Ngày không mua gì
Đại dịch đã và đang tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội toàn cầu. Ảnh: nationalgeographic.org.
Black Friday (Ngày thứ Sáu đen) là ngày hội mua sắm lớn nhất nước Mỹ. Trong dịp này, các sản phẩm thường được giảm giá mạnh, có thể lên tới 70-80%. Rất nhanh chóng, Black Friday lan rộng khắp thế giới với nhiều tên gọi khác nhau, tạo ra ngày hội mua sắm cuồng nhiệt từ sáng sớm tới đêm khuya.
Chẳng hạn, người Mỹ chi kỷ lục 9 tỉ USD mua sắm trực tuyến ngày Black Friday, chi 12,7 tỉ USD trong dịp mua sắm Cyber Monday. Hay tại Trung Quốc, sau 24 giờ mua bán “điên cuồng” của Ngày độc thân (11/11), Alibaba xác lập kỷ lục doanh thu 38,4 tỉ USD, trong đó 68 giây đầu tiên đạt 1 tỉ USD...
Nhưng ở góc khuất lặng lẽ hơn có “Ngày không mua gì”. Đây là sáng kiến của nghệ sĩ Ted Dave ở Vancouver (Canada) và lần đầu tiên được tổ chức trên quy mô thế giới vào năm 1992. Ngày này được xem là “ngày xã hội cùng nhau xem lại thói quen tiêu dùng quá mức”. Đến nay đã có hơn 65 quốc gia tham gia “Ngày không mua gì”.
Sự đối lập này nhắc nhở về chủ nghĩa tiêu thụ đang có những tác động tiêu cực tới sự phát triển bền vững tại nhiều quốc gia cũng như cho cả Trái đất này. Tiêu dùng quá mức được hiểu là hành vi mua nhiều và liên tục các loại hàng hóa và dịch vụ không phải là nhu yếu phẩm như thực phẩm, nước, quần áo... mà tiêu dùng theo xu hướng hoặc thời trang. Sau cảm giác thỏa mãn khi sở hữu những bộ quần áo, giày dép, đồng hồ..., chúng ta phải trả giá bằng những tài nguyên thiên nhiên. Vì khi nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ càng tăng sẽ dẫn đến sự gia tăng sản xuất, từ đó dẫn đến ô nhiễm nhiều hơn, nạn phá rừng và biến đổi khí hậu.
Nếu dân số toàn cầu đạt 9,6 tỉ người vào năm 2050 như dự báo, Liên Hiệp Quốc ước tính chúng ta cần lượng tài nguyên tương đương với gần 3 hành tinh để duy trì lối sống hiện tại. Ông Ariel Muller, Giám đốc Điều hành của “Diễn đàn Tương lai” tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đã đưa ra lời cảnh báo về những hậu quả khôn lường của chủ nghĩa tiêu dùng đang bùng nổ trong khu vực. “Tăng trưởng kinh tế cần được định hướng dựa trên các nguyên tắc đảm bảo sự thịnh vượng lâu dài của khu vực chứ không chỉ là lợi nhuận kinh tế ngắn hạn”, ông nhấn mạnh.
Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng tại Việt Nam cũng như tại các quốc gia đang phát triển đã dẫn đến sự phát triển của chủ nghĩa tiêu dùng. Đặc biệt, nhiều người dân Việt Nam chuyển sang giai đoạn “tiêu dùng bù đắp” cho cả thời kỳ thiếu thốn trước đó. Hệ lụy là Việt Nam trở thành một trong số các quốc gia gây ra ô nhiễm chất thải nhựa tồi tệ nhất thế giới.
Đại dịch đã và đang tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội toàn cầu, càng làm sâu sắc thêm yêu cầu về thay đổi mô hình tăng trưởng hướng đến phát triển bền vững. Tiêu dùng và sản xuất bền vững là 1 trong 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) do Liên Hiệp Quốc đề ra. Mục tiêu này đòi hỏi người tiêu dùng nhận thức rõ hơn về tác động tiêu cực của chủ nghĩa tiêu dùng đối với môi trường, đặc biệt với thế hệ người tiêu dùng tiếp theo
Là một nghiên cứu viên định tính và người làm marketing vĩ mô, Tiến sĩ Vicki Little (giảng viên cấp cao và Chủ nhiệm Chương trình Kết nối doanh nghiệp tại Khoa Kinh doanh và Quản trị Đại học RMIT) đã nghiên cứu về đổi mới theo định hướng bền vững và vai trò của marketing trong biến đổi khí hậu nhiều năm nay. Bà cho rằng người làm marketing phải chịu một phần trách nhiệm cho lối tư duy dẫn đến tiêu thụ quá mức, sản xuất quá mức, phát thải khí nhà kính và ô nhiễm.
Giảng viên Đại học RMIT và nhà hoạt động môi trường Nguyễn Hữu Nhân chỉ ra rằng đây là một vấn đề toàn cầu. “Nhiều người làm marketing ở Việt Nam đang làm việc cho các công ty đa quốc gia đến từ các nước khác, vì vậy những định hướng marketing có thể không do văn phòng Việt Nam quyết định. Ngoài ra, đây là vấn đề không biên giới vì mức tiêu thụ và phát thải khí nhà kính của một quốc gia ảnh hưởng đến toàn bộ hành tinh”, ông nói.
NCĐT có cuộc trò chuyện cùng 2 chuyên gia này để làm rõ những khái niệm mới trong tư duy giảm cầu cũng như giảm thiểu những mặt trái của chủ nghĩa tiêu thụ tới môi trường và phát triển bền vững.
Ảnh: nationalgeographic.org |
Marketing lâu nay được hiểu là khuyến khích mua sắm. Vậy có mâu thuẫn không khi đưa ra khái niệm “marketing giảm nhu cầu”?
Tiến sĩ Vicki Little: Đây đúng là một khái niệm có thể gây tranh cãi, bởi marketing vốn là “nghệ thuật và khoa học” về gia tăng nhu cầu. Ý tưởng “marketing giảm nhu cầu” thực ra đã có từ những năm 1970. Khi đó, nó chủ yếu xoay quanh việc giảm hút thuốc lá hoặc xả rác, hoặc cách quản lý nhu cầu đối với các doanh nghiệp dịch vụ nơi chất lượng sẽ bị ảnh hưởng nếu có quá nhiều khách hàng cùng một lúc. Người làm marketing rất giỏi gia tăng nhu cầu, nhưng bây giờ họ cần đổi chiều hành động và sử dụng những kỹ năng marketing để thiết lập tư duy rằng “vừa đủ” quan trọng hơn là “tăng trưởng”. Thực tế, chúng ta đã và đang chứng kiến thay đổi xung quanh từ sự nổi lên của chủ nghĩa tối giản, lối sống khỏe mạnh và bền vững (LOHAS), hay phong trào xây nhà siêu nhỏ...
Làm thế nào để khuyến khích các doanh nghiệp theo đuổi xu hướng “marketing giảm nhu cầu” khi họ phải theo đuổi doanh số và lợi nhuận?
Tiến sĩ Vicki Little: Nền kinh tế khuyến khích tăng trưởng và lợi nhuận (chứ không phải là con người và Trái đất - đó chỉ là những nguồn lực được sử dụng để theo đuổi mục tiêu tăng trưởng và lợi nhuận). Do đó, đối với bất kỳ hội đồng quản trị hay giám đốc điều hành nào, tự nguyện giảm tăng trưởng cũng là một ý tưởng khó có thể chấp nhận được, bởi nó đồng nghĩa với giảm doanh thu và lợi nhuận cũng như lợi ích cổ đông.
Vậy liệu chúng ta có thể thuyết phục doanh nghiệp giảm tăng trưởng hay không? Câu trả lời là không phải ngay bây giờ, bởi các doanh nghiệp đều đang muốn tăng trưởng nhiều hơn và thu được nhiều lợi nhuận hơn. Hiện nay, đã có một số hội đồng kinh doanh bền vững và quỹ đầu tư có đạo đức được hình thành. Đây là những dấu hiệu tích cực. Có lẽ áp lực từ cộng đồng xã hội có thể thuyết phục các doanh nghiệp xem xét lại bản thân, hoặc chính phủ có thể đưa ra các quy định để điều chỉnh hoạt động của họ.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Nhân: Nhiều tập đoàn lớn đang đẩy trách nhiệm cho người tiêu dùng. Các tập đoàn lớn đã có nhiều thời gian để tự điều chỉnh (từ đầu những năm 1990), nhưng đến nay vẫn chưa có nhiều tiến bộ. Thành thật mà nói, khi doanh nghiệp được tự điều chỉnh hay quản lý hoạt động của mình, thì phần lớn trong số họ sẽ đặt lợi nhuận tài chính lên trên trách nhiệm xã hội hoặc môi trường. Nói một cách đơn giản, để doanh nghiệp tự điều chỉnh thì sẽ không hiệu quả.
Hiện nay, có thể thấy mô hình Trách nhiệm mở rộng của Nhà sản xuất (Extended Producer Responsibility - EPR) đang phát huy tác dụng. Các chính phủ cần bắt buộc doanh nghiệp phải thay đổi hay ban hành luật để các tập đoàn lớn phải chịu trách nhiệm về hoạt động của họ.
Thế giới bước vào giai đoạn thừa hàng hóa và xu hướng tiêu dùng quá mức nhu cầu. Xu hướng này cũng đang diễn ra ở Việt Nam?
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Nhân: Việt Nam chắc chắn đang ở trong xu hướng này và điều đó hoàn toàn dễ hiểu. Cách đây không lâu, Việt Nam vẫn là một quốc gia thu nhập thấp và thiếu thốn nhiều sản phẩm. Sau giai đoạn Đổi Mới và mở cửa thị trường quốc tế vào những năm 90, các sản phẩm và vốn đầu tư tràn vào Việt Nam và đương nhiên là người Việt bắt đầu tiêu dùng nhiều hơn.
Tuy vậy, chúng ta cũng thấy được những tác động tiêu cực của việc này như chênh lệch giàu nghèo, bệnh béo phì và tác động đến môi trường... Về mặt phân bổ của cải, chúng ta thấy tầng lớp trung lưu ngày càng lớn mạnh. Bên cạnh đó, có một tỉ lệ rất nhỏ những người siêu giàu và đối lập với đó là một bộ phận dân số vẫn sống trong cảnh nghèo đói.
Cuối cùng phải kể đến các vấn đề môi trường: Việt Nam đứng thứ 4 trên thế giới về gây ô nhiễm đại dương. Đây là những vấn đề mà chúng ta cần giải quyết. Nâng cao nhận thức người dân là vô cùng quan trọng. Bằng cách này hay cách khác, tư duy xã hội phải bắt kịp tốc độ phát triển kinh tế ngày càng nhanh của đất nước.
Việt Nam cũng hướng tới mục tiêu net zero. Giải pháp cho vấn đề lớn này cần tập trung là gì và có liên quan tới khái niệm “Marketing giảm nhu cầu” hay không?
Tiến sĩ Vicki Little: Chính phủ Việt Nam đang dẫn dắt quá trình hướng tới mục tiêu net zero. Nhưng net zero phải là mục tiêu của tất cả mọi người ngay từ bây giờ, bởi không thể lường trước được khi nào chúng ta lại đứng trước những điểm giới hạn mới. Năng lượng là một trong những lĩnh vực chính cần tập trung nỗ lực đổi mới, trên các hệ thống phân tán cũng như tập trung. Marketing giảm nhu cầu xem xét đến mọi bên liên quan trong xã hội - người tiêu dùng, doanh nghiệp và chính phủ - và tất cả các bên phải hợp tác để đạt được mục tiêu net zero đã đề ra. Có rất nhiều thứ cần phải thay đổi, từ việc xác định ai là người đưa ra quyết định, đến cách suy nghĩ về tiêu dùng và lãng phí, cũng như cách chúng ta tài trợ và thúc đẩy sự đổi mới. Đây là một chủ đề rất rộng lớn.
Kinh tế tuần hoàn có mâu thuẫn với mục tiêu tăng trưởng của các nước đang phát triển như Việt Nam?
Tiến sĩ Vicki Little: Không hề mâu thuẫn nếu mục tiêu mà chúng ta hướng tới là trở thành một xã hội hưng thịnh trong dài hạn. Chúng ta cần hướng tới “vừa đủ” hơn là “tăng trưởng” và điều này có thể thực hiện được với công nghệ hiện tại. Hiện thế giới đã quá đông người và quá ô nhiễm rồi! Chúng ta không còn đủ rừng và tính đa dạng sinh học. Trong tương lai, chúng ta có thể sẽ không có đủ thức ăn hoặc nước uống cho mọi người. Khoa học đã đưa ra cảnh báo rõ ràng. Nếu chúng ta không thay đổi nhanh chóng, tương lai sẽ rất tiêu cực.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Việt Phong (Tổng hợp)
-
Hằng Nguyễn
-
An Hạ
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Minh Đức