Giấc mơ tạo sóng văn hóa của V-pop
_211212558.png)
So với những năm trước, V-pop đã có nhiều tiềm năng hơn. Ảnh: TL
Hãy Trao Cho Anh” hợp tác cùng rapper Snoop Dogg của ca sĩ Sơn Tùng M-TP từng khiến khán giả quốc tế phải tò mò hay nữ ca sĩ Chi Pu gây chú ý khi bước chân vào thị trường Trung Quốc đã làm dấy lên hy vọng biến những khoảnh khắc riêng lẻ này thành một làn sóng văn hóa Việt đủ sức ảnh hưởng.
Theo Statista, Việt Nam đứng trong nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng doanh thu âm nhạc trực tuyến nhanh nhất Đông Nam Á, với doanh thu ước đạt gần 40 triệu USD năm 2024. Trong khi đó, thống kê của Spotify Việt Nam cho biết các ca khúc của Sơn Tùng M-TP, Hoàng Thùy Linh và Đen Vâu đã nằm trong danh sách những bài hát được phát trực tuyến nhiều nhất ở khu vực. See Tình của ca sĩ Hoàng Thùy Linh cũng trở thành hiện tượng trên TikTok, xuất hiện trong các video từ Trung Quốc đến Hàn Quốc...
So với những năm trước, V-pop đã có nhiều tiềm năng hơn. Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018-2022, theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đóng góp ước tính 1,059 triệu tỉ đồng (tương đương 44 tỉ USD) với tốc độ tăng trưởng 7,2%/năm. Chỉ thị của Thủ tướng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam cũng xác định tập trung phát triển ngành một cách nhanh chóng, bền vững, độc đáo, bản sắc.
![]() |
Số lượng người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài cũng là yếu tố lan tỏa. Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến năm 2023, có hơn 650.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài, trong đó một phần lớn làm việc tại các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Đây không chỉ là lực lượng lao động, mà còn là nhóm khán giả quốc tế tiềm năng của V-pop.
Dù vậy, các hiện tượng này chỉ như những cơn sóng nhỏ, thiếu sức mạnh và sự bền bỉ để tạo nên một làn sóng văn hóa mạnh mẽ như Hallyu của Hàn Quốc. So sánh với K-pop, càng thấy rõ khoảng cách lớn. Thực tế cho thấy Hallyu không chỉ thành công nhờ âm nhạc bắt tai, mà còn bởi hệ sinh thái văn hóa bao quanh từ phim ảnh, thời trang đến game online. Tất cả đều được kết nối chặt chẽ cũng như có sự hỗ trợ từ chiến lược phát triển quyền lực mềm của Chính phủ Hàn Quốc.
Thêm vào đó, từ giữa thập niên 1990, quốc gia này đã thành lập Cục Công nghiệp Văn hóa và đầu tư hàng tỉ USD vào việc quảng bá văn hóa. Chính phủ không chỉ đóng vai trò xúc tác mà còn trực tiếp hỗ trợ các tập đoàn giải trí lớn như SM, JYP và YG để phát triển các thần tượng âm nhạc thành biểu tượng toàn cầu.
Nhìn lại V-pop, để có thể chinh phục thế giới, không chỉ cần bài hát bắt tai, mà còn phải xây dựng được những giá trị văn hóa riêng biệt. Một bài hát muốn lan tỏa lâu dài phải mang dấu ấn văn hóa rõ nét, bởi thế giới sẽ không nhớ đến V-pop nếu những giai điệu không có gì khác biệt so với nhạc phương Tây hay K-pop. Tương tự, nhạc sĩ Lucas Luân Nguyễn cho biết việc thiếu vắng yếu tố văn hóa trong sản phẩm âm nhạc là một hạn chế lớn để V-pop bước ra sân chơi lớn.
Có thể thấy những nỗ lực quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới vẫn còn phân tán và thiếu chiến lược dài hạn. Các nghệ sĩ như Sơn Tùng M-TP hay Hoàng Thùy Linh đã tạo được tiếng vang nhất định, nhưng những thành công này phần lớn mang tính cá nhân, thiếu sự hậu thuẫn từ một hệ sinh thái văn hóa đồng bộ. “Những hiện tượng này có thể là tiền đề quảng bá nhạc Việt nhưng chưa thực sự tạo được ảnh hưởng sâu sắc. Thành công của một vài cá nhân không thể đại diện cho cả một ngành công nghiệp”, nhạc sĩ Quốc Trung cho biết.
![]() |
Một làn sóng văn hóa mạnh mẽ không thể chỉ dựa vào tài năng cá nhân. Và như đã nói, sức hút của âm nhạc không chỉ nằm ở giai điệu mà còn ở câu chuyện mà nó truyền tải. Việt Nam có rất nhiều câu chuyện văn hóa độc đáo, từ lịch sử đến nghệ thuật truyền thống. Vấn đề là làm như thế nào kể chúng bằng ngôn ngữ hiện đại, để lan tỏa đến thị trường quốc tế. Nhạc Việt đã có những dự án âm nhạc như “Để Mị Nói Cho Mà Nghe” của ca sĩ Hoàng Thùy Linh đã phần nào minh chứng cho sự hấp dẫn của việc hiện đại hóa yếu tố truyền thống. Hay ca khúc “Hãy Trao Cho Anh” của Sơn Tùng M-TP từng nằm trong danh sách phát phổ biến tại Malaysia và Singapore, cho thấy sức hấp dẫn của V-pop với công chúng trong khu vực, cũng như tiềm năng tạo nên một vòng tuần hoàn mới trong việc lan tỏa quyền lực mềm.
“Dưới sự dẫn dắt của Chính phủ, ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đang trở thành một trụ cột quan trọng của nền kinh tế sáng tạo. Với sự kết hợp hài hòa giữa sáng tạo, sản xuất và thương mại hóa, ngành này không chỉ tạo ra giá trị kinh tế ấn tượng, mà còn đóng góp vào việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Tiềm năng phát triển bền vững sẽ là động lực mạnh mẽ giúp Việt Nam khẳng định vị thế trong ngành công nghiệp văn hóa toàn cầu”, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Donna Cleveland, Trưởng Khoa Truyền thông và Thiết kế tại Đại học RMIT Việt Nam, nhận định.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
