Hủy
Phong Cách Sống

Gen Z: Thế hệ kiệt sức mới trong cuộc đua khốc liệt?

Khánh Tú Thứ Tư | 13/11/2024 14:32

Gen Z đang chật vật với việc độc lập tài chính. Ảnh: FT.

 
 
Giới trẻ Anh đối mặt khủng hoảng chi phí sống và thu nhập yếu, khiến độc lập tài chính trở thành thách thức lớn.

Mỗi thế hệ đều cho rằng cuộc sống của họ khó khăn hơn thế hệ trước, và Gen Z cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, dữ liệu mới nhất cho thấy người trẻ Anh hiện nay đang gặp nhiều bất ổn hơn bao giờ hết để đạt được sự tự chủ tài chính trong bối cảnh kinh tế ngày càng bất ổn.

Theo các nhà kinh tế, giá nhà cao, mức lương tăng chậm và công việc thiếu ổn định đang là những yếu tố đe dọa khả năng tự chủ tài chính của người trẻ, để lại tác động lâu dài cho cả lựa chọn kinh tế và xã hội của họ. Dù Gen Z ở nhiều quốc gia phát triển khác cũng gặp khó khăn, giới trẻ Anh chịu áp lực đặc biệt khi cuộc khủng hoảng chi phí sống nổ ra sau một thập kỷ thu nhập trì trệ và mức sống thấp.

“Bất ổn kinh tế tác động trực tiếp đến thị trường lao động, tỉ lệ sinh và quyết định lập gia đình. Điều này khiến người trẻ khó tìm thấy chỗ đứng trong xã hội”, bà Molly Broome, Chuyên gia phân tích tại Resolution Foundation, nhận định.

Thay đổi lối sống

Những cột mốc trưởng thành như kết hôn, sở hữu nhà và sinh con đang diễn ra muộn hơn trước. Dữ liệu cho thấy phần lớn người Anh ngày nay kết hôn vào đầu tuổi 30. Tuổi trung bình của người mua nhà lần đầu đạt mức kỷ lục 34, và tỉ lệ sinh của phụ nữ trong độ tuổi 20 đã giảm mạnh nhất từ khi có dữ liệu năm 1964.

Áp lực tài chính cũng ảnh hưởng đến thói quen xã hội, khi gần hai phần ba Gen Z phải từ chối các kế hoạch giao lưu do hạn chế kinh tế, theo khảo sát của Phoenix vào tháng 5 với 2.000 người lớn. Hơn một phần tư nhóm này không chi tiêu vào các mặt hàng xa xỉ như rượu và thuốc lá.

Ông Toby Murray, Nghiên cứu viên cấp cao tại Money and Mental Health Institute, cho biết sự thay đổi này phần nào phản ánh ảnh hưởng từ các nhân vật nổi tiếng trên TikTok và YouTube như Andrew Tate, người thu hút người theo dõi bằng lời hứa về sự thành công và giàu có. “Họ dùng khái niệm tự do tài chính để đánh vào nỗi lo, rồi gieo rắc ý tưởng rằng bạn thất bại do lựa chọn sống sai lầm”, ông nói.

Sự chênh lệch kinh tế ngày càng rõ giữa nam và nữ cũng ảnh hưởng đến quan điểm và hành vi xã hội. Dữ liệu cho thấy phụ nữ trẻ đang vượt trội hơn trong học tập và nghề nghiệp, trong khi nam giới trẻ ít uống rượu hơn gấp đôi người trưởng thành trung bình, theo dữ liệu độc quyền từ cuộc khảo sát của Drinkaware năm 2024 trên hơn 5.000 người lớn. Khoảng một phần ba nam giới 18-24 tuổi cho biết họ không bao giờ uống rượu, so với 19% ở nữ giới cùng độ tuổi.

Khó khăn về nhà ở

Ngày càng nhiều người trẻ Anh phụ thuộc vào hỗ trợ tài chính từ bố mẹ để chi trả hóa đơn, thuê hoặc mua nhà. Khoảng một phần ba Gen Z từ 25 đến 27 tuổi vẫn sống cùng gia đình vào năm 2023, tăng so với một phần năm hai thập kỷ trước.

Bà Broome cho biết chi phí nhà đất leo thang là rào cản lớn đối với sự độc lập của giới trẻ, khiến nhiều người không thể thuê nhà, chưa kể đến mua nhà. “Giá nhà tăng nhanh hơn thu nhập, đẩy các cột mốc như sở hữu nhà lùi xa, và hỗ trợ từ bố mẹ ngày càng cần thiết. Điều này có thể ảnh hưởng đến bất bình đẳng tài sản trong xã hội”, bà cảnh báo.

Tỉ lệ sở hữu nhà của nhóm dưới 25 tuổi giảm từ 24% năm 2004 xuống còn 10% vào năm 2023, trong khi số người mua nhà nhờ hỗ trợ tài chính từ gia đình đạt mức cao nhất trong 11 năm qua, với 57% trong năm nay.

Khi số lượng người trẻ thuê nhà tăng, áp lực tài chính cũng tăng theo, với lạm phát tiền thuê nhà đạt 9,2% đầu năm nay, mức cao nhất kể từ năm 2015. Điều này ảnh hưởng nặng nề đến Gen Z, với tỉ lệ thuê nhà cao gấp đôi millennials và trung bình gần một nửa thu nhập dành cho tiền thuê nhà.

Thị trường lao động

​​Người trẻ cũng là đối tượng chịu áp lực từ hơn một thập kỷ tăng trưởng lương thấp, công việc thiếu ổn định trong nền kinh tế gig (nền kinh tế mà trong đó mọi người thường làm việc bán thời gian hoặc tạm thời), và khủng hoảng sức khỏe tâm thần sau đại dịch làm tỉ lệ không tham gia kinh tế tăng kỷ lục.

Do đó, Gen Z và millennials ngày càng phải dựa vào bố mẹ để trang trải chi phí hàng ngày, với một phần ba phải nhận hỗ trợ của gia đình để trả tiền nhà và hóa đơn, theo khảo sát của Virgin Media O2 với nhóm 18-35 tuổi.

Mức tăng của lương tối thiểu mạnh vào tháng 4/2025 có thể giúp giảm bớt áp lực chi phí cho người trẻ, với mức tăng 18% cho độ tuổi 16-17 lên 7,55 bảng và 16,3% cho độ tuổi 18-20 lên 10.00 bảng, vượt xa mức tăng lương chung 6,7%.

Sức khỏe tinh thần

Bất ổn kinh tế gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần của người trẻ. Dữ liệu chính thức cho thấy số lượng hồ sơ xin trợ cấp vì các vấn đề tâm thần của người từ 16 đến 27 tuổi đã tăng hơn gấp đôi trong ba năm tính đến tháng 6.

Nghiên cứu từ King's College London năm 2023 cho thấy, điều này phản ánh thực tế gia tăng bệnh tâm thần chứ không chỉ do nhận thức. Hai phần ba người trên 30 tin rằng sức khỏe tinh thần của người trẻ hiện nay tồi tệ hơn so với độ tuổi của họ. Phần lớn cũng cho rằng khả năng tài chính và triển vọng tương lai của giới trẻ kém hơn trước.

Ông Craig Morgan, đồng Giám đốc Trung tâm Sức khỏe Tâm thần ESRC tại King's College London, cho rằng mức độ cởi mở hơn trong việc chia sẻ về sức khỏe tinh thần chỉ giải thích một phần sự gia tăng này. Các yếu tố như đại dịch, bất ổn kinh tế và khó khăn trong việc sở hữu nhà cũng đóng vai trò quan trọng.

Có thể bạn quan tâm:

Tiềm năng Đông Nam Á bị kìm hãm bởi các tập đoàn lớn như thế nào?

Nguồn FT


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới