Kinh tế tuần hoàn: Độ bền lên ngôi
Ảnh: ft.com
Thoạt nghe qua khẩu hiệu “Lego as a service” (Tạm dịch: Lego như một dịch vụ) có cảm giác giống như đây là trò đùa Cá Tháng Tư. Nhưng trên thực tế, dịch vụ cho thuê đồ chơi của nhà sản xuất đồ chơi Đan Mạch này là một nỗ lực của Công ty nhắm đến xu hướng bền vững.
Trong thời đại các nguồn lực sụt giảm mạnh, việc thay đổi cách sản phẩm được “đối xử” mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và cả môi trường. Động lực phát triển bền vững của Lego xuất phát từ công thức đằng sau những khối gạch nhiều màu sắc. Hầu hết các khối gạch Lego sản xuất mỗi năm đều được làm từ ABS, một loại nhựa có sức bám rất chắc chắn cho phép giữ các khối gạch cố định với nhau, nhưng lại phụ thuộc vào xăng dầu.
Vì thế, việc cho thuê đồ chơi Lego thay vì để cho chúng phủ bụi bặm trong gác xép có thể làm giảm nhu cầu sản xuất. Nhưng như Lego thừa nhận, ý tưởng này chỉ mới là đề xuất mà thôi.
Dù vậy, ý tưởng cốt lõi của nền kinh tế tuần hoàn - giảm chất thải và cải thiện tuổi thọ sản phẩm - có thể áp dụng được trên các ngành khác như ngành dệt may. Ngành dệt may sử dụng lượng lớn nước, hóa chất và chất thải độc hại, một vấn đề nghiêm trọng ở các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Việt Nam và Thái Lan.
Nhưng DyeCoo (Hà Lan) đã phát triển một quy trình nhuộm vải không sử dụng nước và không dùng thêm hóa chất nào ngoại trừ màu nhuộm. Để làm được điều này, Công ty sử dụng khí CO2 điều áp cao giúp hòa tan màu nhuộm và đưa màu thấm sâu vào vải. CO2 khi đó bốc hơi, được tái chế và sử dụng lần nữa. Cứ như vậy 98% màu nhuộm được hấp thụ vào vải, giúp vải giữ được sắc màu rực rỡ. Và vì vải không cần phải sấy khô nên quy trình chỉ mất phân nửa thời gian, giảm lượng chất thải, sử dụng ít năng lượng hơn và thậm chí chi phí thấp hơn. DyeCoo đang hợp tác với các thương hiệu lớn như Nike (Mỹ) và Ikea (Thụy Điển).
Không chỉ sản xuất, ở khía cạnh tiêu dùng, các chuỗi thời trang nhanh đã triệt để tận dụng tinh thần tiết kiệm được khơi nguồn cảm hứng của thế hệ millennial, vốn rất muốn sở hữu những bộ trang phục của người nổi tiếng xuất hiện trên Instagram, nhưng với giá mềm hơn. Nhưng giới phê bình cho rằng dòng chảy không ngừng loại quần áo rẻ tiền, mà phần lớn trong số chúng không dễ tái chế, lại không hề bền vững dưới góc nhìn về môi trường. Các cơ quan truyền thông như Financial Times cũng cho thấy điều kiện làm việc tại các nhà máy sản xuất hàng thời trang nhanh cực kỳ tồi tệ.
Một báo cáo năm 2017 về ngành dệt và nền kinh tế do Ellen MacArthur Foundation thực hiện đã đề xuất những giải pháp mang tính tuần hoàn hơn. Báo cáo này đề xuất đẩy mạnh các dịch vụ cho thuê quần áo thường phục và kêu gọi nhiều biện pháp hơn nữa để bán lại những trang phục đã qua sử dụng, vừa giúp khách hàng kiếm tiền vừa giúp sản phẩm nằm trong hệ thống tuần hoàn lâu hơn. Các startup như Rent the Runway (trụ sở tại Mỹ) hiện cho thuê những bộ thời trang thiết kế mà những người mặc chúng có thể chỉ sử dụng 1 hoặc 2 lần mà thôi. Việc cho thuê sẽ giúp cho những bộ trang phục đó được tái sử dụng, kéo dài vòng đời của sản phẩm.
Ngành nội thất cũng đang xem xét những ý tưởng tương tự. Ikea chẳng hạn đã bắt đầu cho thuê đồ nội thất vào tháng 2 vừa qua để kiểm tra tính khả thi của các dịch vụ đăng ký thuê đồ nội thất, theo đó tất cả mọi món đồ từ ghế văn phòng cho đến bàn ăn đều có sẵn để mọi người thuê lại. Nhà bán lẻ đồ nội thất lớn nhất thế giới này cho biết Công ty đặt mục tiêu cắt giảm lượng khí thải tới 70% trên mỗi sản phẩm đến năm 2030. Các biện pháp gồm cải thiện quy trình tái chế và cung cấp dịch vụ “phụ tùng” cho phép khách hàng sửa chữa nội thất tại nhà.
Để mở rộng nền kinh tế tuần hoàn, các nhà sản xuất cần phải suy nghĩ lại đâu là ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp. Thay vì sản xuất sản phẩm càng nhanh, càng rẻ càng tốt, thì độ bền của sản phẩm và quy trình sản xuất bền vững mới là yếu tố then chốt. Sản phẩm cần được thiết kế sao cho dễ dàng tái chế nếu muốn chúng không phải kết thúc số phận ở các bãi chôn rác. Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ phải nỗ lực phát triển các chuỗi cung ứng thân thiện với môi trường.
Có lẽ phần khó khăn nhất trong sứ mệnh mở rộng nền kinh tế tuần hoàn sẽ là thuyết phục người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm. Những dịch vụ cho thuê lại sẽ cạnh tranh với các dịch vụ thuê bao hằng tháng từ Netflix, Spotify, Peloton... Một trở ngại khác cần vượt qua là chọn mua một sản phẩm mới đôi khi rẻ hơn và tiện lợi hơn so với mua một sản phẩm đã qua sử dụng hoặc sửa lại một sản phẩm bị hỏng.
Hiện tại, những ai muốn vừa tiết kiệm vừa thân thiện với môi trường đang tìm đến các cửa hàng từ thiện. Một điều đáng mừng là quần áo đã qua sử dụng lại có thể bền vững hơn quần áo mới và thường còn mốt. Thậm chí một số cửa hàng còn có các bộ Lego xếp trên quầy kệ, được gửi đến bởi những cha mẹ đau đầu tìm chỗ cất sau khi con đã chơi chán.
►Kinh tế tuần hoàn: Không nên dừng ở những nhà sản xuất lớn
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Lam Ngọc
-
Ông Michael Kokalari, CFA, VinaCapital
Ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ không gây tác động lớn đến kinh tế Việt ...