Hủy
Phát triển bền vững

Trồng rừng trên sa mạc

Hằng Thanh Thứ Ba | 15/07/2025 07:30

Chuyến trồng cây vào tháng 6/2024 của Thông nằm trong hoạt động trồng 700 cây của Ngân hàng UOB Việt Nam cùng Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia. Ảnh: Gaia

 
 
Khu rừng trồng hồi sinh trên các vùng đất khô hạn, sa mạc hóa như tại Tà Kóu đã mang lại hy vọng cho các nỗ lực chống biến đổi khí hậu.

Thông đã cùng Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia trồng cây ở gần chục khu rừng trên khắp cả nước, nhưng chuyến đi trồng cây một năm trước ở Khu bảo tồn Thiên nhiên Tà Kóu (tỉnh Bình Thuận) đã gây ấn tượng mạnh với anh. Khác với những khu rừng xanh ẩm ướt, Tà Kóu đón anh bằng một bãi cát trắng xóa đến bỏng mắt. Cái nắng không chỉ trên lưng, mà còn hắt ngược từ mặt cát lấp lánh lên.

Những lỗ để trồng cây san sát nhau và đào sâu xuống đất. Khi Thông bất cẩn để chân quá gần miệng hố, cát ngay lập tức sụt xuống. Dưới đáy lỗ được phủ một lớp phân bón để cung cấp dưỡng chất, thuốc chống sùng để chống côn trùng ăn rễ và hạt tích nước có thể nở gấp hàng trăm lần để giữ nước trong 3 năm. Thông nhanh chóng bóc vỏ bọc rễ, nhẹ nhàng đặt xuống lỗ rồi lấp đất lên. Những cây giáng hương, bằng lăng 1 năm tuổi cao chừng 70 cm sau khi trồng chỉ còn khoảng 40 cm trên mặt đất.

Chuyến trồng cây vào tháng 6/2024 của Thông nằm trong hoạt động trồng 700 cây của Ngân hàng UOB Việt Nam cùng Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia. Tính cả năm 2024 Gaia đã trồng được 8.000 cây trên diện tích 6,7 ha tại Tà Kóu với sự chung tay của 13 doanh nghiệp.

“Tôi nghĩ khu rừng này sẽ giúp giảm hiện tượng sa mạc hóa, cát bay và bảo vệ nguồn nước cho người dân trong khu vực”, Thông nói về kỳ vọng tác động của rừng trên đồi cát, khác với việc tái tạo rừng và cây ăn trái để làm nguồn thức ăn cho động vật tại những khu rừng khác. 

Với UOB, việc trồng rừng tại vùng đất khô hạn, địa hình khắc nghiệt như sa mạc tại Tà Kóu là bước khởi đầu cho hành trình dài của họ trong việc chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu. “Chúng tôi không chỉ đóng góp 700 cây bản địa có khả năng chịu hạn và thích nghi với điều kiện đất cát cho khu vực này, mà còn góp phần lan tỏa tinh thần trách nhiệm đến từng nhân viên và thế hệ trẻ - những người trực tiếp tham gia trải nghiệm trồng cây, học cách chăm sóc rừng và hiểu vì sao cần bảo vệ đa dạng sinh học”, bà Phạm Tiểu Giang, Trưởng phòng Truyền thông và Thương hiệu của Ngân hàng UOB Việt Nam, bình luận với NCĐT.

Một năm sau, Thông trở lại thăm. Trước mắt anh là những mầm cây gần như đều tăm tắp cao cỡ... gang tay. Đây đó có một vài cây xanh mướt cao ngang ngực được gọi là “vượt trội”. Điều này trái với những khu rừng trước Thông đã đến, nơi cây đều đặn cao thêm 20-30 cm mỗi năm. Kéo anh lại một mầm cây bên cạnh một nhánh cây đã chết khô, bà Đỗ Thị Thanh Huyền, sáng lập kiêm Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia, hào hứng cho biết: “Đây là một kỳ tích, vì khi chúng tôi bắt đầu tưới nước vào tháng 10 năm ngoái, cây này đã chết khô hoàn toàn”.

Bà Huyền kể khi mùa cực hạn bắt đầu sau Tết Nguyên đán, bà đến thăm cây rồi thảng thốt khi nhìn thấy một khu vực khô héo không còn màu xanh. Trong suốt mùa khô từ tháng 2 đến tháng 5/2025, rừng Tà Kóu oằn mình giữa nắng hạn gay gắt, những cây non rũ lá, rừng chuyển màu vàng úa. Khu rừng mới trồng tưởng như không thể vượt qua mùa hạn khắc nghiệt đầu tiên. Trước tình hình đó, Gaia đã lập tức hành động: đào giếng, lắp đặt hệ thống tưới và tưới nước từng cây mỗi tuần trong suốt 3 tháng cao điểm khô hạn.

Theo kế hoạch gửi doanh nghiệp, Gaia dự định cây sẽ được tưới 2 tuần một lần trong suốt mùa nắng từ tháng 10 năm trước đến hết tháng 4 năm sau. Hiện trạng khô héo buộc họ phải nhanh chóng đào giếng nước, lắp đường ống và tăng tần suất tưới lên mỗi tuần một lần. Đến nay bắt đầu vào mùa mưa, khu rừng đã hồi sinh kỳ diệu, màu xanh dần trở lại, những mầm non bắt đọt và sức sống tràn về mạnh mẽ.

Để đảm bảo tỉ lệ sống ở địa hình khắc nghiệt tại sa mạc, mật độ cây trồng đã được tăng gấp 3 so với những khu rừng nhiệt đới khác. Họ duy trì việc giám sát chặt chẽ và liên tục các cây non đã trồng. Gần 3.000 trong số hơn 7.000 cây đã được trồng lại để đảm bảo tỉ lệ sống sót gần 80%. Cây cũng được chăm sóc trong 5 năm, lâu hơn 1 năm so với những khu vực khác trước khi bàn giao cho địa phương. 

Ngoài việc ngăn chặn cát bay và xói mòn đất, hoạt động trồng rừng còn góp phần tạo ra một hệ sinh thái xanh hơn và thúc đẩy bảo tồn bền vững trong khu vực được bảo vệ của vườn quốc gia. “Khi đủ lớn, các khu rừng này sẽ hấp thụ carbon và chúng tôi có thể bán tín chỉ carbon. Chúng tôi còn có thể tạo doanh thu qua việc cho thuê các dịch vụ môi trường rừng như du lịch sinh thái”, ông Hà Văn Tuấn, Giám đốc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tà Kóu, chia sẻ với NCĐT.

Theo báo cáo từ Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống sa mạc hóa (UNCCD), trong 30 năm qua (1990-2020) khoảng 77,6% diện tích trên thế giới đã trở nên khô hạn hơn. Diện tích khô hạn, sa mạc hóa đã mở rộng thêm 4,3 triệu km2, tương đương 1/3 diện tích của Ấn Độ. Mỗi năm thế giới mất 12 triệu ha đất màu mỡ do sa mạc hóa, làm ảnh hưởng đến an ninh lương thực và cuộc sống của khoảng 1,3 tỉ người trên trái đất. Dự báo 90-95% diện tích đất toàn cầu sẽ suy thoái vào năm 2050 nếu không hành động.

“Khi một cái cây sống sót qua mùa khô đầu tiên, đó là sự sống. Khi cả một khu rừng vượt qua, đó là niềm hy vọng”, bà Huyền tâm sự. Theo bà, trái đất đang trong thời kỳ La Niña, là thời điểm vàng để tận dụng khí hậu mưa nhiều nhằm phục hồi cánh rừng sa mạc này. Vì vậy, họ đã dành ưu tiên cao nhất cho việc trồng rừng trên sa mạc từ mùa mưa năm ngoái đến năm nay và còn được đến năm sau. “Tôi tin rằng, từng bàn tay cùng góp sức, đất sẽ được tái sinh và cơ hội sẽ mở ra cho cả cộng đồng”.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới