Chúng ta có cần thêm máy lạnh?
Sử dụng máy lạnh tại TP.HCM. Ảnh: Quý Hòa
Trong buổi họp phụ huynh đầu năm, cô Ngọc Lan, Hiệu trưởng một trường mầm non công lập tại TP.HCM, nhận được câu hỏi có thể lắp máy lạnh cho các lớp học được không. Trên tay các phụ huynh là văn bản quy định khoản tiền phí tối đa có thể thu, trong đó tiền điện máy lạnh chỉ vài chục ngàn đồng.
Đó không phải là ý kiến đơn độc. Gần đây, Đà Nẵng, một thành phố biển với 47% diện tích được thảm xanh bao phủ, đề xuất lắp 5.000 máy lạnh cho các trường công trong thành phố. Chưa nói đến khoản kinh phí khoảng 100 tỉ đồng cần chi (chưa rõ do ai chi), việc “máy lạnh hóa” có nhiều hệ lụy về môi trường đáng để cân nhắc.
“Cuộc tình lớn” của những nước nhiệt đới
Trong một bài báo đăng trên CNN, Heather Chen cho biết người lập quốc của Singapore, ông Lý Quang Diệu đã ca ngợi máy điều hòa nhiệt độ là “phát minh tuyệt vời nhất của thế kỷ XX”. Vị lãnh đạo này ngợi khen máy lạnh góp phần tăng năng suất lao động của đảo quốc từng là thuộc địa lạc hậu của Anh, nay biến thành một trong những trung tâm tài chính ưu việt của thế giới.
Singapore có tỉ lệ sử dụng máy lạnh đến 92%, cao nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á. Là một nước nhiệt đới gần xích đạo, lại có tỉ lệ đô thị hóa cao với những lớp bê tông phủ đầy bề mặt, đảo quốc Sư tử đã chứng kiến nhiệt độ không khí tăng đến 2,5oC trong vòng 70 năm từ năm 1950-2020. Khí hậu trở nên nóng hơn, thời gian và năng lượng người dân sử dụng cho máy lạnh sẽ nhiều hơn. Khi càng sử dụng máy lạnh, trời càng nóng thêm. Đó là một vòng luẩn quẩn cứ thế lặp lại và đây là vấn đề của sự bùng nổ máy lạnh tại Singapore.
Tỉ lệ sử dụng máy điều hòa nhiệt độ tại Việt Nam đã tăng từ 43% lên 68% trong 5 năm. Ảnh: Quý Hòa |
Cùng với sự phát triển kinh tế và sự thay đổi của môi trường khí hậu đô thị, việc sử dụng máy điều hòa nhiệt độ ở Việt Nam ngày càng trở nên phổ biến trong những năm gần đây, với tỉ lệ những hộ gia đình lắp đặt máy lạnh tăng lên. Một nghiên cứu của China Research & Intelligence cho biết tỉ lệ sử dụng máy điều hòa nhiệt độ tại Việt Nam đã tăng từ 43% lên 68% trong 5 năm (2017-2022). Xu hướng này sẽ còn tiếp tục khi Statista dự báo tỉ lệ sử dụng sẽ tăng đến 78% vào năm 2025.
Tuy có tỉ lệ sử dụng máy lạnh tương đối thấp so với các nước láng giềng như Thái Lan, Malaysia hay Singapore, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng ưa chuộng máy lạnh như các quốc gia Đông Nam Á khác. Khí hậu nhiệt đới với đặc tính cơ bản nóng và ẩm cao quanh năm là nguyên nhân chính. Biểu hiện của loại khí hậu này khiến con người cảm thấy mệt mỏi và giảm năng suất lao động khi làm việc ngoài trời, đặc biệt trong những ngày oi bức.
Một khảo sát do Tiến sĩ - Kiến trúc sư Đặng Thanh Hưng, Giảng viên Khoa Kiến trúc, Đại học Kiến trúc TP.HCM, thực hiện cho thấy việc thông gió tự nhiên vẫn là lựa chọn hàng đầu của người dân trong nhà ở khi được hỏi: “Nếu được lựa chọn, bạn ưu tiên hệ thống làm mát nào sau đây: thông gió tự nhiên, sử dụng quạt, và sử dụng máy lạnh?”. “Tuy nhiên, trong điều kiện khí hậu Việt Nam hiện tại, nhất là ở các đô thị lớn, không thể chỉ sử dụng thông gió tự nhiên”, Tiến sĩ Hưng bình luận với NCĐT.
Cái giá cho sự tiện nghi
Nhiệt độ tại Việt Nam đã tăng 1,4oC trong vòng 70 năm từ năm 1950-2020. Cũng trong khoảng thời gian này, Singapore đã ghi nhận mức tăng 2,5oC, cao nhất trong khu vực. Kênh CNN đã chỉ ra có mối liên hệ giữa máy lạnh và lý do đảo quốc này nóng lên, trong đó nổi lên 2 nhân tố lớn nhất là trái đất nóng lên và hiệu ứng đảo nhiệt đô thị.
Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết tại Việt Nam, máy lạnh là loại thiết bị gia dụng sử dụng điện nhiều nhất trong các hộ gia đình, chiếm 40% tổng lượng điện sử dụng. Nhu cầu năng lượng cao gây ra nhiều tác động về môi trường, máy điều hòa không khí chịu trách nhiệm cho khoảng 1/5 tổng phát thải khí nhà kính của Việt Nam. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã chỉ ra chỉ riêng máy điều hòa không khí trong phòng đã chiếm hơn 130 gigaton lượng khí thải CO2 từ năm 2019-2050, chiếm 20-40% “ngân sách carbon” còn lại của thế giới (để giữ tình trạng nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2oC).
Nhưng trái đất nóng lên không phải là tác nhân duy nhất làm tăng nhiệt độ. Còn một tác nhân có tên là hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, trong đó những khu vực có mức độ đô thị hóa cao có nhiệt độ cao hơn các khu vực xung quanh. Những con đường bê tông ít bóng cây trong trung tâm các thành phố như TP.HCM được ghi nhận nhiệt độ cao hơn 2-3oC so với các khu vực khác ở ngoại ô.
Càng nóng, người ta càng sử dụng nhiều máy lạnh. Càng dùng nhiều máy lạnh, trời lại càng nóng hơn. Làm sao để thoát khỏi vòng luẩn quẩn này? “Chắc chắn phải có kết hợp với hệ thống thông gió nhân tạo bên cạnh thông gió tự nhiên”, Tiến sĩ Hưng nói. Công nghệ hiện đại đã cho phép các dòng máy lạnh thế hệ mới tiêu hao ít điện năng hơn, đồng thời ứng dụng những loại khí làm mát ít gây hại cho môi trường hơn so với loại khí truyền thống. Điều này hứa hẹn một tương lai ít phát thải và giảm thiểu hiệu ứng nhà kính.
Trước nhu cầu tiếp xúc với tự nhiên của con người, giảng viên của Đại học Kiến trúc cho rằng vai trò của nhà quy hoạch và kiến trúc sư là tạo ra một môi trường vật lý tiện nghi và sức khỏe cho người dân và người sử dụng thông qua việc áp dụng các giải pháp thiết kế mang lại hiệu quả cao về môi trường, nhờ vậy tối ưu được thời gian thông gió tự nhiên hơn. Điều đó đồng nghĩa thời gian sử dụng máy lạnh sẽ được cắt giảm. Ông cũng nhấn mạnh việc quy hoạch đô thị có tính quan trọng hơn thiết kế kiến trúc, trong đó việc tạo ra những không gian mở cho gió tự do di chuyển và những mảng xanh sẽ có ích trong việc điều tiết không khí của đô thị ở các quy mô khác nhau.
Chính phủ Singapore đã thực hiện nhiều hành động và chính sách để giảm thiểu tác động của máy lạnh. Họ đã ban hành các quy định về năng lượng hiệu quả đối với máy lạnh, bao gồm yêu cầu về hiệu suất năng lượng và mức tiêu thụ điện tối đa nhằm mục đích giảm lượng điện năng tiêu thụ của máy lạnh. Họ cũng khuyến khích sử dụng các công nghệ làm mát mới, giảm lượng khí thải carbon.
Ngoài ra, Singapore thực hiện các hoạt động nâng cao nhận thức của người dân. Những hoạt động này được Cơ quan Năng lượng Singapore thống kê giúp điện năng tiêu thụ cho máy lạnh giảm 20% trong một thập kỷ, từ năm 2010-2020.
Tại Việt Nam, một số quy định đã được ban hành để giảm thiểu tác động của máy lạnh. Các quy định về năng lượng hiệu quả đối với máy lạnh, bao gồm yêu cầu về hiệu suất năng lượng và mức tiêu thụ điện tối đa giúp giảm lượng điện năng tiêu thụ. Chính phủ cũng khuyến khích sử dụng các công nghệ làm mát mới có hiệu quả cao hơn như hệ thống làm mát tập trung và hệ thống làm mát tự nhiên.
Làm mát tự nhiên nhờ thiết kế thụ động cũng là một phương thức mà Tiến sĩ - Kiến trúc sư Huỳnh Văn Khang, sáng lập Passive Design Lab kiêm Phó Trưởng Khoa Kiến trúc - Mỹ thuật, Đại học Công nghệ TP.HCM, đang ứng dụng cho những công trình tại Việt Nam. “Đôi lúc phải dũng cảm để quyết định lối sống có ý thức hơn”, Tiến sĩ Khang bình luận về việc từ bỏ sự thoải mái mà máy lạnh đem lại để sống cùng thiên nhiên. “Sự chuyển đổi về thiết kế thụ động không nên cực đoan, giống như khi một người chuyển từ ăn thịt sang ăn chay, cần có sự thích nghi từ từ”, ông nói thêm.
Trở lại với ngôi trường mầm non của cô Ngọc Lan, nơi 15 phòng học có diện tích 70 m2 mỗi phòng được xây theo hình cánh cung trong một khuôn viên rộng 4.200 m2. “Kinh phí lắp đặt máy lạnh do phụ huynh chi trả”, cô giải thích, “còn khoản tiền vài chục ngàn quy định trong văn bản chỉ là tiền điện thu hằng tháng”.
Trong ánh nắng chiều của một ngày tháng 10, 31oC, làn gió lùa từ những ô cửa lớn hòa cùng gió từ 4 chiếc quạt trần trong phòng họp cùng lời giải thích về chi phí đã nhấn chìm thảo luận về máy lạnh. Nhưng biết đâu vào một ngày hè nắng nóng đến 37oC, đề xuất lắp máy điều hòa nhiệt độ lại được đào lên.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Quyên Nhi