Hủy
Bảo vệ - Bảo tồn

Messi nghỉ, Adidas lo

Thứ Hai | 04/07/2016 12:30

 
 
Vị thế của hãng sản xuất trang phục thể thao Adidas sẽ bị đe dọa nếu Messi giải nghệ.

Làng thể thao thế giới chấn động với tin siêu sao Lionel Messi úp mở tuyên bố từ giã đội tuyển Argentina. Đến cả truyền hình Mỹ, vốn thờ ơ với bóng đá cũng phải dành thời lượng đáng kể cho sự kiện này. Đích thân Tổng thống Argentina Mauricio lẫn huyền thoại Diego Maradona đều lên tiếng kêu gọi Messi đổi ý. Chỉ có những tờ báo chuyên cho giới nhà giàu thì cứ thủng thẳng: “Nhà tài trợ Adidas sẽ không để Messi sớm giã từ sự nghiệp quốc tế”.

Thế lực ngầm của nhà tài trợ

Quyết định gây sốc nói trên được Messi đưa ra sau trận chung kết Copa America Centenario, nơi đội tuyển Argentina để thua Chile trên chấm luân lưu 11 m. Có lẽ nỗi thất vọng tột độ đã chi phối cảm xúc, khiến Messi vội vã đưa ra tuyên bố như vậy. Bởi anh chính là người đá hỏng quả phạt đền đầu tiên trong loạt sút luân lưu, gián tiếp khiến Argentina thất bại. Ngoài ra, một năm trước, Argentina cũng để thua Chile, bằng sút luân lưu trong trận chung kết Copa America 2015. Năm trước nữa, Messi và đồng đội ngậm ngùi nhìn người Đức đăng quang trong trận chung kết World Cup 2014. Ba năm ba trận chung kết đều thua, còn điều gì thất vọng hơn thế!

Không chỉ có vậy, Messi luôn bị đem ra so sánh với huyền thoại Maradona. “Cậu bé Vàng” là người đã đưa Argentina lên đỉnh cao thế giới ở World Cup 1986, trong khi danh hiệu với đội tuyển quốc gia là thứ còn thiếu duy nhất trên chiếc vương miện đã gắn quá nhiều viên kim cương của Messi. Vì lẽ đó, có thể hiểu được nỗi thất vọng đến cùng cực của cầu thủ này, khiến anh đưa ra quyết định từ giã đội tuyển.

Nhưng khi bình tâm trở lại, Messi có thể sẽ nghĩ khác. Còn một lý do lớn hơn nữa mà báo chí “huỵch toẹt”: Adidas sẽ không để Messi giải nghệ. Hãng sản xuất trang phục thể thao hàng đầu thế giới này không chỉ có hợp đồng tài trợ với đội tuyển Argentina đến tận năm 2022, mà còn có hợp đồng với riêng Messi, trị giá 10 triệu USD mỗi năm. Con số đó chiếm hơn một nửa tổng thu nhập đến từ quảng cáo của Messi (28 triệu USD trong năm 2015), nên nó đáng để anh phải cân nhắc khi đưa ra các quyết định liên quan đến tương lai. Cổ động viên trên khắp thế giới mỗi năm tiêu thụ hàng trăm ngàn chiếc áo Adidas nhờ cái tên Messi. Anh nghỉ rồi, Adidas bán áo cho ai?

Messi nghi, Adidas lo
Messi liệu có nghĩ lại sau khi đã bình tâm? Ảnh: AFP

Chuyện các nhà tài trợ, cụ thể là các hãng trang phục thể thao, can thiệp sâu vào chuyện nội bộ của các đội tuyển, liên đoàn bóng đá là không hiếm. Những năm 1990, người hâm mộ khắp thế giới phát cuồng vì tiền đạo Ronaldo của Brazil, thậm chí còn hơn với Messi bây giờ. Khi đó, Ronaldo cũng có hợp đồng riêng với Nike, hãng cung cấp trang phục thi đấu cho cả đội tuyển Brazil.

Theo hợp đồng, mỗi năm, đội tuyển Brazil phải thi đấu một số trận giao hữu nhất định theo yêu cầu của Nike. Thế mới có chuyện trớ trêu là đội bóng hùng mạnh nhất thế giới phải đá những trận vô bổ với những đối thủ làng nhàng, trong đó có cả một câu lạc bộ của Qatar chỉ vì Nike muốn bành trướng sang thị trường Trung Đông, hay làm đẹp lòng các đại gia Ả Rập.

Đỉnh điểm của sự can thiệp là ở trận chung kết World Cup 1998. Trước trận đấu, Ronaldo đã lên cơn động kinh “bí ẩn” và được chẩn đoán không đảm bảo sức khỏe để ra sân. Nhưng trước áp lực từ các nhà tài trợ, Brazil vẫn phải để “Ro béo” vào sân và kết cục là đội bóng vàng - xanh đã thua chủ nhà Pháp 0-3.

Cuộc chiến Adidas - Nike

Messi năm nay 29 tuổi, vẫn đủ sức đá đỉnh cao ít nhất 6 năm nữa. Nếu từ giã đội tuyển quốc gia, anh sẽ vắng mặt ở 2 kỳ World Cup là 2018 (ở Nga) và 2022 (Qatar). Thế là đủ hiểu Adidas sẽ thiệt hại nặng đến mức nào, bởi trong vòng chục năm tới, thế giới bóng đá khó mà tìm ra một cầu thủ xuất chúng như Messi. Trong khi đó, ai cũng biết cuộc cạnh tranh giữa Adidas với đối thủ Nike diễn ra khốc liệt đến mức nào.

Hiện trong địa hạt bóng đá, Adidas vẫn đang dẫn trước Nike. Theo số liệu của hãng tư vấn thể thao và giải trí Repucom, tại vòng chung kết giải vô địch bóng đá châu Âu Euro 2016, Adidas cung cấp áo đấu cho 9 trên tổng số 24 đội, chiếm 37% trong khi đối thủ Nike có 6 hợp đồng (25%). Số còn lại trong miếng bánh béo bở này thuộc về Puma (5 đội) và các hãng khác (4).

Không chỉ chiếm ưu thế về số lượng, Adidas còn khẳng định đẳng cấp qua việc biết “chọn mặt gửi vàng”.  Từ năm 1996 đến nay, tất cả các đội bóng giành chức vô địch Euro đều mặc áo đấu do Adidas cung cấp, qua đó củng cố vị thế của Adidas. Nhưng giờ, vị thế đó có thể bị đe dọa nếu như Messi giải nghệ thật sự. Lý do là hãng sản xuất trang phục thể thao Mỹ Nike lại đang có hợp đồng với 2 siêu sao khác là Cristiano Ronaldo và Neymar, những người xếp sau Messi trong cuộc bầu chọn Quả bóng Vàng năm vừa rồi.

Chẳng lẽ Adidas chịu để Nike làm mưa làm gió với Ronaldo và Neymar trong 2 kỳ World Cup tới, khi Messi vắng mặt?

Khi một cầu thủ từ giã đội tuyển quốc gia, lý do đưa ra thường là nhằm tập trung cho câu lạc bộ. Với trường hợp của Messi là câu lạc bộ Barcelona, nơi anh gắn bó từ khi mới 13 tuổi. Nhưng điều trớ trêu là trong khi Messi có hợp đồng riêng với Adidas thì Barcelona lại có hợp đồng với Nike. Vì thế, theo tiết lộ của báo Mundo Deportivo, từ cách đây 3 năm, Adidas từng đạo diễn vụ “đánh cướp” Messi khỏi Barcelona. Khi đó, hãng sản xuất trang phục thể thao Đức đã đề nghị được thanh toán một nửa số tiền mua đứt Messi khỏi Barcelona với giá 270 triệu USD, để đưa cầu thủ này sang Chelsea (đội bóng Anh thanh toán nửa còn lại).

Thương vụ trên sau đó bất thành, song Adidas vẫn âm thầm muốn đưa “viên ngọc” của mình xa khỏi tầm ảnh hưởng của đối thủ Nike. Hiện ngoài Chelsea, Adidas còn có hợp đồng với các đội bóng lớn khác như Real Madrid hay Bayern Munich.

Hoài Sa


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới