Hủy
Bảo vệ - Bảo tồn

Khủng hoảng cát ngày càng trầm trọng

Văn Quốc Thứ Năm | 21/05/2020 08:00

Ảnh: TL

 
 
Thế giới đang thiếu cát trầm trọng, bởi cát đang là tài nguyên thiên nhiên được tiêu thụ nhiều thứ 2 chỉ sau nước.

Một doanh nhân Nam Phi bị bắn chết vào tháng 9.2019. Hai người dân làng Ấn Độ bị giết trong một cuộc đọ súng vào tháng 8. Một nhà hoạt động môi trường Mexico bị ám sát vào tháng 6. Những vụ giết chóc này dù cách nhau hàng ngàn dặm nhưng lại có cùng một nguyên nhân: Họ chỉ là một trong những vụ tử vong ngày càng tăng do làn sóng bạo động được khơi mào bởi cuộc chiến gay gắt giành lấy một trong những loại hàng hóa quan trọng nhất nhưng lại ít được để ý nhất thế kỷ XXI. Đó là cát.

Nghe có vẻ tầm thường, nhưng cát lại là thành phần cực kỳ quan trọng trong cuộc sống con người. Cát là nguyên liệu chủ yếu tạo nên những thành phố hiện đại. Cát dùng trong xây dựng đường sá, văn phòng, tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại... Kính ô cửa sổ, kính chắn gió xe hơi và màn hình smartphone, thậm chí chip điện thoại, máy tính và mọi thiết bị điện tử khác đều làm từ cát.

Vậy những vụ bạo động tranh giành cát là vì sao khi cát trên hành tinh này gần như vô tận? Những hoang mạc lớn từ Sahara đến Arizona, các bãi biển trên thế giới đều phủ đầy cát.

Cơn khát cát xây dựng
Thực tế, thế giới đang thiếu cát trầm trọng, bởi cát hiện là tài nguyên thiên nhiên được tiêu thụ nhiều thứ 2 chỉ sau nước. Theo báo cáo của Liên hiệp Quốc, có đến 50 tỉ tấn cát được khai thác, nạo vét và đánh cắp mỗi năm nhằm thỏa cơn khát xây dựng hạ tầng của thế giới. Đáng nói là không phải cát nào cũng có thể sử dụng được.

Trong khi cát sa mạc phần lớn vô dụng đối với con người vì chúng quá trơn, nhẵn, khó kết dính trong sản xuất bê tông thì cốt liệu (thuật ngữ chung chỉ đá nghiền, cát và sỏi) lại là con cưng của ngành xây dựng bởi có bề mặt thô, góc cạnh và dễ bám dính. Do đó, loại cát này cũng được con người khai thác triệt để đến nỗi nó đang "bốc hơi" với tốc độ nhanh hơn rất nhiều so với tốc độ bồi đắp tự nhiên.

 

Nhu cầu khai thác cát căng thẳng đến mức trên thế giới, vô số lòng sông, bãi bồi ven sông và bãi biển... đã bị cào sạch, đất canh tác và rừng bị xé toạc để săn cát xây dựng hay cát silica có độ tinh khiết cao dùng trong sản xuất kính, các sản phẩm công nghệ cao như chip, tấm pin năng lượng mặt trời...

Cuộc chiến khai thác cát gay gắt đến nỗi ở nhiều nơi trên thế giới, các băng đảng tội phạm đã nhảy vào khai thác, buôn lậu cát. Tại không ít nơi ở châu Mỹ Latinh và châu Phi, theo các tổ chức nhân quyền, trẻ em bị bắt làm nô lệ tại các mỏ cát. Những vụ ám sát, giết người cũng dễ bùng nổ liên quan đến cuộc chiến giành cát, đặc biệt tại các quốc gia kém phát triển và đang phát triển, những nơi có chế tài lỏng lẻo.

“Vấn nạn cát đang khiến nhiều người rất ngạc nhiên. Cần hiểu rằng chúng ta không thể khai thác 50 tỉ tấn mỗi năm bất kỳ vật liệu nào mà không gây ra tác động nặng nề đến hành tinh này và cuộc sống con người”, Pascal Peduzzi, nhà nghiên cứu thuộc Chương trình môi trường Liên hiệp Quốc (UNEP), nhận định.

Nguyên nhân chính cho cuộc khủng hoảng cát là tốc độ đô thị hóa quá nhanh. Mỗi năm dân số thế giới gia tăng, trong khi ngày càng nhiều người di chuyển từ nông thôn vào đô thị, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển. Khắp châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh, các thành phố đang mở rộng với tốc độ chưa từng có. Số người sống ở đô thị đã hơn gấp 4 lần kể từ năm 1950 lên khoảng 4,2 tỉ người vào năm 2018. Liên hiệp Quốc dự đoán khoảng 2,5 tỉ người sẽ trở thành cư dân đô thị trong 3 thập niên tới. Châu Á chiếm đến 54% dân số đô thị, theo sau là châu Âu (13%) và châu Phi (13%).

Tại Ấn Độ, lượng cát xây dựng sử dụng hằng năm đã hơn gấp 3 lần kể từ năm 2000 và vẫn tăng rất nhanh. Không chỉ phục vụ nhu cầu xây dựng hạ tầng, từ California cho đến Hồng Kông, những con tàu khổng lồ đang hút hàng triệu tấn cát từ đáy biển mỗi năm để bồi đắp các vùng duyên hải lấn biển. Trung Quốc đã mở rộng bờ biển thêm hằng trăm dặm và xây dựng những hòn đảo để làm các khu resort sang trọng.

Ở phương diện này, Singapore là quốc gia “tích cực” nhất, chủ yếu nhập cát từ các nước khác. Kể từ khi giành độc lập cách đây hơn 50 năm, diện tích của Singapore đã bành trướng gần 25%, từ 580km2 lên tới gần 725km2 vào năm 2018 và dự kiến sẽ đạt gần 777km2 vào năm 2030. Singapore đã nhập khẩu 64 triệu tấn cát từ Malaysia vào năm 2018, chiếm hơn 97% tổng lượng cát nhập khẩu. Tuy nhiên, Malaysia đã cấm xuất khẩu cát sang Singapore vào năm ngoái. Không chỉ Malaysia, một số quốc gia khác cũng đã cấm hoặc hạn chế xuất khẩu cát sang Singapore, trong đó có Indonesia, Việt Nam, Campuchia.

Những hệ lụy khôn lường
Việc khai thác cát quá mức đã và đang hủy hoại hệ sinh thái, môi trường sống của nhiều loài động thực vật, gây ra ô nhiễm, ngập lụt, giảm nguồn nước ngầm... Sự tàn phá của cơn bão Harvey năm 2017, với mức thiệt hại hơn 125 tỉ USD do lũ lụt, có phần đóng góp không nhỏ từ nạn khai thác cát ở sông San Jacinto. Tại Indonesia, tình trạng khai thác cát vẫn tiếp tục tăng dù quốc gia này đã ban lệnh cấm. Việc nạo vét đã đe dọa sự tồn tại của khoảng 80 hòn đảo Indonesia, theo The Guardian. Khoảng 24 hòn đảo Indnonesia được báo cáo là đã biến mất do kết quả của việc khai thác cát, theo số liệu của Liên hiệp Quốc.

 

Việc khai thác cát sông cũng đóng góp vào sự biến mất từ từ của vùng đồng bằng sông Mekong. Theo các nhà nghiên cứu từ chương trình Greater Mekong Programme thuộc Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF), với tốc độ xói mòn tự nhiên của vùng đồng bằng sông Mekong cùng với tốc độ khai thác cát hiện nay, gần 50% khu vực này sẽ bị biến mất vào cuối thế kỷ này. Việc nạo vét sông Mekong và hệ thống sông ngòi ở Campuchia và Lào khiến cho bờ sông sụp lún, kéo theo ruộng lúa, hoa màu và nhà cửa. Điều tương tự cũng xảy ra dọc con sông Ayeyarwady tại Myanmar.

Trước mối đe dọa từ cuộc khủng hoảng cát, giới chuyên gia khuyến cáo, quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng này là một phần thiết yếu trong công cuộc phát triển kinh tế toàn cầu và tăng trưởng bền vững. Nếu không vào cuộc một cách quyết liệt, tác động của cuộc khủng hoảng cát sẽ càng nghiêm trọng, đặc biệt khi cộng hưởng với tác động của biến đổi khí hậu.

Liên hiệp Quốc cũng đã báo động về cuộc khủng hoảng này khi ước tính 2/3 dân số thế giới sẽ sống trong các đô thị vào năm 2050. Xây dựng cơ sở hạ tầng cho làn sóng cư dân đô thị mới này sẽ càng đẩy mạnh nhu cầu về cát. Nếu không quản lý hiệu quả, sẽ không đủ cát đáp ứng và chắc chắn xây dựng sẽ không chỉ là ngành duy nhất bị tác động.

Đó là chưa nói đến cát rất cần thiết trong công cuộc chống biến đổi khí hậu. Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) dự đoán mực nước biển sẽ tăng gần 1m vào năm 2100 mà một trong những công cụ hiệu quả nhất để ngăn tác động của tình trạng nước biển dâng lại là cát.

Mặc cho những tác hại rất rõ ràng đến môi trường, an sinh xã hội của người dân và nền kinh tế toàn cầu nhưng phần lớn các quốc gia vẫn còn thiếu khung pháp lý để điều hành việc sử dụng và khai thác cát. Hợp tác quốc tế trong vấn đề này cũng rất mờ nhạt. Đây là điều đáng ngại. 

Vì thế, chính phủ các nước và các định chế quốc tế nên lập ra các thỏa thuận toàn cầu trong việc quản lý sử dụng và khai thác cát. Bước đầu tiên là cần lập ra một nhóm làm việc quốc tế tương tự như nhóm làm việc về nước của Liên hiệp Quốc. Mục đích là để các chính phủ và khu vực tư nhân hợp tác với nhau chặt chẽ hơn trong việc quản lý cát.

 

Chính phủ các nước cũng cần cam kết thu thập thông tin đầy đủ hơn về khai thác cát để đối phó nạn buôn lậu cát. Nếu không có thông tin đầy đủ, rất khó ước tính mức độ nghiêm trọng của thách thức này để đưa ra các giải pháp hiệu quả. Buôn lậu cát là một ngành rất lớn, đặc biệt tại Ấn Độ.

Đồng thời, cần nâng cao nhận thức của công chúng về cuộc khủng hoảng cát và đưa dư luận vào cuộc chiến này vì họ luôn là một công cụ hiệu quả thúc đẩy chính phủ và các tổ chức tích cực hơn trong các vấn đề kinh tế - xã hội.

Trước mắt, cần phải đầu tư mạnh hơn vào nghiên cứu và phát triển để tìm những lựa chọn bền vững hơn thay thế cho các vật liệu xây dựng thông thường. Chẳng hạn, việc tạo ra các vật liệu thay thế cho bê tông (cát là thành phần chính trong bê tông) sẽ giúp giải quyết sự thiếu hụt cát và cắt giảm khí thải từ sản xuất bê tông, vốn chiếm khoảng 5% mức thải khí CO2 của thế giới.

Hiện một số nhà khoa học đang tìm cách thay thế cát trong bê tông bằng các vật liệu khác, trong đó có tro bụi (sản sinh trong quá trình sản xuất tại các nhà máy điện chạy bằng than), nhựa xé vụn, trấu và thậm chí là vỏ cây cọ dầu được nghiền ra. Một số khác thì đang phát triển loại bê tông sử dụng ít cát hơn cũng như các công nghệ nghiền và tái chế bê tông.

Một lựa chọn khác là tận dụng cát sa mạc, vốn có nguồn cung rất lớn, nhưng vấn đề là cát sa mạc rất nhẵn, trơn, mịn, không có độ bám dính. Đó là khó khăn một startup có tên là Finite đang gặp phải. Doanh nghiệp này đang phát triển một loại vật liệu xây dựng từ cát sa mạc, nhưng loại vật liệu phân hủy sinh học và có thể tái sử dụng này chỉ phù hợp với các kết cấu mang tính tạm thời.

 

Cát là một bài toán nan giải, nhưng lại không thể không giải khi chứng kiến những tác động nghiêm trọng mà nạn khai thác cát quá mức đang gây ra cho nền kinh tế và xã hội. Đó là một cuộc chiến lâu dài và đầy cam go, không kém cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. “Chỉ nói đến việc ngăn hay giảm thiệt hại gây ra cho các dòng sông cũng đã đòi hỏi ngành xây dựng phải từ bỏ khai thác cát sông. Sự chuyển hướng xã hội như vậy cũng tương tự như những đòi hỏi đặt ra trong việc đối phó tình trạng biến đổi khí hậu, bắt buộc phải có những thay đổi rất lớn về cách cảm nhận về cát, về sông và về cả cách các thành phố được thiết kế và xây dựng”, một báo cáo về ngành cát thế giới của WWF chỉ ra.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới