Hủy
Phong Cách Sống

Drone mở lối an toàn cho đỉnh Everest

Thứ Hai | 28/04/2025 17:20

Drone mang theo thức ăn, bình dưỡng khí, dây thừng, thang và nhiều thiết bị cần thiết lên các trạm cao hơn. Ảnh: DJI.

 
 
Drone đang thay đổi cách chinh phục Everest, mang thiết bị lên cao, vận chuyển rác thải xuống, mở ra một lối đi an toàn và bền vững cho các Sherpa.

Trên đỉnh Everest, giữa băng trắng và núi đá, những chiếc drone đang âm thầm thay đổi cách con người chinh phục "nóc nhà thế giới". Milan Pandey, "phi công" drone của Airlift Technology, đang phối hợp với các Sherpa (dân tộc thiểu số sống chủ yếu ở vùng núi cao Nepal) để mở ra một phương thức vận chuyển hoàn toàn mới. Drone mang theo thức ăn, bình dưỡng khí, dây thừng, thang và nhiều thiết bị cần thiết lên các trạm cao hơn, đồng thời mang rác thải từ các trại trên núi xuống Base Camp.

Khumbu Icefall, tuyến đường đầy hiểm nguy nối Base Camp (điểm xuất phát) với Camp One (trạm dừng chân đầu tiên), từ lâu đã là nỗi ám ảnh của các Sherpa những người có nhiệm vụ mở đường cho các đoàn leo núi. Mỗi mùa, nhiều Sherpa đã mất mạng khi phải nhiều lần trèo lên rồi lại quay xuống để khảo sát địa hình và mang theo thiết bị. Thời gian di chuyển qua Icefall (đoạn nguy hiểm nhất) mất tới sáu, bảy tiếng, trong khi drone chỉ cần sáu, bảy phút.

Năm 2024, Airlift Nepal (công ty công nghệ drone) lần đầu tiên thử nghiệm drone tại Everest, với sự hỗ trợ của DJI Trung Quốc và Ủy ban Kiểm soát Ô nhiễm Sagarmatha. Ban đầu, nhóm đối mặt với nhiều khó khăn do thời tiết lạnh giá, gió mạnh và tầm nhìn hạn chế. Sau một tháng làm quen với địa hình hiểm trở, họ bắt đầu vận chuyển thành công, drone bay lên Camp One, thả các thiết bị cần thiết theo chỉ dẫn tọa độ của Sherpa. Ngược lại, khi kết thúc các chuyến leo núi, drone cũng mang về những tải rác lớn, góp phần giảm ô nhiễm môi trường.

Phi công máy bay không người lái Milan Pandey đang đứng tại Trại căn cứ Everest. Công ty TNHH Công nghệ Airlift
Phi công máy bay không người lái Milan Pandey đang đứng tại Trại căn cứ Everest. Ảnh: Công ty TNHH Công nghệ Airlift

Trước đây, việc thu gom rác thải chủ yếu phụ thuộc vào sức người, khiến các Sherpa phải mạo hiểm mạng sống thêm nhiều lần qua lại Icefall chỉ để vác từng bao rác xuống. Khối lượng rác tồn đọng theo từng mùa leo núi gây ra nguy cơ ô nhiễm nghiêm trọng cho hệ sinh thái mỏng manh của Everest. Việc sử dụng drone đã thay đổi hoàn toàn cuộc chiến chống rác thải: nhanh hơn, an toàn hơn và bền vững hơn. Dự kiến trong những mùa leo núi tới, drone sẽ đảm nhận vai trò chủ lực trong việc vận chuyển rác, giúp trả lại vẻ hoang sơ vốn có cho ngọn núi huyền thoại này.

Trong đợt thử nghiệm đầu tiên, chỉ với một chiếc drone hoạt động chính, nhóm đã vận chuyển được 500 kg rác từ Camp One xuống Base Camp qua hơn 40 chuyến bay. Mỗi chuyến, drone chỉ mang khoảng 20 kg để đảm bảo an toàn. Đây là lần đầu tiên công nghệ bay không người lái tham gia một cách chủ động vào việc "giải cứu" Everest khỏi khủng hoảng rác thải leo núi.

Bên cạnh việc hỗ trợ Sherpa giảm số lần leo nguy hiểm, drone còn giúp rút ngắn thời gian mở đường. Dawa Janzu Sherpa, một “frontman” với tám năm kinh nghiệm băng qua thác băng Khumbu, cho biết nếu không có drone hỗ trợ mang thang và dây lên, năm nay họ khó có thể kịp thời sửa đường do thời tiết xấu liên tục. Drone đã làm giảm một nửa thời gian và rủi ro công việc của họ.

Nhưng, chi phí cho drone tại Everest không hề nhỏ. Mỗi chiếc drone chuyên dụng có giá khoảng 70.000 USD, chưa kể chi phí vận hành đắt đỏ tại vùng núi không có điện, phải dùng nhiên liệu để sạc pin. Tuy vậy, những người như Pandey và Bikram CEO của Airlift Nepal tin rằng lợi ích lâu dài về an toàn, bảo vệ môi trường và giữ gìn truyền thống Sherpa là vô cùng xứng đáng.

Ngày càng nhiều Sherpa trẻ từ chối theo nghề leo núi nguy hiểm để tìm kiếm công việc an toàn hơn ở nước ngoài. Các nhà sáng lập Airlift hy vọng rằng, với sự hỗ trợ của drone, nghề Sherpa sẽ trở nên an toàn hơn và hấp dẫn trở lại.

Drone không làm mất đi tính thử thách của Everest, mà chỉ làm cho hành trình bớt rủi ro, đặc biệt đối với những người hùng thầm lặng mở đường cho các đoàn leo núi. "Ngọn núi vẫn là ngọn núi. Thử thách vẫn còn nguyên," như lời của Lisa Thompson, người từng chinh phục bảy đỉnh núi cao nhất thế giới.

Sự ra đời của drone trên Everest không chỉ đơn thuần là một cải tiến kỹ thuật đó còn là sự tiến hóa tất yếu để con người có thể chạm tới những giới hạn của mình một cách an toàn và bền vững hơn.

Có thể bạn quan tâm:

5 bí quyết chọn bảo hiểm du lịch thông minh

Nguồn CNN


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới