Hộp kể chuyện cho bảo tàng
Một thực tế là từ nhiều năm nay, đa phần các bảo tàng tại TP.HCM thường trong tình trạng vắng khách. Ảnh: Quý Hòa
Hộp kể chuyện được thiết kế có hình dáng một chiếc hộp mở, vừa có sự liên kết với thế giới bên ngoài mà vẫn đảm bảo được chất lượng hình ảnh, âm thanh bên trong. Bước vào hộp, dựa trên bảng điều khiển, du khách có thể lựa chọn những thông tin dữ liệu muốn tìm hiểu thông qua các biểu tượng được cài đặt sẵn. Sau khi chọn, hộp sẽ tự thuyết minh về các hiện vật được trưng bày dưới dạng những câu chuyện kể hoặc trò chuyện, hội thoại trong thời gian khoảng 3 phút. Các phần hình ảnh của hiện vật cũng được làm mới nhờ đồ họa hiện đại. Đi kèm với hình ảnh, hội thoại là âm nhạc. Nói cách khác, đó là một thước phim âm thanh được tái hiện đầy đủ kịch tính.
Việt Nam là quốc gia đầu tiên được Pháp hỗ trợ thực hiện mô hình này, từ chi phí bản quyền cho đến chi phí thiết kế. Phần số hóa các di sản để chuyển thành kịch bản của những câu chuyện kể do phía các bảo tàng thực hiện. Do hạn chế về mặt số lượng nên mỗi chiếc hộp sẽ “kể” 2 câu chuyện quanh 4 hiện vật gồm Tượng Ganesha văn hóa Champa, Lương Tài hầu chi Ấn, Áo Dài của bà Nguyễn Thị Bình và Tòa nhà Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM (từng là tòa nhà của dòng họ Hui Bon Hoa, tức chú Hỏa). Sau Bảo tàng TP.HCM và Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, 2 chiếc hộp sẽ lần lượt được luân chuyển đến hệ thống các bảo tàng khác trong thành phố.
“Để phát huy hộp kể chuyện, chúng tôi sẽ tiếp tục bổ sung những nội dung, tài liệu, hiện vật, những câu chuyện thú vị và hấp dẫn hơn vào hộp. Đây chính là cơ hội để mang hình ảnh của các bảo tàng đến gần với công chúng”, bà Đoàn Thị Trang, Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng TP.HCM, chia sẻ. Làm thế nào để thu hút công chúng đến với bảo tàng, đặc biệt là công chúng trẻ tuổi đã và đang là thách thức, không chỉ riêng các bảo tàng tại Việt Nam. Vì lẽ đó, từ những năm 2015-2016, các chuyên gia tại Bảo tàng Confluences đã nảy ra ý tưởng thiết kế những chiếc hộp biết kể chuyện đặt tại các địa điểm công cộng như sân bay, nhà ga, bệnh viện, trường học... nhằm thu hút những người ít đến bảo tàng có thể tìm hiểu thêm về các hiện vật đang được trưng bày.
Sáng kiến này đã giúp lượng du khách tìm đến Bảo tàng Confluences tăng lên từ 3-5 lần so với trước kia. Bà Hélène Lafont-Couturier, Tổng Giám đốc Bảo tàng Confluences, cho biết mô hình hộp kể chuyện không chỉ thu hút du khách đến tham quan bảo tàng mà còn tăng cường khả năng giáo dục... tại Pháp. “Những chiếc hộp vừa khơi dậy sự tò mò khám phá, vừa có cách tiếp cận mới mẻ, trực diện, sinh động và không mất quá nhiều thời gian nên dễ dàng thu hút du khách”, đại diện Bảo tàng nói.
Bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, lý giải, vì nhiều yếu tố liên quan đến chi phí thiết kế, đến điều kiện bảo quản nên những chiếc hộp tại Việt Nam trước mắt sẽ luân phiên đặt tại bảo tàng. Tuy nhiên, mong mỏi của bà và những người làm bảo tàng nói chung là có thể nhân rộng chiếc hộp cũng như thu hút thêm nhiều nguồn lực tham gia để có thể mang chiếc hộp kể chuyện này đến các địa điểm khác có đông người qua lại như công viên, trường học hay trung tâm thương mại. Chỉ như vậy, chiếc hộp mới có thể phát huy được hết hiệu quả của nó, cũng như lan tỏa được tình yêu di sản đến nhiều người.
Một thực tế là từ nhiều năm nay, đa phần các bảo tàng tại TP.HCM thường trong tình trạng vắng khách. Kể cả khách đoàn là học sinh, sinh viên tham gia ngoại khóa cũng đi theo kiểu cho có, theo tour của trường. Anh Trần Đăng Khoa, hướng dẫn viên tại một công ty du lịch, cho biết điểm yếu của các bảo tàng hiện nay là không có sự thay đổi sau nhiều năm và cũng không có chương trình cụ thể để thu hút khách tham quan. “Ngoại trừ Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh thường thu hút khách quốc tế và Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, bảo tàng chuyên sâu về mỹ thuật thì các bảo tàng ở TP.HCM gần như không có hoạt động gì nổi bật”, anh Khoa nói.
Theo chị Nguyễn Thị Thu Hà, một cây bút chuyên về văn hóa, di sản, sở dĩ hệ thống các bảo tàng ở Việt Nam không thu hút được giới trẻ đến tham quan là vì không gian quá kín. “Muốn bảo tàng “sống” thì trước hết nó phải gần gũi, phải bắt kịp những gì đang diễn ra trong đời sống”, chị Hà nhấn mạnh. Chị cũng chia sẻ, trong những năm gần đây, một số bảo tàng tại TP.HCM có sự đổi mới, áp dụng công nghệ số trong trưng bày, cải thiện cơ sở vật chất và nâng cao trình độ đội ngũ hướng dẫn viên nhưng chừng đó là chưa đủ. Theo chị Hà, cần có những giải pháp cụ thể hơn để hiện đại hóa các bảo tàng như trường hợp của Bảo tàng Lịch sử TP.HCM.
Đây là đơn vị tiên phong ở TP.HCM thực hiện dự án bảo tàng tương tác thông minh trên nền tảng công nghệ 3D. Dự án còn tích hợp các ứng dụng đa phương tiện như bài giới thiệu, video clip, âm nhạc... giúp du khách có cái nhìn bao quát, tiếp cận những thông tin cơ bản 18 phòng trưng bày của Bảo tàng. Bảo tàng còn mở chuyên mục trưng bày trực tuyến, kho mở trực tuyến giới thiệu các bộ sưu tập, hiện vật sưu tầm chưa có điều kiện trưng bày lên website và fanpage để nhiều người được tiếp cận.
Một số ý kiến cho rằng cần có những chương trình/tour chuyên sâu và nhiều hoạt động mới, trẻ trung và tiệm cận với đời sống. Có như vậy mới thu hút được nhiều người đến bảo tàng, đặc biệt là người trẻ tuổi. Cách truyền thông và tổ chức các tour tham quan Nhà tù Hỏa Lò đã và đang thực hiện rất đáng để tham khảo.
“Các bảo tàng tại TP.HCM cần thêm nhiều dự án hấp dẫn như hộp kể chuyện hay các chuyên mục bảo tàng và những câu chuyện kể mỗi tháng giới thiệu một câu chuyện xoay quanh những hiện vật hoặc bảo vật quốc gia như cách làm của Bảo tàng Lịch sử TP.HCM”, chị Hà chia sẻ.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư