Hủy
Phong Cách Sống

Thủ đô cá nóc Nhật Bản: Mùa đi tìm vị ngon và chết chóc

Chủ Nhật | 20/04/2014 08:08

 
 
Chợ cá Haedomari đích thực là khu chợ độc nhất vô nhị của quốc gia này, nơi người ta chào bán một thứ sản phẩm “khét tiếng”, không chỉ “đắt xắt ra miếng” mà còn mang độc tính chết người.

Dưới thứ ánh sáng rực rỡ chiếu rọi khu chợ cá trên bến cảng Haedomari, thành phố Shimonoseki, những con cá béo múp, tròn căng quẫy đạp trước ngưỡng cửa tử. Sàn nhà kho ướt nhẹp nước biển, khi ông Yoshi Yanagawa (55 tuổi) chuyển vào 20 thùng cá, mỗi thùng chứa khoảng 15 con cá nóc với chiều dài, kích thước cũng như chất lượng thịt khác nhau.

Những con cá nóc, hay còn được biết đến với cái tên “fugu” trong tiếng Nhật, đã làm nên danh tiếng cho thành phố Shimonoseki – thủ phủ cá nóc của Nhật Bản.

Chợ cá Haedomari đích thực là khu chợ độc nhất vô nhị của quốc gia này, nơi người ta chào bán một thứ sản phẩm “khét tiếng”, không chỉ “đắt xắt ra miếng” mà còn mang độc tính chết người. Trong suốt mùa đánh bắt từ đầu tháng 9 cho tới khoảng cuối tháng 4, chợ mở cửa sáu buổi sáng một tuần tại khu bến cổ nằm ở cực Tây Nam đảo Honshu, tỉnh Yamaguchi, cách Tokyo 1126km về phía Tây. Tại đây, những đơn vị, cá nhân thu mua cá nóc sẽ phải đấu giá để có thể đem về những con cá dị thường này.

Cá nóc Nhật hay giống cá nóc Ai cập cổ xưa?

Khi phiên đấu giá kết thúc, người bán cho cá vào trong hộp chất liệu polystyrene và gửi chúng tới 10 địa chỉ nhà máy chế biến . Tất cả các quy trình sơ chế và khử độc đều phải tuân thủ nghiêm ngặt theo các quy định ban hành tại Nhật Bản. Điều này là hết sức cần thiết, bởi độc tố trong cá nóc còn mạnh hơn cyanide cả trăm lần, và riêng một lượng nhỏ chất độc nằm trong gan cá có thể gây tử vong cho 5 người đàn ông khỏe mạnh.

Cục ngư nghiệp phía Tây Australia cảnh báo cá nóc là loài có xương sống mang độc tính chết người chỉ xếp sau giống cóc vàng. Bên cạnh gan, thận, buồng trứng và các cơ quan sinh sản khác của cá nóc đều chứa chất kịch độc, và đều phải loại bỏ cẩn thận trong quy trình sơ chế. Chỉ một milligram chất tetrodotoxin trong nội tạng cá nóc cũng đủ để gây ra một cái chết đớn đau, quằn quại cho nạn nhân chỉ sau một giờ nhiễm độc.


Bậc thầy làm cá: Bếp trưởng Shigekazu Suzuki của nhà hàng Torafugu-tei tại Tokyo đang xắt lát một con cá nóc nhằm loại bỏ độc tố chứa trong nội tạng cá. Món cá nóc có hương vị vừa thanh thoát, tinh tế song cũng hết sức đậm đà.
Dẫu vậy, món “Takifugu rubripes” chế biến từ cá fugu vẫn được xem như một nét tinh túy đặc trưng của nền ẩm thực đất nước Phù Tang. Những thực khách sành ăn ở Tokyo sẵn sàng chi tới 22.000 Yen (tương đương 4,4 triệu đồng) cho một lần được trải nghiệm vị ngon “cận kề chết chóc” của cá nóc trong những nhà hàng hạng sang, ví dụ như Usukifugu Yamadaya, hay Torafugu Tei.

Song có lẽ, cũng chính cái cảm giác “cận kề chết chóc” đó đã phần nào làm nên sức lôi cuốn khó cưỡng của món cá nóc.

Toshiharu Hata, một trong những người buôn cá nóc tầm cỡ nhất Shimonoseki, cho biết: “Người ta tìm thấy rất nhiều tranh vẽ cá nóc trong những hầm mộ Ai Cập cổ đại. Thời đó, người Ai Cập dùng cá nóc để chơi một trò chơi rất giống môn bowling của chúng ta ngày nay (điều đó lý giải vì sao cá nóc còn được gọi là “bowling fish” trong tiếng Anh)”. Thương lái này cũng dẫn chứng thêm về sự kiện xảy ra năm 1975, khi Mitsugoro Bando VIII, một diễn viên Kabuki nổi tiếng, đã chết sau khi ăn bốn phần cá nóc.

“Mỗi món ăn là một công trình khoa học”

Bốn mươi năm trước, cha của anh Hata đã thành lập công ty gia đình chuyên về đánh bắt và chế biến cá nóc. Hata cho biết trước đây, người ta thường phục vụ món cá nóc với những thớ thịt mỏng trong như giấy bày trên chiếc đĩa sứ trang trí đẹp mắt: “Những đầu bếp bậc thầy xắt thịt cá thành những miếng mỏng và bày chúng lên đĩa theo hình bông hoa cúc, hình ảnh núi Phú Sỹ, con công, con rùa hay bươm bướm. Mỗi đĩa cá nóc thực sự là một tác phẩm nghệ thuật, và thậm chí còn là một công trình khoa học thực thụ.”

Ngon nhất phải kể tới cá nóc hổ, được bán với giá lên tới 40.000 Yen (khoảng 8 triệu đồng)/cân, và có thể dùng phục vụ cho 30 thực khách.

“Chúng tôi xuất khẩu loại cá này sang New York, cũng phải tới năm 1988 nước Mỹ mới chấp nhận nhập khẩu món hàng này. Tuy nhiên Shimonoseki vẫn là nơi bạn có thể thưởng thức những phần cá nóc tươi ngon và đầy đặn nhất. Một đĩa cá ở đây có khoảng 20 miếng, trong khi với mức giá tương đương thì ở Osaka và Tokyo chỉ bày khoảng 8 miếng. Cá nóc bán ở các nhà hàng trong thành phố Tokuyama cũng khá được.”– Hata cho biết thêm.

Mỗi đĩa cá nóc là một “công trình khoa học”.
Mỗi đĩa cá nóc là một “công trình khoa học”.

Một ngày ở Shimonoseki

Khi tới trung tâm thành phố Shimonoseki vào khoảng 6h30 phút sáng, chúng ta bắt gặp ngay chợ cá Karato-Ichiba, nơi những cửa hàng san sát nhau bày bán đủ các mặt hàng thủy hải sản, từ cua, mực, nhím biển, trai, sò cho tới vô vàn chủng loại rong biển nhiều màu sắc.

Và bên cạnh những sản phẩm truyền thống, phải kể tới món cá nóc độc đáo và ngon nổi tiếng tại nhà hàng Tanabe Shokudu. Trong thực đơn bữa sáng, bên cạnh món sashimi cá ngừ, thực khách có thể thưởng thức hương vị cá nóc chấm tương ponzu đen, tiếp theo là món fugu tempura chiên, và cả món “chirinabe” – món cá nóc kho ăn kèm với bánh gạo “uiro” truyền thống của người dân địa phương. Ngoài ra, nhà hàng còn phục vụ món nước xuýt cá nóc nấu đậu phụ và củ cải trắng. Tất cả đều thơm ngon, dù cho việc thưởng thức món ăn này đem lại một chút cảm giác “rùng rợn”.

Song Shimonoseki không chỉ có hải sản và cá nóc. Chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 13 km, du khách có thể tới thăm thị trấn Chofu, quê hương của những Samurai thiện nghệ, với những ngôi nhà tường sơn vàng và nhiều chái nhà mang nét đặc thù Nhật Bản thời thế kỷ 14.

Ảnh 6: Bên cạnh những món cá nóc ngon và “độc”, người ta còn bày bán lồng đèn cá nóc làm từ da cá nóc thật.
Bên cạnh những món cá nóc ngon và “độc”, người ta còn bày bán lồng đèn cá nóc làm từ da cá nóc thật.

“Cuộc cách mạng Meiji năm 1867 đã khởi phát tại Shimonoseki, và nơi đây cũng là vùng đất khởi nguyên cho một Nhật Bản hiện đại. Thành phố của chúng tôi đã mở cửa với phương Tây ngay sau sự kiện một chiến hạm nước ngoài dội bom vào thành phố, và những Samurai giác ngộ ngày đó đã thuyết phục Mạc Phủ chấp nhận sự xuất hiện của người nước ngoài tại Nhật Bản.” – anh Hata tự hào chia sẻ.

Những điểm du lịch hấp dẫn khác quanh thành phố mà du khách không nên bỏ lỡ cơ hội khám phá là Bảo tàng Hải dương học Shimonoseki; chùa Kozanji – được xem là di tích quốc gia của Nhật Bản; miếu Akama; cầu Tsunoshima dài 1780 mét nối liền đảo Tsunoshima và Honshu cũng như Ganryujima, hòn đảo nhỏ ghi dấu ấn trận đấu kiếm tay đôi giữa hai kỳ phùng địch thủ Miyamoto Musashi và Sasaki Kojiro.

Du khách có thể bay từ sân bay Haneda tại Tokyo tới phi trường Yamaguchi Ube chỉ trong 90 phút, và bắt xe buýt đi trong một giờ để tới với bến xe Shimonoseki. Bên cạnh đó, những người yêu thích việc nhìn ngắm cảnh quan bên ngoài trong suốt chuyến đi có thể bắt chuyến tàu hỏa kéo dài 5h30 phút đi từ Tokyo. Nếu đi từ Osaka, thời gian di chuyển giảm xuống còn khoảng 2 tiếng.

Thông tin chi tiết về du lịch Shimonosekia có thể tìm hiểu thêm tại đây.

Ảnh 4: Bắt cá nóc bằng tay là một trải nghiệm khá là thú vị. Được tổ chức vào tháng 2 hàng năm, lễ hội cá Fugu của Shimonoseki thu hút nhiều lượt khách tới thăm quan, chiêm ngưỡng và thưởng thức sản phẩm ẩm thực độc đáo của thành phố này.
Bắt cá nóc bằng tay là trò thu hút nhiều người chơi. Được tổ chức vào tháng 2 hàng năm, lễ hội cá Fugu của Shimonoseki thu hút nhiều lượt khách tới thăm quan, chiêm ngưỡng và thưởng thức sản phẩm ẩm thực độc đáo của thành phố này.

Ảnh 5: Để xứng danh “thủ phủ cá nóc” của xứ Phù Tang, Shimonoseki còn cho trưng bày một tượng đá cá nóc khổng lồ.
Để xứng danh “thủ phủ cá nóc” của xứ Phù Tang, Shimonoseki còn cho trưng bày một tượng đá cá nóc khổng lồ.

Ảnh 7: Cầu Tsunoshima dài 1780 mét, nối liền đảo Tsunoshima (một phần của thành phố Shimonoseki) và đảo Honshu.
Cầu Tsunoshima dài 1780 mét, nối liền đảo Tsunoshima (một phần của thành phố Shimonoseki) và đảo Honshu.

Ảnh 8: Shimonoseki không chỉ nối tiếng với cá nóc. Đảo Ganryujima cũng làm một điểm đến hấp dẫn. Du khách có thể ra đảo bằng việc bắt chuyến phà xuất phát từ cảng Shimonoseki.
Shimonoseki không chỉ nối tiếng với cá nóc. Đảo Ganryujima cũng làm một điểm đến hấp dẫn. Du khách có thể ra đảo bằng việc bắt chuyến phà xuất phát từ cảng Shimonoseki.

Ảnh 9: Được xây từ năm 1320, chùa Kozanji hiện được xem là một di sản văn hóa quốc gia của Nhật Bản.
Được xây từ năm 1320, chùa Kozanji hiện được xem là một di sản văn hóa quốc gia của Nhật Bản.

Ảnh 10: Điện thờ Akama Shrine: Điện thờ linh thiêng này được xây dựng từ năm 1185 và là một điểm đến văn hóa không thể bỏ qua khi đặt chân tới Shimonoseki.
Điện thờ Akama Shrine: Điện thờ linh thiêng này được xây dựng từ năm 1185 và là một điểm đến văn hóa không thể bỏ qua khi đặt chân tới Shimonoseki.

Q.A

Nguồn GAFIN/CNN


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới