Hủy
Phong Cách Sống

Nhạc sống thăng hoa giữa suy thoái

Thứ Sáu | 28/03/2025 16:58

Khi nhu cầu suy giảm, những người chịu ảnh hưởng lớn nhất lại không phải các nghệ sĩ. Ảnh: The Economist.

 
 
Dù kinh tế Mỹ có dấu hiệu suy yếu, ngành tổ chức hòa nhạc vẫn bùng nổ, khi vé chợ đen là tấm đệm bảo vệ doanh thu.

Không khí trên Phố Wall ảm đạm, khi chính phủ Mỹ siết chặt thương mại và nền kinh tế có dấu hiệu suy thoái. Người tiêu dùng dường như sắp cắt giảm chi tiêu. Tuy nhiên, một lĩnh vực giải trí vẫn đang tưng bừng, là nhạc sống.

Live Nation, công ty tổ chức hòa nhạc lớn nhất thế giới, dự báo ngành nhạc sống sẽ lập kỷ lục vào năm 2025. Theo công ty dữ liệu Sensor Tower, lượng truy cập vào ứng dụng Ticketmaster của Live Nation trong tháng 2 vừa qua đã tăng 70% so với cùng kỳ năm trước.

Tất nhiên, bữa tiệc này có thể sẽ sớm tàn. Nhưng lịch sử cho thấy nhạc sống thường đứng vững ngay cả khi kinh tế suy thoái. Dù từng lao đao vì các đợt phong tỏa do đại dịch COVID-19, nhưng theo Goldman Sachs, trong ba cuộc suy thoái trước đó của Mỹ, các buổi hòa nhạc vẫn duy trì sức hút ngay cả khi chi tiêu cho các loại hình giải trí khác sụt giảm.

Có nhiều lý do giải thích cho điều này. Thứ nhất, khán giả thường đặt vé trước nhiều tháng, giúp trì hoãn tác động của suy thoái. Thứ hai, giá vé hòa nhạc của các nghệ sĩ lớn tại Mỹ vẫn rẻ hơn so với một đêm ở Broadway hay một trận đấu bóng bầu dục. Do đó, đây chưa phải là thú vui đầu tiên bị cắt giảm, thậm chí có thể trở thành lựa chọn thay thế tiết kiệm hơn. Ngoài ra, việc âm nhạc ngày càng mang tính toàn cầu hoá giúp các nghệ sĩ lưu diễn dễ dàng điều chỉnh lịch trình. Nếu nhu cầu giảm ở Johannesburg, họ có thể bổ sung thêm đêm diễn ở Jakarta.

Những "cứu tinh" bất ngờ nhất của nhạc sống trong thời kỳ suy thoái lại là nhóm thường bị xem là kẻ phản diện: dân phe vé. Vé hòa nhạc thường được định giá thấp hơn giá trị thực nhằm đảm bảo rằng những người hâm mộ thực thụ, trẻ trung, sành điệu nhưng ít tiền, vẫn có cơ hội góp mặt bên cạnh giới trung lưu giàu có và khách hàng doanh nghiệp. Dân phe vé tận dụng điều này để mua vé sớm và bán lại với giá thị trường. Khi kinh tế phát triển, nhóm người này lại kiếm bộn tiền. Năm 2019, trước đại dịch, Live Nation cho biết giá vé trên thị trường thứ cấp tại Mỹ trung bình cao hơn 70% so với giá gốc, mang lại cho dân phe vé khoản lợi nhuận 1,3 tỉ USD, thậm chí còn hơn cả lợi nhuận hoạt động của chính Live Nation trong năm đó.

Nhưng khi nhu cầu suy giảm, dân phe vé là những người nhận tác động đầu tiên. Hai chuyên gia Stephen Laszczyk và Antares Tobelem của Goldman Sachs nhận định rằng lợi nhuận khổng lồ từ thị trường vé chợ đen thực chất là một "tấm đệm" giúp thị trường chính thức tránh bị ảnh hưởng từ suy thoái. "Nếu kinh tế suy giảm, thị trường thứ cấp sẽ hấp thụ phần lớn tác động từ sự suy giảm nhu cầu, qua đó bảo vệ biên lợi nhuận của ngành nhạc sống", họ nhận định.

Nếu những dự báo bi quan về nền kinh tế Mỹ trở thành sự thật, người hâm mộ có thể không còn sẵn sàng trả mức giá cao để xem Oasis trong tour diễn tái hợp vào tháng 7. Nhưng khi vé chính thức đã bán hết, anh em nhà Gallagher chẳng có gì phải lo lắng. Những người thực sự "sống chung với lũ" chính là dân buôn vé trên thị trường thứ cấp.

Có thể bạn quan tâm:

Bạc hết thời làm "kép phụ"?

Nguồn The Economist


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới