuất điện, chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo. Theo Quy hoạch điện VIII, Việt Nam chỉ thực hiện các dự án nhiệt điện than đã có trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh và bắt đầu từ năm 2030, không xây dựng nhà máy điện than mới. Cơ cấu sử dụng nguồn điện than sẽ giảm dần, tới năm 2050 sẽ không còn sử dụng than để sản xuất điện. Quá trình này sẽ giải quyết căn bản vấn đề tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện than hiện nay. Bộ Xây dựng đã ban hành 17 tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến sử dụng tro xỉ làm vật liệu xây dựng. Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, chỉ cần là tro xỉ đạt yêu cầu thì có thể tiêu thụ được 10 triệu tấn/năm.

Phát thải từ năng lượng giữ tỉ trọng lớn trong tổng lượng phát thải quốc gia và đóng vai trò quyết định trong việc thực hiện các mục tiêu giảm phát thải của Việt Nam trong tương lai. Theo giới quan sát, Việt Nam không muốn rơi vào thế bị động về an ninh năng lượng nếu chuỗi cung ứng toàn cầu xáo trộn vì yếu tố bên ngoài. Những biến động quốc tế gần đây, như suy thoái kinh tế, chiến sự Ukraine... càng củng cố thêm quyết tâm duy trì chính sách đảm bảo năng lượng cho cả hiện tại và tương lai. Nhiệt điện là nguồn ổn định để làm phụ tải, làm nền cho điện gió, điện mặt trời, còn trong tương lai, vai trò phụ tải sẽ thuộc về điện hạt nhân.

Thời điểm này, Chính phủ đang phải rà soát lại việc thực thi các cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050, kết quả rà soát có thể được công bố trong tháng tới. Nghị định 06/2022 về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ozon cũng đang được gấp rút sửa đổi và bổ sung cho phù hợp với tình hình mới. Có thể 150 nhà máy điện than, thép, xi măng sẽ được phân bổ hạn ngạch khí thải trong năm 2025-2026, chiếm khoảng 40% tổng khí thải cả nước. 

Những nỗ lực của Việt Nam cùng với tiến bộ trong năng lượng tái tạo sẽ giúp giảm mức tiêu thụ than trong tương lai. Tốc độ nhà máy nhiệt điện được thay thế bằng pin mặt trời ở các địa phương như Bình Thuận cuối cùng sẽ quyết định những gì xảy ra với quá trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới