Một số nước thận trọng mở cửa sau khi kiểm soát được dịch bệnh
Thận trọng mở cửa
Ở New Zealand, một đất nước có 5 triệu dân, các ca nhiễm mới đứng ở 1 con số trong nhiều tuần qua. Úc báo cáo chỉ có 7 ca nhiễm mới vào ngày 23.4 và được đưa vào nhóm số ít các quốc gia chặn đứng được COVID-19.
Ngày 5.5, Úc và New Zealand ra tuyên bố cho biết những nỗ lực nhằm khôi phục hoạt động đi lại giữa hai nước sẽ mất một khoảng thời gian trong bối cảnh hai quốc gia châu Á-Thái Bình Dương này đang thận trọng mở cửa lại hầu hết các hoạt động kinh tế vốn đã phải ngừng lại do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Theo Giám đốc điều hành của hãng hàng không Qantas Airways Ltd, Alan Joyce, các chuyến bay giữa Úc và New Zealand có thể hoạt động trở lại sau khi các tuyến đường bay nội địa mở cửa trở lại. Quy mô hoạt động của Qantas hiện chỉ ở mức 5% mạng lưới nội địa và 1% mạng lưới quốc tế so với thời điểm trước thời kỳ dịch bệnh. Trên thực tế, việc hai nước mở lại đường bay giữa hai nước mang đến lợi ích cho cả hai nước khi các quy định nghiêm ngặt về giãn cách xã hội đã khiến kinh tế hai nước chịu tổn thất lớn. Theo Cục thống kê Úc, từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 4, Úc đã mất gần 1 triệu việc làm.
Khi kiểm soát được dịch bệnh, Úc đã mở lại một số bãi biển nổi tiếng (chỉ bơi lội và lướt sóng) và sẽ sớm tiếp tục mở cửa các dịch vụ phẫu thuật, chăm sóc răng miệng và điều trị sinh sản.
Trong khi đó, mặc dù từng là điểm "nóng" của đại dịch COVID-19 bên ngoài Trung Quốc, song chưa bao giờ phải áp dụng lệnh phong tỏa bắt buộc. Tuy vậy các quy định giãn cách xã hội nghiêm ngặt để phòng dịch đã được tuân thủ rộng rãi từ tháng 3. Tới nay, Hàn Quốc đã khôi phục phần lớn nhịp sống bình thường khi người lao động trở lại công sở, các bảo tàng, thư viện cũng mở lại khi nhiều quy định giãn cách xã hội được nới lỏng.
Hàn Quốc cũng đã mở cửa thị trường du lịch nội địa, mặc dù một quận đã cắt những cánh đồng hoa tulip để tránh thu hút đám đông. Hàn Quốc, với các ổ dịch ban đầu xuất phát từ nhà thờ giáo phái Tân Thiên Địa, giờ đây đặc biệt quan tâm tới các cơ sở tôn giáo. Nhiều nhà thờ yêu cầu tín đồ đặt chỗ trước mỗi lần tham dự nhằm giới hạn người tới cầu nguyện. Đeo khẩu trang là yêu cầu bắt buộc tại các nhà thờ.
Các kịch bản về thiệt hại GDP các nước tại châu Á do COVID-19 gây ra. |
Nhờ phản ứng nhanh, dứt khoát và minh bạch trong dịch COVID-19, Đài Loan đến nay tránh được tình huống phải phong tỏa mọi hoạt động kinh tế, xã hội trên diện rộng giống Trung Quốc và nhiều nước khác. Một số biện pháp dứt khoát được áp dụng sớm ở Đài Loan là cấm người đến từ Trung Quốc nhập cảnh, không cho du thuyền cập bến, phạt nghiêm khắc người vi phạm lệnh cách ly tại nhà...
Bên cạnh đó, chính quyền Đài Loan đẩy mạnh sản xuất khẩu trang y tế trong nước, tiến hành xét nghiệm trên diện rộng, bao gồm cả những người trước đó bị viêm phổi không xác định được nguyên nhân.
Vẫn cảnh giác cao độ
Tuy nhiên, tại các quốc gia và vùng lãnh thổ này, các quan chức cảnh báo rằng cuộc sống vẫn chưa trở lại bình thường nên vẫn cần cảnh giác với dịch bệnh. Nhiều khuyến cáo đưa ra khả năng xảy ra một đợt bùng phát virus thứ hai vào mùa đông tới. Hàn Quốc dự định sẽ tiếp tục lấy mẫu kiểm tra rộng rãi và tăng cường theo dõi bằng camera an ninh, dữ liệu thẻ tín dụng và dữ liệu vị trí của điện thoại di động.
New Zealand đang tiến thêm một bước khi đặt mục tiêu loại bỏ virus hoàn toàn. Tuy nhiên, quyết tâm này được các chuyên gia phòng chống dịch bệnh cho rằng “sẽ gặp nhiều khó khăn”. Hơn nữa, việc loại bỏ sẽ đòi hỏi kiểm soát biên giới nghiêm ngặt cao nhất. Hiện tại, hầu hết người nước ngoài đều bị cấm vào nước này, trong khi những công dân trở về được cách ly trong 14 ngày trong các khách sạn được giám sát.
Để loại bỏ dịch bệnh lây lan, New Zealand được cho là sẽ phải đóng cửa với người nước ngoài trong một năm. Ngay cả khi thành công, nhiều ngành công nghiệp lớn ở New Zealand không thể hy vọng trở lại bình thường. Các hạn chế về du lịch sẽ làm giảm khoảng 5% GDP nước này và khiến 100.000 người mất việc. Đóng cửa biên giới cũng sẽ là một đòn giáng mạnh vào ngành nông nghiệp.
Các nhà xuất khẩu đang vật lộn để tìm các chuyến bay để chuyên chở hàng. Trước cuộc khủng hoảng, 80% hàng hóa hàng không New Zealand được vận chuyển trên các máy bay chở khách. Nhưng Air New Zealand, hãng hàng không quốc gia, đã cắt giảm 95% các chuyến bay chở khách quốc tế.
Hàn Quốc vẫn mở cửa nhập cảnh cho người nước ngoài, với điều kiện họ phải cách ly trong 14 ngày. Một số doanh nhân trong các chuyến đi ngắn ngày được kiểm tra khi đến và nếu âm tính, có thể đi du lịch rộng rãi với điều kiện phải trả lời mỗi khi nhân viên y tế gọi và thường xuyên ghi lại bất kỳ triệu chứng nào thông qua một ứng dụng trên điện thoại.
Các điểm du lịch nổi tiếng ở Trung Quốc, nơi dịch bệnh bùng phát hồi tháng 12.2019, bắt đầu tiếp nhận du khách nhưng giới hạn nghiêm ngặt về quy mô của mỗi đoàn du lịch. Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh chỉ cho phép 5.000 người tham quan mỗi ngày, so với trung bình 80.000 lượt khách mỗi ngày trước đại dịch. Tại Hong Kong, các thư việc được cho phép mở cửa hoạt động nhưng người tới sử dụng thư viện chỉ được phép lưu lại một giờ.
Việc hạn chế số người tụ tập được chính phủ các nước áp dụng phổ biến. Tại Sydney, người dân chỉ có thể tiếp 2 khách cùng lúc tại nhà, trong khi Hong Kong cấm tụ tập tại nơi công cộng từ 5 người trở lên. Các hoạt động ngoài trời tại Đài Loan bị giới hạn ở quy mô 500 người.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Thái Huệ